Đường Tăng: kiểu sếp có lý tưởng, sống tử tế, nhưng dễ ngã vào "ảo tưởng"
Đường Tăng không giỏi đánh nhau, cũng không có phép thuật gì ghê gớm. Nhưng ông là người dẫn đầu đoàn đi thỉnh kinh, người luôn giữ lửa cho hành trình dù gian nan đến mấy. Là mẫu lãnh đạo có tâm, theo đuổi sứ mệnh và mong muốn dẫn dắt tập thể đi đến nơi có giá trị lâu dài. Luôn đặt đạo đức, chân thiện mỹ lên hàng đầu, ông nghiêm túc, có nguyên tắc, sống ngay thẳng và đầy lòng từ bi.

Nhưng chính sự quá nguyên tắc ấy lại là điểm yếu. Đường Tăng hay bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài, dễ tin người, dễ bị "đẹp mã dụ khị". Bao phen suýt mất mạng vì yêu quái hóa thành thiếu nữ xinh đẹp cũng là từ đó mà ra.
Trong môi trường công sở, Đường Tăng giống như kiểu sếp tử tế, có lý tưởng lớn, luôn nghĩ cho tập thể. Họ hướng tới sứ mệnh dài hạn, có tầm nhìn chiến lược, rất biết cách truyền cảm hứng. Nhưng nếu sếp không đủ hiểu biết chuyên môn ở một số lĩnh vực mới, lại dễ bị nhân viên hoặc đối tác "vẽ vời" thì cũng như "bò lạc".
Có một sếp công nghệ từng rất tâm huyết đưa AI vào toàn bộ hệ thống quản trị. Suy nghĩ này không sai, thậm chí rất tiến bộ. Nhưng, sếp lại không hỏi kỹ đội kỹ thuật, không kiểm chứng mức độ khả thi, chỉ nghe theo lời hứa của những bên tư vấn. Kết quả là sau một năm, phần mềm AI vẫn chưa ra được bản ổn định, nhân sự thì hoang mang, chi phí đội lên, dự án như đâm vào ngõ cụt.
Một Đường Tăng hiện đại có thể rất đáng kính, nhưng nếu không biết lắng nghe người có chuyên môn, không chấp nhận thực tế rằng đôi khi "lý tưởng cần linh hoạt" thì tập thể đi cùng sẽ mệt mỏi đuổi theo lắm.
Tôn Ngộ Không: kiểu nhân viên ngôi sao, tài năng nổi trội, nhưng nóng tính và khó bảo
Ngộ Không là người mạnh nhất trong cả nhóm. Đánh trận nào thắng trận đó, giải quyết gần như toàn bộ rắc rối trên đường đi. Anh nhanh nhẹn, thông minh, nhạy bén với rủi ro, có khả năng phán đoán rất chính xác. Một người như vậy trong công ty chính là nhân viên trụ cột, giỏi chuyên môn, xử lý tình huống tốt, thường là người gánh team trong những pha "nước sôi lửa bỏng".

Thế nhưng Ngộ Không cũng có điểm yếu rõ ràng: nóng nảy, bướng bỉnh và tự cao. Nếu không được tin tưởng hoặc không được ghi nhận đúng cách, anh dễ bất mãn, thậm chí phản ứng gay gắt. Hơn nữa, anh không giỏi "nhẹ nhàng" trong giao tiếp, hay làm sếp phật lòng dù bản thân không có ý xấu.
Trong một team sản phẩm mà tôi từng làm việc, có anh lập trình viên rất giống Ngộ Không. Gặp bug gì là xử trong tích tắc, ra release nào là ổn release đó. Nhưng anh cũng là người rất dễ "động tâm", mỗi lần bị khách hàng góp ý "sản phẩm dở" là sẵn sàng cãi tay đôi. Lãnh đạo không biết cách nói chuyện với anh sẽ khó giữ chân.
Tôn Ngộ Không là nhân viên giỏi, nhưng để phát huy hết tiềm năng, cần người sếp vừa có tầm lại có tâm, biết khi nào phải niệm chú kim cô, khi nào nên buông tay để Ngộ Không "đi mây về gió".
Trư Bát Giới: kiểu nhân viên cảm tính, ham vui, giỏi gắn kết nhưng dễ bị xao nhãng
Bát Giới là nhân vật dễ mến. Anh hài hước, biết quan tâm người khác, thích sự thoải mái và ghét áp lực. Trong đoàn thỉnh kinh, Bát Giới là người hay than thở, hay đòi nghỉ nhưng rồi vẫn bám đoàn, vẫn đi tiếp. Vì thật ra, bên trong cái vẻ lười biếng và tham ăn ấy là một người tình cảm, không bỏ rơi đồng đội.

