Warren Buffett đã làm gì để đứng trên đỉnh cao của thành công?

Admin

23/05/2025 20:13

Muốn vượt qua khó khăn, chúng ta phải có cái nhìn chính xác và thẳng thắn về những thử thách mà mình phải đối mặt. Cuốn sách của tác giả Vương Nam tập hợp nhiều kinh nghiệm hữu ích để đương đầu với hàng loạt chông gai mà bạn đọc trẻ có thể gặp trên con đường lập nghiệp và khẳng định bản thân.

Warren Buffett là người tự tin và luôn sẵn sàng đón nhận thử thách. Ảnh: Reuters.

Khi có nhiều thứ để lựa chọn, con người ta thường không biết phải lựa chọn thứ nào. Mọi người trên thế giới này đều khao khát thành công và hạnh phúc, chúng ta dành nhiều thời gian để học tập và làm việc, không ngừng tích lũy kinh nghiệm và của cải. Nhưng nếu như phía sau sự nỗ lực, cố gắng kia thiếu đi lòng nhiệt tình thì có lẽ thành công cũng khó xuất hiện.

Có người cho rằng, chỉ những thứ nắm được trong tay mới thực sự là của mình, nếu không thì dù có đẹp đẽ đến mấy cũng chỉ là hư danh mà thôi. Vì thế, khi thời cơ chưa chín muồi mà đã vội vã, hấp tấp hành động thì những thứ có được sẽ không vững chắc, những thứ muốn có tưởng như ở ngay bên cạnh nhưng thực chất lại xa tít mãi tận chân trời.

Nhìn trước ngó sau, chắc chắn không tránh khỏi hoảng sợ mà sinh ra rối loạn. Buồn quá hay vui quá đều gây tổn hại cho tâm hồn, giống như huyết áp tác động vào mạch máu, cao quá hay thấp quá cũng đều ảnh hưởng đến sức khỏe.

Con người ta băn khoăn, do dự phần nhiều bắt nguồn từ nỗi sợ thất bại, hoang mang về thành công. Trên bước đường lập nghiệp, những doanh nhân thành công cũng không thể tránh khỏi thất bại, nhưng họ dám đối diện với thất bại. Bạn sẽ phát hiện ra rằng, các doanh nhân “giỏi” nói về thất bại của mình đều trở thành nhân vật thành công bậc nhất trong lĩnh vực của họ.

Trong cuốn sách Trở thành người bạn ngưỡng mộ nhất của nhà đầu tư, tỷ phú Warren Buffett có đề cập đến việc những người có thể đột phá khỏi vòng vây của thất bại sẽ dễ dàng rút ra kinh nghiệm. Từ đó ông tránh được những sai lầm tương tự để đi tới thành công.

Cái danh “Vua chứng khoán” của Buffett không hoàn toàn đồng nghĩa với việc ông là nhà đầu tư, người chơi chứng khoán thiên tài, cũng không có nghĩa là sự nghiệp của ông chỉ có thành công mà không có thất bại.

Buffett từng đầu tư vào một công ty khí thiên nhiên [1]. Ông bỏ ra hai tỷ USD mua nhiều loại trái phiếu. Cuối cùng ông lại chịu tổn thất do cuộc chiến giá cả về khí thiên nhiên. Không ít trường hợp đầu tư thất bại như vậy đã xảy ra với chính bản thân Buffett. Vậy tại sao những thất bại này lại không hề ảnh hưởng đến uy danh “Vua chứng khoán” của ông ?

Nguyên nhân là vì Buffett sẵn sàng đầu tư, miệt mài nghiên cứu, dám nhìn thẳng vào thất bại và học từ thất bại. Khi gặp vấn đề khó, phương pháp giải quyết và bước đi đúng đắn đóng vai trò then chốt. Khó khăn không phải là thứ gì đó đáng sợ, chỉ cần có chuẩn bị, có kế hoạch, có quyết tâm thì sẽ khắc phục được.

Để hiểu rõ về cổ phiếu, Buffett đã dành ra bốn năm tự học hỏi, nghiên cứu về kinh tế, kiên quyết rèn luyện bản thân trở thành nhà kinh tế hàng đầu. Sau đó lại dùng đến gần 20 năm thực tiễn làm công việc quản lý vốn và hoạt động tài vụ của doanh nghiệp để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này.

Trước năm 42 tuổi, Buffett chỉ coi hoạt động đầu tư của mình là “đầu cơ”, thành công chỉ là ngẫu nhiên, còn thất bại là tất yếu. Mãi đến sau năm 42 tuổi, ông mới định nghĩa lại sự nghiệp đầu tư chứng khoán của mình - ông rút ra kinh nghiệm phải nắm giữ cổ phiếu cố định chất lượng cao trong thời gian dài.

Trên thế giới có rất nhiều doanh nhân thành công muộn giống như Buffett, nguyên nhân có thể là do cơ hội chưa đến, hoặc cũng có thể là do chưa chuẩn bị đầy đủ. Lúc còn trẻ, họ cũng từng đi qua rất nhiều “chặng đường uổng công”. Sau tuổi trung niên, lựa chọn của họ mới bắt đầu thắp lên hy vọng. Họ tin rằng tất cả nỗ lực và thất bại trước đó đều là khúc dạo đầu, tuy dài nhưng là nền móng vững chắc cho thành công sau này.

Không từ bỏ thì mong ước vẫn tồn tại. Có rất nhiều việc bạn coi đó là kiên trì để đạt đến thành công, nhưng khi bạn thay đổi suy nghĩ thì đó lại chẳng qua chỉ là bụi bặm trên đường, làm mờ mắt bạn mà thôi.

Người xưa có câu: “Cây di chuyển thì chết, người di chuyển thì sống”, ý muốn nói ngoài duy trì sự thống nhất thì con người cũng cần phải dịch chuyển, thay đổi đúng lúc. Không ai muốn mình thất bại nhưng khư khư giữ sai lầm thì chẳng phải là đi ngược lại thành công, càng đi càng xa hay sao?

[1] Khí thiên nhiên là hỗn hợp chất khí cháy được, bao gồm phần lớn là các hydrocarbon (hợp chất hóa học chứa cacbon và hydro).