Mỗi môi trường làm việc là một hệ sinh thái tinh vi. Ở đó, kỹ năng chuyên môn không đủ để một cá nhân tồn tại – điều tạo nên sự khác biệt chính là EQ (trí tuệ cảm xúc). Và đáng tiếc, nhiều người đang "tự chôn" mình chỉ vì những câu nói tưởng vô hại nhưng lại bộc lộ EQ thấp một cách trầm trọng.
1. “Tôi nói thẳng thôi, ai giận thì chịu”
Tâm lý học gọi đây là hành vi phòng vệ ngôn ngữ: khi cá nhân thiếu sự linh hoạt trong ứng xử, họ chọn cách đổ lỗi cho tính cách "thẳng thắn" của mình. Nhưng trên thực tế, thẳng thắn không đồng nghĩa với thiếu kiểm soát lời nói. Một nhân viên EQ cao sẽ chọn cách điều chỉnh giọng điệu, chọn đúng thời điểm góp ý để không gây tổn thương, đó là biểu hiện của sự trưởng thành trong giao tiếp.
Nếu bạn thường xuyên nói câu này, đồng nghiệp sẽ mất lòng tin, tránh tiếp xúc, hình thành vùng "lạnh" trong đội ngũ làm việc.

2. “Chuyện đó không liên quan đến tôi”
Người EQ thấp có xu hướng cắt đứt kết nối xã hội khi không có lợi ích trực tiếp. Tuy nhiên, tâm lý học xã hội chỉ ra rằng, hành vi gắn kết trong công việc là yếu tố then chốt duy trì năng suất tập thể. Trong các tổ chức thành công, văn hóa “tôi – chúng ta” luôn được đề cao hơn “tôi – cá nhân”.
Khi bạn tách mình ra khỏi tập thể, đừng bất ngờ khi… tập thể cũng tách bạn ra khỏi thành công.
3. “Tôi thấy bạn làm không tốt đâu”
Một nhận xét tiêu cực, nếu không được gói gọn trong tinh thần thiện chí và giải pháp cụ thể, sẽ bị tiếp nhận như một đòn công kích cá nhân. EQ cao giúp một người biết góp ý bằng câu hỏi: “Bạn có muốn mình cùng xem lại đoạn này không?”, thay vì khẳng định tiêu cực.
Những lời phê bình không khéo sẽ kích hoạt cơ chế "tự vệ" trong não bộ người nghe, làm tăng mức cortisol (hormone căng thẳng) và khiến họ khép lại mọi tương tác sau này.
4. “Tôi biết rồi, khỏi cần nói nữa”
EQ thấp thường gắn liền với tự mãn. Người EQ cao hiểu rằng, dù kiến thức có sẵn, việc lắng nghe đầy đủ không chỉ là phép lịch sự, mà còn giúp cập nhật góc nhìn mới. Tâm lý học gọi đó là “listening with humility” – lắng nghe bằng sự khiêm tốn.
Nếu bạn thường xuyê nói câu này, bạn có thể mất cơ hội học hỏi, gây khó chịu cho người đang muốn chia sẻ hoặc góp ý.
5. “Lỗi là của bạn, không phải tôi”
Các nghiên cứu về tổ chức cho thấy, những người thường xuyên đổ lỗi thường ít khi được chọn vào vị trí quản lý, vì họ không tạo được sự an toàn tâm lý cho đội nhóm. Ngược lại, người lãnh đạo có EQ cao sẽ nói: “Chúng ta cùng xem điều gì đã xảy ra và rút kinh nghiệm".
Văn hóa đổ lỗi triệt tiêu tinh thần học hỏi và là mầm mống của chia rẽ nội bộ.

6. “Tôi không quan tâm bạn nghĩ gì”
Trong giao tiếp, cảm xúc luôn đến trước lý trí. Một câu nói phủ nhận cảm xúc người khác dễ gây tổn thương sâu sắc, thậm chí là khơi dậy vết thương cũ. Người EQ cao sẽ luôn duy trì không gian chia sẻ và đối thoại, bởi họ hiểu rằng sự tôn trọng là điều kiện cần cho sự hợp tác.
Khi một cá nhân cảm thấy mình bị xem thường, họ có xu hướng rút khỏi giao tiếp, giảm đóng góp sáng tạo và không còn tin tưởng vào tổ chức.
7. “Tôi làm nhiều hơn nên tôi có quyền quyết định”
Đây là kiểu câu nói thể hiện chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, trong khi công sở là nơi của tinh thần hợp tác. Thành tích là điều đáng ghi nhận, nhưng dùng nó để “lấn át” người khác sẽ khiến bạn mất điểm nghiêm trọng. Người EQ cao sẽ chia sẻ công lao và tìm sự đồng thuận thay vì áp đặt.
Kiêu ngạo giết chết khả năng xây dựng niềm tin – thứ duy nhất có thể “truyền lửa” cho đội nhóm.
Trong xã hội hiện đại, EQ không còn là khái niệm mơ hồ. Nó thể hiện rõ qua từng câu nói, từng lần tương tác, từng cách xử lý mâu thuẫn. Những người EQ thấp thường không nhận ra mình đang tự tách biệt khỏi tập thể qua chính những lời nói thiếu cân nhắc.
Nếu IQ quyết định bạn sẽ vào đâu, thì EQ quyết định bạn sẽ ở lại được bao lâu. Và đôi khi, chỉ cần thay đổi cách nói, bạn không chỉ giữ được mối quan hệ mà còn mở ra những cánh cửa không ngờ trong sự nghiệp.
Hãy "soi" EQ của mình mỗi ngày, bằng cách ghi lại một câu nói trong ngày khiến bạn lấn cấn – và đặt câu hỏi: “Nếu là người EQ cao, mình sẽ nói thế nào?”. Đó là bước đầu tiên của trưởng thành cảm xúc – và là bí quyết để tiến xa, tiến bền.
Hoặc