Trà đen (hồng trà) là một trong những đồ uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Theo chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Vandana Sheth, đây là loại trà tốt nhất để kéo dài tuổi thọ và hỗ trợ sức khoẻ tổng thể.
Để tạo ra trà đen, lá trà được oxy hóa hoàn toàn trước khi đưa vào xử lý nhiệt và sấy khô. Quá trình oxy hóa làm lá trà có màu nâu đậm, hương vị đậm đà và tăng mức caffeine trong loại trà này. Một cốc trà đen trung bình (237ml) chứa từ 47 mg caffeine và cao nhất có thể lên tới 90 mg caffeine, gần bằng lượng caffeine trong 1 cốc cà phê có cùng thể tích (chứa khoảng 95 mg caffeine).

Vậy nên trà đen có thể là sự lựa chọn thay thế cà phê nếu bạn đang muốn tỉnh táo, tập trung mà không muốn nạp quá nhiều caffeine vào cơ thể. Trà đen được đánh giá mang lại nhiều lợi ích tương tự trà xanh như bảo vệ tim mạch và não bộ, chứa hàm lượng chất chống oxy hoá cao. Dưới đây là những công dụng cụ thể của loại nước này:
Tốt cho tim mạch
Trà đen rất giàu nhóm chất chống oxy hóa flavonoid có lợi cho sức khỏe tim mạch, giảm huyết áp cao, nồng độ chất béo trung tính, mỡ máu và nguy cơ béo phì. Nghiên cứu cho thấy chất chống oxy hóa theaflavin trong trà đen cũng có thể giúp giảm mức cholesterol.
Tác dụng giảm cholesterol “xấu” của trà đen cũng ngăn ngừa việc tích tụ các mảng bám trong động mạch, gây ra xơ vữa động mạch, suy tim, đột quỵ. Một nghiên cứu năm 2022 trên gần nửa triệu người cho thấy những người thường xuyên uống ít nhất 2 tách trà đen mỗi ngày có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn từ 9% đến 13%. Những người thường xuyên uống trà cũng ít có khả năng tử vong vì đau tim hoặc đột quỵ.
Tăng cường chức năng não bộ
Caffeine trong trà đen giúp tăng sự tỉnh táo, giảm mệt mỏi và giảm nguy cơ trầm cảm. Loại nước này cũng chứa axit amin L-theanine mang lại trạng thái thư giãn nhưng tỉnh táo, giải phóng dopamine cải thiện tâm trạng mà không gây căng thẳng.

Kiểm soát đường huyết
Quá trình oxy hóa trà đen đã tạo ra các hợp chất có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm mạnh, cải thiện độ nhạy insulin, tăng cường chức năng tuyến tụy và ảnh hưởng tích cực vi khuẩn đường ruột.
Một đánh giá được công bố vào năm 2019 cho thấy uống trà đen, trà xanh hoặc trà ô long có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường hoặc các biến chứng của bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu kết luận các loại trà, bao gồm trà đen có khả năng cải thiện tình trạng kháng insulin, giảm bớt phản ứng viêm trong cơ thể.
Một nghiên cứu khác từ năm 2017 ở cả người mắc tiểu đường và người khỏe mạnh cho thấy uống trà đen sau khi uống đường giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Theo dữ liệu được các nhà nghiên cứu trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh tiểu đường Châu Âu tháng 10/2023, những người uống trà đen hàng ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn đến 53%.
Cải thiện sức khỏe đường ruột
Các hợp chất polyphenol trong trà đen có thể giúp duy trì đường ruột khỏe mạnh bằng cách thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi và ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại. Loại trà này cũng chứa đặc tính kháng khuẩn, tiêu diệt các chất có hại trong đường ruột.

Có thể ngăn ngừa một số loại ung thư
Chất chống oxy hóa dồi dào trong trà đen giúp loại bỏ các gốc tự do và giảm tổn thương tế bào trong cơ thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như ung thư. Đặc biệt là chất chống oxy hóa polyphenol được chỉ ra tác dụng giảm nguy cơ phát triển các khối u. Các nghiên cứu đã chứng minh tiềm năng của trà đen trong việc giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư bao gồm ung thư đường tiêu hóa, ung thư vú, buồng trứng, phổi và tuyến giáp.
Ngoài những tác dụng kể trên, trà đen còn có thể giúp cải thiện mật độ xương, giảm nguy cơ viêm khớp dạng thấp, cải thiện tâm trạng và khả năng tập trung cũng như ngăn ngừa bệnh Parkinson.
Lưu ý khi sử dụng trà đen
Trà đen chứa nhiều caffeine nên chỉ nên uống tối đa 3 cốc/ngày, không uống quá sát giờ ngủ để tránh gây rối loạn nhịp tim, mất ngủ, đau đầu. Ngoài ra những người dễ mắc sỏi thận hoặc có nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng vì hàm lượng oxalat cao trong trà đen có thể hình thành sỏi thận.
(Theo Healthline, MedicalNews)
Hoặc