Trong công ty, Bát Giới là kiểu nhân viên sống thiên về cảm xúc. Là người khuấy động không khí phòng ban, luôn có mặt trong các buổi sinh nhật, team building, gắn kết mọi người bằng tiếng cười. Nhưng họ cũng là kiểu dễ chán, dễ bị lung lay khi gặp cơ hội lương cao hoặc môi trường dễ chịu hơn. Họ không ghét công việc, chỉ là không đủ động lực để vượt qua cám dỗ bản thân.
Tôi từng làm việc với một bạn chạy nội dung rất hợp team. Bạn ấy năng lượng, vui tính, làm việc nhóm cực kỳ hiệu quả. Nhưng mỗi mùa campaign lại đòi nghỉ, vì "áp lực quá", "mất cảm hứng", "muốn nghỉ vài tháng đi du lịch". Dù vậy, lần nào bạn cũng quay lại đúng lúc cần người nhất và vẫn góp phần giúp team cán đích.
Trư Bát Giới là người không thể thiếu nếu bạn muốn có một tập thể ấm áp, thân tình. Nhưng để họ duy trì phong độ, cần một môi trường có cảm xúc, có gắn kết và có chỗ để được là chính mình.
Sa Tăng: kiểu nhân viên lặng lẽ, siêng năng, trung thành, nhưng dễ bị quên lãng
Sa Tăng không nổi bật, không nói nhiều, không đòi hỏi. Anh chỉ âm thầm gánh hành lý, bơi sông, cõng người, dọn dẹp hậu trường. Là người chịu khó, không than phiền, luôn làm đúng vai trò mà không cần ghi công.

Trong môi trường văn phòng, Sa Tăng là nhân sự vận hành, kế toán, quản trị văn phòng hay trợ lý dự án. Họ làm việc ổn định, cẩn thận, không drama. Nhưng chính vì quá ít tiếng nói, họ thường bị đánh giá là "chưa có gì nổi bật", thậm chí bị bỏ qua trong các đợt thăng chức.
Có lần tôi thấy một chị làm hậu cần cho công ty 3 năm, lo từng bó hoa khai trương, từng buổi training nội bộ, xử lý cả trăm yêu cầu lặt vặt mỗi tháng. Vậy mà đến lúc đánh giá hiệu suất, phần nhận xét chỉ gói gọn trong ba chữ: "Làm được".
Sa Tăng không màng công danh, nhưng nếu không nhìn thấy họ, bạn sẽ mất đi một cột trụ âm thầm mà quan trọng hơn bạn tưởng.
Bạch Long Mã: kiểu nhân sự gánh team mà không lên tiếng, vắng là thấy thiếu
Bạch Long Mã là ngựa chở sư phụ. Không đánh trận, không nói nhiều, không được nhắc tên nhiều, nhưng nếu không có ngựa, Đường Tăng lấy gì mà đi suốt hành trình? Vai trò của anh là bền bỉ, kiên trì, chịu khó vượt mọi địa hình.

Trong công ty, Bạch Long Mã là kiểu nhân viên support, IT, tài xế công ty, hoặc những người vận hành hệ thống nội bộ. Họ hiếm khi được tuyên dương, nhưng một ngày họ nghỉ phép là cả văn phòng khựng lại.
Tôi từng thấy một anh kỹ thuật nội bộ - người duy nhất biết cách chỉnh hệ thống máy in màu - xin nghỉ đúng tuần công ty phải in cả trăm bộ tài liệu dự án. Mọi người mới nhận ra, à, chính con người âm thầm ấy thực ra là trục xoay mà cả văn phòng đang dựa vào.
Bạch Long Mã không cần sân khấu, nhưng cũng cần được ghi nhận, bởi họ chính là bánh xe để hành trình không gãy giữa đường.

Tây Du Ký là hành trình đi thỉnh kinh, nhưng cũng có thể phản ánh hình ảnh của một tổ chức, một đội ngũ, nơi mà ai cũng có vai trò riêng. Người lãnh đạo không thể đi một mình. Người tài năng cần được dẫn dắt. Người cảm xúc cần được thấu hiểu. Người âm thầm cần được trân trọng. Và người gánh vác cần được nhìn thấy.
Xem lại bộ phim sau từng ấy năm, tôi bỗng thấy công ty mình đâu đó cũng đang có đủ cả sư phụ, khỉ đá, heo ham vui, ông anh gánh đồ và chú ngựa trắng thầm lặng. Và có lẽ chính nhờ sự khác biệt ấy mà mọi hành trình đều có thể đi đến cuối cùng.
Hoặc