Nghệ An: 1 người tử vong, hàng trăm ngôi nhà bị ảnh hưởng do dông lốc

Admin

21/07/2025 12:02

Mặc dù bão số 3 chưa đổ bộ vào nhưng Nghệ An đã có thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trước diễn biến bão phức tạp, khó lường, Nghệ An đã kích hoạt phương án phòng chống sẵn sàng ứng phó với cơn bão này.

1 người tử vong, 4 người bị thương do dông lốc

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, vào khoảng 19h30 ngày 20/7, mưa lớn kèm theo dông lốc đã khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng. Cụ thể, có 1 người đàn ông trú ở phường Vinh Lộc thiệt mạng và  4 người bị thương, chủ yếu do cây đổ.

Nghệ An đã có thiệt hại, kích hoạt phương án phòng chống, ứng phó bão số 3 - Ảnh 1.

Tối 19/7, địa bàn Nghệ An xuất hiện mưa lớn kèm theo gió lốc làm cây gãy đổ trên Quốc lộ 7

Toàn tỉnh có tổng cộng 357 ngôi nhà bị ảnh hưởng với các mức độ khác nhau. Trong đó, 17 nhà bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%), 12 nhà bị thiệt hại rất nặng (50-70%), 71 nhà hư hỏng nặng (30-50%) và 257 nhà bị hư hỏng một phần dưới 30%. Có 2 phòng học bị tốc mái, 2 phòng công vụ bị vỡ cửa kính và khoảng 80m tường rào của các trường học bị đổ sập.

Toàn tỉnh có 22 chuồng trại và trang thiết bị hư hỏng, khoảng 180m2 mái trại bị cuốn bay. Lĩnh vực thủy sản ghi nhận khoảng 0,4ha ao hồ nuôi cá truyền thống bị ảnh hưởng.

Dông lốc làm gãy 77 cột điện (trong đó có 37 cột trung và cao thế, 26 cột hạ thế, 14 cột chiếu sáng công cộng) và gây đứt 2.450m dây điện. Hệ thống điện tại một số khu vực bị gián đoạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Kích hoạt phương án phòng chống bão số 3

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, các phường, xã ở Nghệ An huy động tối đa lực lượng, kiểm tra và xử lý các điểm ngập úng, nạo vét hệ thống thoát nước, gia cố công trình trọng điểm. Việc ứng phó thiên tai đang được các địa phương triển khai theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Dự báo trong những ngày tới, bão số 3 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Trung Bộ, gây ra mưa to đến rất to kèm theo nguy cơ ngập lụt, lở đất ở vùng núi, sạt lở bờ sông và ngập úng tại khu vực đô thị. Các địa phương cũng đã nhanh chóng kích hoạt toàn bộ hệ thống ứng phó với bão, với tinh thần "không chủ quan, không bị động".

Nghệ An đã có thiệt hại, kích hoạt phương án phòng chống, ứng phó bão số 3 - Ảnh 2.

Rất nhiều tàu cá của ngư dân Nghệ An đã kịp thời cập cảng để tránh, trú trước thông tin về sức ảnh hưởng của bão WIPHA. Ảnh T.P.

Trong ngày 20/7 và sáng nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của phường đã huy động lực lượng dân quân tự vệ, quy tắc đô thị, phối hợp với các tổ dân phố ra quân tổng dọn vệ sinh, nạo vét hố ga, khơi thông dòng chảy, tháo dỡ các vật cản tại cầu Nại (đường Hồ Tùng Mậu) và các tuyến phố thường xuyên ngập khi mưa lớn.

Đặc biệt, lãnh đạo các phường đã trực tiếp kiểm tra hệ thống tiêu úng tại bara Bến Thủy và các khu vực ven sông Vinh – những điểm xung yếu từng ghi nhận ngập sâu trong mùa mưa bão các năm trước. Bên cạnh đó, các chợ dân sinh, khu buôn bán cũng được yêu cầu triển khai các biện pháp chằng chống, che chắn hàng hóa, bảo đảm an toàn cho người dân trong thời gian bão đổ bộ.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (bão Wipha), UBND tỉnh Nghệ An vừa phát đi Công điện khẩn số 22/CĐ-UBND yêu cầu cấm tất cả các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi từ 5h sáng ngày 21/7. Tuyệt đối cấm tất cả các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi từ 05 giờ sáng ngày 21/7/2025. Tất cả tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải khẩn trương vào bờ, neo đậu an toàn trước 10h cùng ngày.

Đây là biện pháp cấp thiết nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trong bối cảnh gió mạnh, sóng lớn và mưa to có khả năng xảy ra trên diện rộng.

Nghệ An đã có thiệt hại, kích hoạt phương án phòng chống, ứng phó bão số 3 - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng phường Trường Vinh kiểm tra khu vực Cầu Nại. Ảnh Quang An.

Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã: Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ do hoàn lưu bão; Tổ chức cập nhật đầy đủ, thông tin kịp thời về tình hình thiên tai đến người dân để Nhân dân chủ động ứng phó bảo đảm an toàn; tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp, kỹ năng ứng phó, nhất là gió mạnh, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.

Tổ chức rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.

Có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch trên các đảo và khu vực ven biển. Sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, hệ thống lưới điện, viễn thông.

Kiểm tra, rà soát sẵn sàng phương án hộ đê chống lũ trên địa bàn theo phương châm "4 tại chỗ". Sẵn sàng bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, đã sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Kiểm tra, rà soát các công trình xung yếu, các công trình đang thi công dở dang, các hồ chứa nhỏ đã đầy nước; tổ chức thường trực, sẵn sàng điều tiết đảm bảo an toàn công trình, hạ du khi xảy ra mưa lũ.

Sẵn sàng phương án đảm bảo tiêu nước, chống úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp; khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư. Tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi tình hình thiên tai và tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó bão và hoàn lưu bão.

Theo dự báo, từ tối và đêm 21/7, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An sẽ có gió mạnh dần lên cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Sâu trong đất liền cũng ghi nhận gió cấp 6-7, giật cấp 8-9. Gió mạnh có thể gây đổ cây, cột điện, tốc mái nhà và thiệt hại nghiêm trọng.

Về mưa lớn, từ ngày 21 đến 23/7, các khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An sẽ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 200-350mm, có nơi trên 600mm. Các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh mưa từ 100-200mm, có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt tại vùng trũng thấp. Mưa có thể đạt cường suất lớn trên 150mm chỉ trong 3 giờ.

Hà Hằng - Hà Đan