Tiện ích trên VNeID chỉ có thể sử dụng đến hết 29/5 mà người dân cần chú ý!

Admin

26/05/2025 00:13

Người dân đã có thể thực hiện góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trên VNeID.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ đăng tải thông tin cho biết, người dân được thực hiện góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 trên ứng dụng VNeID.

Theo đó, từ ngày 6/5 đến hết ngày 29/5/2025, người dân trên cả nước có thể tham gia đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng VNeID. Đây là lần đầu tiên việc lấy ý kiến nhân dân về một văn bản quan trọng như Hiến pháp được triển khai trên nền tảng số phổ biến, thân thiện và có tính bảo mật cao.

Theo hướng dẫn, người dân chỉ cần đăng nhập vào ứng dụng VNeID, truy cập tiện ích "Lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013", sau đó đọc toàn văn dự thảo, nhập ý kiến góp ý và gửi trực tiếp trên nền tảng. Việc thực hiện quy trình góp ý này chỉ mất vài phút, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và đặc biệt phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Hiến pháp.

Tiện ích trên VNeID chỉ có thể sử dụng đến hết 29/5 mà người dân cần chú ý!- Ảnh 1.

Từ ngày 6/5 đến hết ngày 29/5/2025, người dân trên cả nước có thể tham gia đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng VNeID. (Ảnh minh hoạ)

Các bước thực hiện góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trên VNeID

Bước 1: Người dân thực hiện đăng nhập ứng dụng VNeID.

Bước 2: Người dân thực hiện truy cập vào “Tiện ích lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID”.

Bước 3: Người dân chọn đọc Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013.

Bước 4: Người dân thực hiện nhập nội dung góp ý và gửi thông tin.

Theo Bộ Công an, khi sử dụng ứng dụng VNeID, mọi tầng lớp nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng văn bản pháp luật của Nhà nước; nhanh chóng tiếp cận chủ trương, đường lối, quyết sách lớn của Đảng.

Bộ Công an cho biết, việc tích hợp tiện ích này vào VNeID không chỉ mở rộng cơ hội cho mọi tầng lớp nhân dân được tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, mà còn giúp các cơ quan quản lý rút ngắn thời gian tổng hợp ý kiến, kịp thời nắm bắt dư luận xã hội. Dữ liệu thu thập từ kênh này sẽ hỗ trợ các cấp lãnh đạo trong công tác điều hành, xây dựng chính sách, triển khai các nghị quyết và chủ trương lớn của Đảng.

Ngoài VNeID, người dân vẫn có thể gửi góp ý thông qua Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi văn bản trực tiếp đến các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận và tổng hợp ý kiến.

Trước đó, ngày 6/5/2025, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 3883/VPCP-PL truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long về việc triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Bộ Công an là đơn vị chủ trì thiết lập và quản lý hệ thống tiện ích trên ứng dụng VNeID phục vụ hoạt động này.

Bên cạnh việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp, Bộ Công an cũng đang đề xuất loạt giải pháp tích hợp thủ tục hành chính lên nền tảng VNeID, hướng đến xây dựng chính quyền số hai cấp hiệu quả hơn. Một trong những đề xuất đáng chú ý là triển khai Cổng ký số từ xa tập trung, cho phép người dân ký hợp đồng mở tài khoản ngân hàng, hợp đồng tín dụng, bảo hiểm, thế chấp… mà không cần ký tay trực tiếp. Giải pháp này hứa hẹn tăng cường xác thực giao dịch, góp phần phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng phối hợp Ngân hàng Nhà nước và Bộ Khoa học & Công nghệ triển khai chiến dịch tổng rà soát tài khoản ngân hàng, sim điện thoại nhằm tăng cường quản lý và phòng ngừa các hành vi lừa đảo trực tuyến.