Người đàn ông mang hơn 14,5 tỷ đồng tiền đền bù đất đi gửi tiết kiệm, 1 năm sau đến rút thì được thông báo: “Tiền của anh chưa từng được gửi vào ngân hàng”

Admin

11/07/2025 16:01

Đặt niềm tin sai chỗ, người đàn ông Trung Quốc tá hỏa khi biết tin toàn bộ tiền của mình đã biến mất sau 1 năm gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Tiền gửi mất sạch chỉ sau 1 năm

Năm 2023, Anh Chu ở Nghĩa Ô, Chiết Giang, Trung Quốc, nhận được hơn 4 triệu NDT (hơn 14,5 triệu đồng) tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Lo sợ việc giữ tiền mặt không an toàn, anh quyết định gửi toàn bộ số tiền vào một chi nhánh ngân hàng có tiếng trong khu vực, với mong muốn vừa đảm bảo an toàn, vừa được hưởng lãi suất ổn định.

Tại đây, dưới sự tư vấn của người quản lý họ Vương, anh Chu đã quyết định chọn gửi toàn bộ số tiền vào tài khoản tiết kiệm kỳ hạn một năm với mức lãi suất 3,3%, tương đương 132.000 NDT (hơn 480 triệu đồng) tiền lãi. Sau khi nhận sổ tiết kiệm đã được xác nhận và đóng dấu đầy đủ, người đàn ông này ra về với tâm trạng vô cùng phấn khởi.

Năm 2024, tức một năm sau, anh Chu quay lại ngân hàng rút tiền thì được nhân viên thông báo: “Sổ tiết kiệm của anh là giả, hệ thống ngân hàng không có bất kỳ ghi nhận nào về khoản tiền 4 triệu NDT này.”

Người đàn ông mang hơn 14,5 tỷ đồng tiền đền bù đất đi gửi tiết kiệm, 1 năm sau đến rút thì được thông báo: “Tiền của anh chưa từng được gửi vào ngân hàng”- Ảnh 1.

Ảnh: Baijiahao

Nghe tin này, anh Chu vô cùng bàng hoàng và phẫn nộ. Người đàn ông này khẳng định chính quản lý Vương là người đã trực tiếp nhận tiền và cung cấp giấy tờ cho anh. Trước sự kiên quyết của anh Chu, ngân hàng buộc phải mở cuộc điều tra nội bộ.

Kết quả điều tra cho thấy, chính quản lý Vương đã cấu kết với một số nhân viên trong ngân hàng làm giả chứng chỉ tiền gửi và biển thủ toàn bộ số tiền 4 triệu NDT. Nhóm người này đã qua mặt hệ thống kiểm soát của ngân hàng để chiếm đoạt tiền cho mục đích cá nhân, như đầu tư hoặc sử dụng vào các sản phẩm tài chính rủi ro.

Đến thời điểm vụ việc bị phát giác, 4 triệu NDT đã không còn trong tài khoản của anh Chu. Phía ngân hàng cũng chưa thể xác định rõ tung tích số tiền này.

Ngân hàng phủi trách nhiệm, bị khách hàng kiện ra tòa

Khi vụ việc được làm sáng tỏ, phía ngân hàng cho rằng hành vi sai phạm thuộc về cá nhân, không liên quan đến tổ chức. Họ khẳng định đã làm đúng nghĩa vụ cảnh báo rủi ro và thông báo sản phẩm cho khách hàng. Đổi lại, khách hàng cũng phải tự chịu trách nhiệm với quyết định gửi tiền của mình.

Không đồng tình với cách giải quyết của ngân hàng, anh Chu quyết định kiện ngân hàng ra tòa, yêu cầu đơn vị này bồi thường toàn bộ số tiền gốc và lãi đi kèm.

Tại phiên xét xử, hai bên tranh luận gay gắt. Phía nguyên đơn cho rằng chính sơ hở trong hệ thống quản lý nội bộ đã tạo điều kiện cho nhân viên lợi dụng chức vụ để lừa đảo khách hàng. Trong khi đó, ngân hàng tiếp tục khẳng định đây là “lỗi của cá nhân”.

Người đàn ông mang hơn 14,5 tỷ đồng tiền đền bù đất đi gửi tiết kiệm, 1 năm sau đến rút thì được thông báo: “Tiền của anh chưa từng được gửi vào ngân hàng”- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Internet

Trong vụ việc này, hội đồng xét xử cho rằng, ngân hàng với tư cách là một tổ chức tài chính thì cần phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn tiền của khách hàng. Việc nhân viên của đơn vị lợi dụng sơ hở trong quản lý để chiếm đoạt tiền là lỗi của hệ thống, và ngân hàng không thể phủi bỏ trách nhiệm.

Cuối cùng, tòa án địa phương ra phán quyết yêu cầu ngân hàng phải hoàn trả 4 triệu NDT tiền gốc và 132.000 NDT tiền lãi cho anh Chu.

Phát biểu sau phiên tòa, anh Chu chia sẻ: “Vụ kiện này khiến tôi kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần, nhưng tôi tin rằng công lý vẫn tồn tại. Tôi tự hào vì đã bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình.”

Vụ việc này sau khi được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của dư luận xứ Trung. Qua vụ việc này, tòa án Trung Quốc cũng khuyên mọi người nên tìm hiểu và kiểm tra thật kỹ các thông tin về sản phẩm tài chính mà mình sẽ sử dụng để tránh sập bẫy lừa đảo như trường hợp trên.

(Theo Baijiahao)