Giới chơi chim cảnh ở Huế nói gì khi mang “pet” đi uống cà phê phải chứng minh nguồn gốc?

Admin

17/05/2025 00:13

Phản hồi của giới chơi chim cảnh ở Huế về quy định mang chim đi uống cà phê phải chứng minh hồ sơ nguồn gốc.

Như Người Đưa Tin đã đăng tải trước đó, Hạt Kiểm lâm liên quận Thuận Hóa – Phú Xuân (Tp.Huế) vừa phối hợp với chính quyền các địa phương, các cơ quan ban ngành kiểm tra tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về động vật hoang dã, các loài chim trời.

VIDEO: Phản hồi của giới chơi chim cảnh ở Huế về quy định mang chim đi uống cà phê phải chứng minh nguồn gốc

Trong đó, đáng chú ý là việc lực lượng kiểm lâm đề nghị các chủ quán khi khách đến uống cà phê mang theo chim cảnh yêu cầu phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Huế: Mang theo chim cảnh đi uống cà phê phải có "giấy khai sinh"

Ở Huế, phong trào chơi chim cảnh, đặc biệt là chim chào mào từ lâu đã trở thành một sở thích quen thuộc với nhiều người dân. Trong đó, cà phê chim cảnh đã trở thành một nét sinh hoạt văn hoá vào mỗi sáng sớm.

Bởi vậy, việc yêu cầu mỗi lần mang loại "pet" (thú cưng-PV) này đến uống cà phê phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đã khiến không ít người dân và chủ quán cà phê chim cảm thấy thắc mắc. Nhiều người cho rằng việc yêu cầu chứng minh nguồn gốc với những loài chim thông thường như chào mào, sáo, khướu là rất khó và không cần thiết.

Giới chơi chim cảnh ở Huế nói gì khi mang “pet” đi uống cà phê phải chứng minh nguồn gốc?- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tuyên truyền chủ quán cà phê các văn bản quy phạm pháp luật về động vật hoang dã, các loài chim trời.

Ông Dương Thắng, một người chơi chim chào mào ở thị xã Hương Thuỷ, Tp.Huế chia sẻ, về giấy tờ, thủ tục để xác định nguồn gốc của chim là rất khó. Hiện bản thân ông đang nuôi chào mào sinh sản nhưng trước đây, do không có quy định về giấy tờ nguồn gốc nên giờ không biết phải chứng minh và làm giấy tờ thủ tục chim như thế nào.

Ông Ngô Đại, vừa là một người chơi chim chào mào, vừa là chủ quán của quán cà phê chim Đại Ngô, Tp.Huế cho hay, có những con chim đã nuôi từ lâu, 5-7 năm, giờ để truy vết nguồn gốc của nó rất là phức tạp nên rất mong cơ quan chức năng thẩm quyền xem xét, cân nhắc hợp lý trong quy định này.

Trong khi đó, ông Phạm Nam Phương, trú ở quận Thuận Hoá, Tp.Huế cho rằng, để quy định sát với thực tế hơn, cần sự linh hoạt trong thực hiện và đặc biệt là đồng hành cùng người dân trong việc phân loại, hướng dẫn và nâng cao nhận thức.

Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm Tp.Huế, quy định mới được ban hành nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, đồng thời siết chặt kiểm soát các hành vi săn bắt, buôn bán và vận chuyển chim trời trái phép. Việc áp dụng quy định xuất phát từ thực tế thời gian qua, nhiều vụ vi phạm đã bị phát hiện. Gần đây nhất, vào đầu năm 2025, Hạt Kiểm lâm quận Thuận Hóa - Phú Xuân đã phát hiện và thu giữ hơn 900 cá thể chim chào mào bị vận chuyển trái phép qua bến xe liên tỉnh, toàn bộ số chim này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Trước những phản hồi liên quan đến việc chứng minh nguồn gốc chim nuôi, ông Ngô Hữu Phước, Trưởng phòng Pháp chế- xử lý vi phạm, Chi cục kiểm lâm Tp.Huế cho biết, hiện Chi cục đang tiếp tục rà soát và có những ban hành hướng dẫn cụ thể hơn, giúp người dân phân biệt rõ giữa chim cảnh được phép nuôi và các loài thuộc diện cấm hoặc cần kiểm soát chặt chẽ.

Lê Kông