
Ái Tân Giác La Phổ Nghi (1906 - 1967) là vị hoàng đế thứ 12 và cũng là người cuối cùng của nhà Thanh, khép lại chế độ quân chủ trong lịch sử Trung Quốc.
Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, Phổ Nghi đã được Từ Hi Thái hậu chọn làm người kế vị ngai vàng vào năm 1908, ngay trước khi bà qua đời. Tuy nhiên, triều đại của ông chỉ kéo dài vỏn vẹn đến năm 1912 khi chế độ phong kiến chấm dứt.

Phổ Nghi khi về già
Mặc dù đã thoái vị, Phổ Nghi và triều đình vẫn được phép sống trong Tử Cấm Thành cho đến năm 1924 và vẫn duy trì một triều đình riêng với những đặc quyền nhất định. Đến năm 1934, một bước ngoặt khác trong cuộc đời ông diễn ra khi Phổ Nghi trở thành hoàng đế của Mãn Châu Quốc, một chính phủ bù nhìn do Nhật Bản dựng lên ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, sự tồn tại của Mãn Châu Quốc cũng rất ngắn ngủi, kết thúc vào năm 1945.
Sau đó, Phổ Nghi bị bắt giữ và chỉ được ân xá sau 14 năm, vào tháng 12 năm 1959. Sự kiện này khiến Phổ Nghi vô cùng bất ngờ và xúc động, như ông đã chia sẻ trong cuốn hồi ký "Nửa đời trước của tôi": "Tôi chưa kịp nghe xong đã bật khóc".
Bước ra khỏi cảnh không có tự do, cựu hoàng đế Phổ Nghi trở thành một công dân như bao người. Khi Phổ Nghi trở về Bắc Kinh với mong muốn hòa nhập vào cuộc sống bình thường, ông bày tỏ nguyện vọng được làm việc để tự trang trải cuộc sống. Lãnh đạo chính phủ Trung Quốc bấy giờ đã cân nhắc hoàn cảnh đặc biệt của ông và hỏi về mong muốn cá nhân. Phổ Nghi đã đề xuất hai công việc:
Thứ nhất, ông muốn trở thành bác sĩ. Lý do là vì từ nhỏ sức khỏe yếu ớt, ông đã tự tìm hiểu và có một số kiến thức y khoa. Hơn nữa, ông từng đọc nhiều sách y học và có kinh nghiệm khám bệnh cho người khác. Tuy nhiên, lãnh đạo nhận thấy nghề y đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và trách nhiệm lớn, điều mà Phổ Nghi chưa đáp ứng được, nên đề xuất này đã bị từ chối.
Thứ hai, Phổ Nghi mong muốn được làm việc trong Tử Cấm Thành. Nơi đây đã gắn bó với ông từ thuở ấu thơ, chứa đựng nhiều kỷ niệm sâu sắc và ông cũng có sự hiểu biết nhất định về nó. Mặc dù vậy, đề xuất này cũng không được chấp thuận do thân phận đặc biệt của ông. Việc vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh làm việc trong Tử Cấm Thành chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý và tò mò thái quá của dư luận.
Cuối cùng, chính phủ đã sắp xếp cho Phổ Nghi một công việc phù hợp hơn tại vườn bách thảo ở Bắc Kinh. Ông được giao làm một công việc nhẹ nhàng và đơn giản. Từ đó, vị hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc đã sống một cuộc đời bình dị, trải nghiệm sự tự do mà trước đây ông chưa từng có.

Phổ Nghi làm việc tại vườn bách thảo
Năm 1962, Phổ Nghi kết hôn với một y tá tên là Lý Thục Hiền. Hai người gắn bó cho đến khi ông qua đời vào năm 1967 tại Bắc Kinh do bệnh tật. Những năm cuối đời, ông đã hoàn thành cuốn hồi ký "Nửa đời trước của tôi", ghi lại những thăng trầm trong cuộc đời đầy biến động của mình.
Nguồn: Sohu
Hoặc