Dự án xây dựng cầu Đuống mới nguy cơ chậm tiến độ
Dự án xây dựng cầu Đuống mới, công trình trọng điểm kết nối quận Long Biên và huyện Gia Lâm, đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ hoàn thành theo kế hoạch năm 2025 do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Dự án cầu Đuống mới, được phê duyệt vào năm 2022 và do Ban Quản lý dự án đường sắt (thuộc Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Công trình gồm hai phần cầu đường bộ và đường sắt vượt sông Đuống, cách nhau khoảng 100m, thiết kế hiện đại với tĩnh không thông thuyền tăng lên giúp nâng cao năng lực vận tải thủy trên tuyến hành lang thủy nội địa số 1.

Phối cảnh cầu sông Đuống trong tương lai - Ảnh: Ban QLDA đường sắt
Cầu đường bộ dài 382m, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp dây văng, rộng 18,5m với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, cùng đường dẫn hai đầu dài khoảng 700m kết nối các điểm nút giao quan trọng. Cầu đường sắt dài 1km, gồm 6 nhịp dầm thép dài 280m, phù hợp với khổ đường sắt kép 1.000mm và 1.435mm, vận tốc tối đa 80km/h, đồng thời kết nối vào quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội.
Dự án khởi công từ tháng 7/2024 với mục tiêu hoàn thành trong năm 2025. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đang gặp nhiều khó khăn khi UBND quận Long Biên và huyện Gia Lâm mới bàn giao được khoảng 4.000m² đất công, đất vườn hoa, cây xanh. Trong khi đó, hơn 49ha diện tích còn lại vẫn chưa được bàn giao, khiến phần đường dẫn và cầu cạn không thể thi công. Hiện tại, chỉ phần cầu đường bộ qua lòng sông với các trụ T4, T5 đang được thi công và dự kiến hoàn thành quý II/2025.

Dự án xây dựng cầu Đuống mới nguy cơ chậm tiến độ. Ảnh: Diễn đàn đô thị
Ban Quản lý dự án đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị UBND thành phố Hà Nội tháo gỡ vướng mắc, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khả thi, đặt dự án trước nguy cơ phải tạm dừng thi công từ tháng 7/2025 do thiếu mặt bằng. Nếu tình trạng này kéo dài, việc hoàn thành cầu Đuống mới đúng tiến độ sẽ rất khó khả thi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu thông liên tỉnh, kết nối giao thông khu vực phía Đông Bắc Thủ đô cũng như phát triển kinh tế – xã hội.
Cầu Đuống mới không chỉ có vai trò quan trọng trong giảm tải áp lực giao thông cho Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, mà còn nâng cao năng lực vận tải thủy, thúc đẩy phát triển bền vững khu vực. Do đó, việc nhanh chóng giải quyết các khó khăn về mặt bằng để đảm bảo tiến độ dự án là nhiệm vụ cấp bách cần sự phối hợp đồng bộ từ các cấp chính quyền và cơ quan liên quan.
Cầu Đuống trải qua bao thăng trầm lịch sử
Nối 2 bờ sông Đuống, cây cầu Đuống không chỉ là công trình giao thông quan trọng mà còn là một biểu tượng lịch sử gắn bó với miền Bắc Việt Nam suốt hơn một thế kỷ qua. Được xây dựng từ năm 1902, cầu Đuống là một trong những cây cầu cổ nhất của khu vực, vừa phục vụ đường bộ vừa kết hợp đường sắt trên trục giao thông huyết mạch Hà Nội – Lạng Sơn.
Cầu lúc đó có 5 nhịp, 2 mố và 5 trụ. Các mố và trụ có móng bằng giếng chìm, có khả năng chịu đựng lưu lượng dòng chảy là 4.500m3/s. Nhịp chính giữa là nhịp xoay, nằm trên trụ số 3 là một trụ tròn. Mỗi khi có tàu bè, nhịp này có thể xoay để tàu bè qua lại được dễ dàng. Cầu bắc chéo dòng chảy của sông một góc khoảng 45 độ.
Thời chiến tranh, câu Đuống đã bị máy bay Mỹ ném bom đánh hỏng. Để dùng tạm, người ta đã gia cố trụ cầu và thay nhịp cầu. Từ đó, nhịp chính giữa không còn là nhịp xoay.

Cầu Đuống được xây dựng từ năm 1902, là tuyến huyết mạch nối quận Long Biên với huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: GDTĐ
Trải qua hơn 120 năm hoạt động, cầu Đuống chứng kiến bao thăng trầm lịch sử của đất nước, từ những năm tháng chiến tranh đến thời kỳ phát triển kinh tế, trở thành một chứng nhân sống động cho sự đổi thay của Hà Nội và vùng Đông Bắc. Kết cấu cầu mang dấu ấn kiến trúc thời Pháp thuộc, giữ nguyên giá trị kỹ thuật và văn hóa độc đáo dù trải qua nhiều lần sửa chữa và bảo trì.
Cầu Đuống vẫn giữ vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông lâu dài, là điểm nối quan trọng trên quốc lộ cũ và tuyến đường sắt huyết mạch, phục vụ hàng ngàn lượt phương tiện và hành khách mỗi ngày. Đồng thời, cây cầu còn là một điểm nhấn văn hóa – lịch sử, thu hút nhiều người dân và du khách đến tham quan, lưu giữ ký ức về quá khứ.
Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ khai thác, cầu Đuống dần xuống cấp, không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển giao thông hiện đại. Với tĩnh không thông thuyền hạn chế chỉ 2,8m vào mùa nước cao, khoang thông thuyền hẹp 26m, cùng mặt cầu nhỏ hẹp, lưu lượng phương tiện tăng cao gây ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ an toàn giao thông. Đặc biệt, cầu không còn phù hợp với tiêu chuẩn giao thông thủy nội địa hiện nay.
Hiện nay, kế hoạch xây dựng cầu Đuống mới đang được triển khai nhằm thay thế cầu cũ, đáp ứng nhu cầu giao thông phát triển và đảm bảo an toàn, hiện đại hơn. Dù vậy, cầu Đuống cổ vẫn luôn được nhiều người trân trọng như một biểu tượng kết nối lịch sử và tương lai của vùng đất Hà Nội.
Hoặc