Nhận lệnh từ Thủ tướng, một thị trường xuất khẩu mới nổi quy mô 2.000 tỷ USD sẽ được tập trung khai thác

Admin

15/05/2025 20:30

Thị trường này dự kiến chi tiêu 15.000 tỷ USD cho thực phẩm vào năm 2050 nhưng Việt Nam hiện mới có 20 sản phẩm thâm nhập.

Văn phòng Chính phủ đã có công văn 4169/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal.

Nhận lệnh từ Thủ tướng, một thị trường xuất khẩu mới nổi quy mô 2.000 tỷ USD sẽ được tập trung khai thác- Ảnh 1.

Việt Nam có cơ hội gì?

Thị trường thực phẩm Halal (cho người Hồi giáo) được đánh giá là thị trường tiềm năng khi số lượng người Hồi giáo hiện nay khoảng 2 tỷ người, chiếm 25% tổng dân số toàn cầu. Đông Nam Á là nơi có lượng người Hồi giáo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 42% tổng dân số khu vực.

Chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050, theo Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).

Mặc dù tiềm năng nhưng thị trường này mới có 10% nhu cầu được thỏa mãn. Vì vậy, cơ hội để hàng Việt tiến vào thị trường này rất lớn.

Thực tế, câu chuyện mở rộng xuất khẩu sang thị trường Halal đã được nhắc tới vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, thị trường này chỉ thực sự được quan tâm khi các thị trường truyền thống của Việt Nam như Mỹ đang có nhiều chính sách siết lại nhập khẩu.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025 mới đây, Bộ Công thương và các đơn vị liên quan cũng tập trung thảo luận về chủ đề "Xúc tiến thương mại tăng cường khai thác thị trường sản phẩm Halal toàn cầu"

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá thị trường Halal toàn cầu trị giá 2 nghìn tỷ USD mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, đây là thị trường cần phải quan tâm chiếm lĩnh.

"Với tỷ trọng toàn thị trường trị giá 2 nghìn tỷ USD, chúng ta chỉ cần chiếm thị phần 10% cũng đã mang lại giá trị rất lớn. Nếu phấn đấu trong vòng 5 năm với tốc độ tăng trưởng hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm tỷ trọng cao trong thị trường Halal toàn cầu", Thứ trưởng dự báo.

Đâu là thách thức?

Nhận lệnh từ Thủ tướng, một thị trường xuất khẩu mới nổi quy mô 2.000 tỷ USD sẽ được tập trung khai thác- Ảnh 2.

Với khả năng xuất khẩu trên 50 tỷ USD nông sản mỗi năm, Việt Nam đang trở thành một trong những nhà cung cấp thực phẩm hàng đầu thế giới. Tuy vậy, Việt Nam vẫn chưa có tên trong danh sách 20-30 nước cung cấp thực phẩm Halal toàn cầu.

Đặc thù của thị trường thực phẩm cho người Hồi giáo là phải có chứng nhận Halal (không được sử dụng chất cấm mà đạo Hồi quy định, cần đảm bảo sự nhân đạo trong sản xuất...).

Hiện nay, Việt Nam có gần 1.000 doanh nghiệp đã được chứng nhận này và có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Halal.

Tuy nhiên, ông Zafer Gedikli, Chủ tịch Hội đồng Halal Thế giới cũng chỉ ra thách thức đối với doanh nghiệp Việt là sự hiểu biết về yêu cầu Halal, từ việc tìm nguồn nguyên liệu đến quy trình chế biến và đóng gói.

"Lấy một ví dụ đơn giản, ở Việt Nam chắc hẳn việc thêm một vài giọt rượu vào nước sốt khi đi ăn nhà hàng là điều hoàn toàn bình thường, song lại là điều không được phép đối với người Hồi giáo. Tín đồ Hồi giáo ăn thịt bò, thịt gà và thịt cừu, nhưng tất cả các loại động vật này đều phải được giết mổ theo nghi lễ của người Hồi giáo. Nếu không, họ sẽ không thể tiêu thụ chúng", ông Zafer Gedikli chia sẻ trong Hội nghị giao ban với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025.

Vị chuyên gia nhấn mạnh cần sự nỗ lực của các cơ quan chính phủ, các hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp đầu tư vào việc nâng cao nhận thức về Halal, đơn giản hóa quy trình chứng nhận và tích cực quảng bá sản phẩm Halal của Việt Nam trên thị trường quốc tế.