Thông tin từ Ban Quản lý Vườn quốc gia Bến En (Thanh Hóa) cho biết, triển khai đề tài khoa học "Nghiên cứu đặc điểm sinh học, xây dựng mô hình nuôi sinh sản và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển loài Cheo Cheo tại Vườn quốc gia Bến En, giai đoạn 2023 - 2026", lực lượng kiểm lâm đã phát hiện loài Cheo Cheo xuất hiện tại 10 tuyến điều tra, trải dài trên hơn 30km đường rừng.
Các cán bộ kiểm lâm đã ghi nhận từng dấu vết, đặc điểm sinh thái của loài này. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ loài Cheo Cheo khỏi những mối đe dọa tiềm ẩn ở vùng đệm cũng đang là nhiệm vụ cấp bách.

Cheo Cheo sống đơn độc giữa rừng già
Đặc biệt, một khu vực bảo tồn đặc biệt dành riêng cho Cheo Cheo bán hoang dã, với sự góp mặt của 20 cá thể (15 cái và 5 đực), đang dần hình thành. Khu vực này hứa hẹn sẽ tạo ra môi trường sống lý tưởng cho loài động vật quý hiếm này, giúp chúng phát triển và sinh trưởng .

Kiểm lâm viên thực hiện việc điều tra loài Cheo Cheo tại Vườn quốc gia Bến En
Thời gian tới, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bến En sẽ tiếp tục khảo sát tình hình chăn nuôi và các mối đe dọa đối với loài Cheo Cheo tại vùng đệm. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng bản đồ phân bố của Cheo Cheo tại các khu rừng Bến En và mô hình nuôi Cheo Cheo sinh sản .
Cheo Cheo (Tragulus kanchil) là loài động vật nhỏ bé, thanh tú với lối sống ẩn dật, đơn độc giữa rừng già . Chúng thường thức giấc khi màn đêm buông xuống để kiếm ăn, đồng thời sở hữu khả năng trốn chạy "siêu tốc" khi gặp nguy hiểm. Đây là loài thú móng guốc nhỏ, có bộ lông ngắn, mịn, bụng trắng, đuôi ngắn, mặt trên xám giống màu lưng và mặt dưới trắng. Hai chân trước ngắn hơn hai chân sau, bàn chân có 4 ngón. Cheo Cheo sở hữu vẻ đẹp hoang dã độc đáo . Thức ăn của chúng bao gồm chồi non, hoa, quả, hạt, cỏ và nấm.

Cheo Cheo có tên trong Sách Đỏ Việt Nam
Tại Việt Nam, Cheo Cheo phân bố chủ yếu ở các vùng rừng núi thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Đồng Nai, Tây Ninh. Tại Thanh Hóa, loài này đã được ghi nhận tại Vườn quốc gia Bến En. Hiện, Cheo Cheo là loài động vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam . Chính vì vậy, dự án bảo tồn Cheo Cheo tại Bến En được thực hiện với mục tiêu duy trì và bảo vệ nguồn gen của loài này lâu dài.
Vườn quốc gia Bến En có diện tích khoảng 14.305,9 héc-ta, với 30.000 héc-ta rừng vùng đệm, phần lớn là rừng nguyên sinh, nằm trên địa bàn hai huyện Như Xuân và Như Thanh ( Thanh Hóa ). Nơi đây sở hữu hệ sinh thái động, thực vật phong phú với nhiều kiểu rừng khác nhau, từ rừng kín thường xanh đến rừng tre nứa, tạo điều kiện sống lý tưởng cho vô số loài thực vật và động vật. Đặc biệt, Bến En là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới.
Hoặc