Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) thường được biết đến với các triệu chứng như mất tập trung, hiếu động thái quá hoặc bốc đồng. Tuy nhiên, có nhiều biểu hiện khác ít người biết nhưng lại rất phổ biến ở những người có kiểu thần kinh này.
Nếu bạn thấy mình liên quan đến những dấu hiệu sau, có thể đáng để tìm hiểu thêm về ADHD.
1. Uống cà phê xong lại buồn ngủ
Trong thần kinh học, có một khái niệm gọi là “mức kích thích tối ưu”, tức là mỗi người có một ngưỡng kích thích phù hợp để hoạt động hiệu quả. Nếu thiếu kích thích, ta sẽ thấy buồn chán, mệt mỏi, uể oải.
Với người mắc ADHD, ngưỡng này thường cao hơn do hệ thần kinh của họ hoạt động dựa vào dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến động lực và sự tập trung. Chất kích thích như caffeine giúp tăng dopamine và “kích thích” hệ thần kinh trung ương.
Đối với một số người ADHD, caffeine giúp họ đủ tỉnh táo để ngồi yên, tập trung vào công việc nhàm chán, thậm chí dễ ngủ hơn. Trong khi đa số người uống cà phê để tỉnh táo, người ADHD sau khi uống lại cảm thấy buồn ngủ vì nó đưa họ về gần mức kích thích tối ưu.

Ảnh minh hoạ.
2. Cần nhạc to để tập trung
Một cách giúp não bộ ADHD đạt đến mức kích thích tối ưu là âm nhạc. Với nhiều người ADHD, nghe nhạc to khi học hay làm việc giúp họ tự điều chỉnh sự tập trung.
Một nghiên cứu cho thấy, thanh thiếu niên mắc ADHD có khả năng đọc hiểu tốt hơn khi có nhạc nền, trong khi những người không mắc ADHD lại khó tập trung trong môi trường không yên tĩnh. Điều này cho thấy mỗi kiểu não bộ có cách vận hành khác nhau, không phải ai cũng cần im lặng để tập trung.

Ảnh minh hoạ.
3. Bình tĩnh khi có khủng hoảng xảy ra
Não ADHD thường trong trạng thái “thiếu kích thích”, do đó người mắc ADHD dễ trở nên bồn chồn, hiếu động. Khi xảy ra khủng hoảng, sự gia tăng adrenaline có thể đưa họ về trạng thái kích thích lý tưởng, khiến họ cảm thấy bình tĩnh, sáng suốt trong lúc người khác hoảng loạn.
Tuy nhiên, sau những thời điểm căng thẳng này, người ADHD thường rơi vào trạng thái “sập nguồn”, mệt mỏi cực độ. Nếu bạn thường là người bình tĩnh nhất giữa lúc hỗn loạn, có thể là do não bạn đang hoạt động dưới mức bình thường và đó cũng có thể là dấu hiệu liên quan đến ADHD.
4. Không chịu được nơi ồn ào
Nghe có vẻ mâu thuẫn, bạn cần nhạc to để tập trung nhưng lại dễ cáu gắt khi ở nơi ồn ào? Sự khác biệt nằm ở yếu tố “kiểm soát”. Khi bạn tự chọn nghe nhạc, bạn không cần sử dụng giác quan để tương tác, do đó âm thanh không gây xung đột với nhiệm vụ.
Còn khi ở nơi đông người, nhiều âm thanh hỗn loạn mà bạn lại phải lắng nghe, giao tiếp, bộ não ADHD gặp khó khăn trong việc lọc thông tin, dẫn đến cảm giác quá tải. Nhiều người ADHD cũng được chẩn đoán kèm rối loạn xử lý âm thanh.
Nếu bạn thường xuyên phải nhờ người khác nhắc lại, dù đang rất cố gắng nghe, đó có thể là một dấu hiệu của ADHD.

Ảnh minh hoạ.
5. Bạn thường “siêu tập trung” (hyperfocus)
ADHD không phải là thiếu sự chú ý mà là thiếu khả năng điều tiết sự chú ý. Một mặt khác của ADHD là trạng thái “siêu tập trung”, khi bạn dồn toàn bộ sự chú ý vào một việc nào đó đến mức quên ăn, quên ngủ, quên cả thời gian.
Trạng thái này thường xảy ra khi bạn thực sự quan tâm đến một điều gì đó: một sở thích mới, một người bạn mới, hay một món ăn mới. Nhưng khi điều đó trở nên quen thuộc, nhàm chán hoặc bị biến thành “nhiệm vụ”, bạn gần như không thể quay lại với nó và lại tìm kiếm thứ mới.
Hyperfocus có thể là một công cụ mạnh mẽ nhưng bạn không thể điều khiển khi nào nó xảy ra. Nếu bạn từng đắm chìm hàng giờ đồng hồ trong một điều gì đó rồi sau đó lại mất hết hứng thú, đó có thể là dấu hiệu của ADHD.
Theo Psychology Today
Hoặc