Đề xuất kéo dài nghỉ thai sản khi sinh con thứ hai, vi phạm luật Dân số có thể bị phạt đến 100 triệu đồng

Admin

27/05/2025 12:30

Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân cho Dự thảo Luật Dân số với nhiều nội dung đổi mới mạnh mẽ, trong đó đáng chú ý là đề xuất kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên 7 tháng cho phụ nữ sinh con thứ hai, cho phép cá nhân, cặp vợ chồng được tự quyết số con và khoảng cách sinh...

Một trong những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Dân số là quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp cho nam nữ trước khi kết hôn các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản liên quan trực tiếp đến cuộc sống vợ chồng; chăm sóc, nuôi dạy con; củng cố giá trị mỗi gia đình nên có hai con, nuôi dạy con tốt và tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh vô sinh.

Đáng chú ý, điểm đột phá của Dự thảo Luật Dân số là trao quyền cho cá nhân và các cặp vợ chồng trong việc quyết định thời điểm sinh con, số lượng con và khoảng cách giữa các lần sinh. Đây là thay đổi lớn so với Pháp lệnh Dân số năm 2003 (sửa đổi năm 2008), vốn có nhiều quy định hạn chế.

Theo Bộ Y tế, quy định mới sẽ tạo hành lang pháp lí thống nhất, đồng bộ, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác dân số, đồng thời góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề dân số đang đặt ra trong bối cảnh mới như mức sinh thấp, già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh...

Đề xuất kéo dài nghỉ thai sản khi sinh con thứ hai, vi phạm luật Dân số có thể bị phạt đến 100 triệu đồng- Ảnh 1.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân cung cấp các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản

Dự thảo luật cũng quy định biện pháp duy trì mức sinh thay thế, như yêu cầu Chính phủ định kì công bố tình trạng mức sinh để các địa phương căn cứ xây dựng chính sách phù hợp. Với những nơi có mức sinh quá thấp, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội để có giải pháp can thiệp kịp thời.

Đề xuất tăng nghỉ thai sản lên 7 tháng khi sinh con thứ hai

Một chính sách khác được nhiều người lao động quan tâm là đề xuất cho phép nữ lao động sinh con thứ hai được nghỉ thai sản 7 tháng, thay vì 6 tháng như quy định hiện hành tại Bộ luật Lao động năm 2019. Những trường hợp khác vẫn áp dụng theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, Dự thảo cũng đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho phụ nữ sinh đủ hai con tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Nhóm đối tượng này sẽ được đưa vào diện được hưởng chính sách theo Điều 76 Luật Nhà ở năm 2023.

Đề xuất kéo dài nghỉ thai sản khi sinh con thứ hai, vi phạm luật Dân số có thể bị phạt đến 100 triệu đồng- Ảnh 2.

Đề xuất tăng nghỉ thai sản lên 7 tháng khi sinh con thứ hai.

Về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, vấn đề nhức nhối nhiều năm nay, Dự thảo Luật Dân số tiếp tục kế thừa quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Chính phủ sẽ công bố định kì danh sách các địa phương có tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao, rất cao, hoặc đã đạt mức cân bằng tự nhiên.

Đặc biệt, dự thảo đề xuất tăng mức phạt hành chính trong lĩnh vực dân số lên đến 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm luật Dân số như: lựa chọn giới tính thai nhi, cung cấp dịch vụ hoặc thiết bị phục vụ cho việc này. Việc tăng chế tài sẽ kéo theo việc sửa đổi Luật Xử lí vi phạm hành chính.

Song song đó là các biện pháp truyền thông, giáo dục nhằm xóa bỏ tư tưởng "trọng nam khinh nữ", nâng cao vị thế phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội.

Thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số

Trước thực tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, Dự thảo Luật Dân số dành hẳn một chương quy định các chính sách ứng phó. Bao gồm phát triển mạng lưới chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng và cơ sở tập trung, đào tạo nhân lực chuyên ngành lão khoa, hỗ trợ tài chính cho người học và nhân viên chăm sóc...

Đáng chú ý, Dự thảo đề xuất Nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi chưa có BHYT, bảo đảm chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhóm dân số này.

Cùng với đó, luật cũng đưa ra các biện pháp nâng cao chất lượng dân số, như: tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; sàng lọc, chẩn đoán và điều trị trước sinh và sơ sinh; đặc biệt là hỗ trợ các nhóm yếu thế như người dân vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn.

Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Dự thảo Luật Dân số đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật khác như: Luật Xử lí vi phạm hành chính, Bộ luật Lao động, Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm y tế... nhằm bảo đảm hiệu lực thi hành và triển khai các chính sách dân số một cách hiệu quả.

Hiện dự thảo Luật Dân số đang được công bố rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân. Bộ Y tế khẳng định, việc ban hành luật này là bước đi quan trọng để đảm bảo công tác dân số không chỉ dừng lại ở kế hoạch hóa gia đình mà gắn với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong dài hạn.