Những ngày cuối tháng 5/2025, đại công trường xây dựng Sân bay Quốc tế Long Thành vừa hoàn thành một trong những hạng mục then chốt và phức tạp nhất của Giai đoạn 1: Nâng thành công mái vòm thép trung tâm nặng hơn 5.300 tấn, rộng 20.000 mét vuông phía trên nhà ga hành khách.
Mái thép này không chỉ siêu nặng mà còn có diện tích gấp khoảng 2,8 lần diện tích một sân bóng đá quốc tế tiêu chuẩn (theo quy định của FIFA, sân bóng tiêu chuẩn rộng 7.140 mét vuông).
"Đây là kết cấu thép phức tạp nhất tại Việt Nam, với giàn không gian có khối lượng lớn, nhiều điểm nâng, đòi hỏi kỹ thuật cao và sự phối hợp cực kỳ chính xác. Khi hệ kết cấu thép được nâng lên đúng độ cao (15 mét), toàn thể đội ngũ tại công trường vỡ òa niềm vui, bắt tay và ôm nhau chúc mừng thành quả sau bao ngày đêm nỗ lực" - Ông Nguyễn Lương Bình, Phó TGĐ Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng (CONINCO) cho biết.
Hệ kết cấu thép tại nhà ga sân bay Long Thành, với 256 điểm kết nối, được thực hiện dưới sự kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn châu Âu EN 1090. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về sản xuất, gia công, và lắp dựng kết cấu thép và nhôm, đảm bảo tính an toàn, độ bền, và chất lượng của kết cấu trong các công trình xây dựng.
Tiêu chuẩn EN 1090 tuy không trực tiếp liên quan đến công trình xanh, nhưng nó hỗ trợ gián tiếp thông qua việc đảm bảo chất lượng và hiệu quả sử dụng vật liệu thép, vốn là một vật liệu có tiềm năng tái chế cao.
Cụ thể:
- Kiểm soát chất lượng, độ bền nhằm đảm bảo an toàn cho con người: EN 1090 yêu cầu các cấu kiện thép được sản xuất và lắp dựng với độ chính xác cao, giảm thiểu sai sót và lãng phí vật liệu trong quá trình thi công. Điều này gián tiếp góp phần vào việc sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, một yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững.
- Góp phần tái chế thép, phát triển tuần hoàn: Thép là vật liệu có khả năng tái chế 100%, và việc tuân thủ EN 1090 đảm bảo rằng các cấu kiện thép đạt chất lượng cao, có thể được tái sử dụng hoặc tái chế trong tương lai, phù hợp với nguyên tắc bền vững.
Dự án Sân bay quốc tế Long Thành - Sân bay lớn nhất Việt Nam
- Vị trí: Huyện Long Thành, Đồng Nai, cách TP. Hồ Chí Minh 40 km.
- Quy mô: Diện tích 5.000 hecta, công suất 100 triệu khách/năm và 25 triệu tấn hàng hóa/năm (3 giai đoạn). Giai đoạn 1: 25 triệu khách/năm, 1 nhà ga, 1 đường băng (4.000 m).
- Tổng đầu tư: 109.717,499 tỷ đồng (nguồn: Báo điện tử Chính phủ, ngày 29/3/2025).
- Tiến độ: 2020 - 2026 (cơ bản hoàn thành trong năm 2025).
Kết cấu thép mái nhà ga sân bay Long Thành do Liên danh nhà thầu Vietur đảm nhiệm thi công trong khuôn khổ gói thầu 5.10. Liên danh này bao gồm 10 thành viên, trong đó Công ty Cổ phần Kết cấu Thép ATAD là một trong những đơn vị chủ chốt chịu trách nhiệm chính cho việc gia công, chế tạo và lắp dựng kết cấu thép mái.
ATAD - với kinh nghiệm xây dựng hơn 4.000 công trình trên toàn thế giới - đã phối hợp với nhà thầu phụ VSL Thụy Sĩ để thực hiện thành công việc nâng hệ kết cấu thép mái trung tâm nhà ga, sử dụng phương pháp kích thủy lực (Lifting) tiên tiến, với 56 thiết bị kích thủy lực chuyên dụng, mỗi chiếc chịu tải từ 40 đến 330 tấn.
Hệ thống mái này có diện tích gần 20.000 mét vuông, với một cánh vươn dài 41 mét, đòi hỏi độ chính xác cao và ứng dụng các công nghệ tiên tiến như giám sát tải trọng, mô phỏng 3D, và BIM (Building Information Modeling - tạo mô hình công trình ảo).
Hiện, hơn 10.000 kỹ sư và công nhân trong nước cũng như quốc tế cùng 3.000 thiết bị máy móc đang làm việc thần tốc để Sân bay quốc tế Long Thành cơ bản hoàn thành trước ngày 31/12/2025.
Hoặc