Hội chứng "RỐI LOẠN TIỀN BẠC": Điều ám ảnh giới trẻ hơn cả "rối loạn tiền đình"

Admin

21/07/2025 20:01

Danielle Desir Corbett, chuyên gia tài chính cá nhân và người dẫn chương trình podcast "The Thought Card" ở Mỹ, cho biết chứng rối loạn tiền bạc là khi bạn có cái nhìn sai lệch hoặc méo mó về tài chính.

Chứng rối loạn tiền bạc (money dysmorphia) xảy ra khi một người có cái nhìn sai lệch về tình hình tài chính của mình. Hậu quả, họ thường cảm giác bất an hoặc thiếu thốn về tiền bạc ngay cả khi cuộc sống của họ vẫn bình ổn. Rối loạn tiền bạc cũng có thể khiến một người tiết kiệm quá mức hoặc tiêu vô tội vạ. 

Hội chứng "RỐI LOẠN TIỀN BẠC": Điều ám ảnh giới trẻ hơn cả "rối loạn tiền đình"- Ảnh 1.

Danielle Desir Corbett, chuyên gia tài chính cá nhân và người dẫn chương trình podcast "The Thought Card" ở Mỹ, cho biết chứng rối loạn tiền bạc là khi bạn có cái nhìn sai lệch hoặc méo mó về tài chính.

Theo Corbett chứng rối loạn tiền bạc có thể do nhiều lý do như khủng hoảng do tiền bạc trong quá khứ, áp lực xã hội hoặc có thể bắt nguồn sâu xa từ quá trình nuôi dạy thời thơ ấu.

Dasha Kennedy, thành viên hội đồng chăm sóc sức khỏe tài chính tại National Debt Relief, cho biết rối loạn tiền bạc là thuật ngữ mới nhưng cảm giác thì không. "Nhiều người thấy bất an về tài chính trong một thời gian dài mà không biết gọi tên nó là gì. Bây giờ, bằng cách đặt tên thì việc hiểu và giải quyết những cảm xúc này sẽ dễ dàng hơn'', Kennedy nói.

Dấu hiệu của chứng rối loạn tiền bạc

Theo Smriti Joshi, nhà tâm lý học trưởng tại ứng dụng chăm sóc sức khỏe tâm thần Wysa, một người có thể đang gặp chứng rối loạn tiền bạc nếu có dấu hiệu dưới đây:

Luôn lo lắng về việc không có đủ tiền, ngay cả khi tài chính ổn định Ám ảnh về những khoản chi tiêu nhỏ nhặt hoặc cảm thấy tê liệt mỗi khi đưa ra quyết định tài chính Né tránh mọi hình thức chi tiêu ngay cả đối với những khoản mua sắm thiết yếu hoặc hợp lý So sánh tình hình tài chính với người khác, dẫn đến cảm giác thiếu thốn Tránh nói chuyện về tiền bạc vì lo lắng Cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ sau khi chi tiêu (kể cả những thứ thiết yếu) Cảm thấy buộc phải kiếm nhiều tiền hơn, ngay cả khi đã đạt được sự độc lập về tài chính Mua những món đồ đắt tiền và vượt qua khả năng chi trả để cảm thấy đủ đầy và hạnh phúc

Tuy nhiên, nhà tâm lý học lưu ý rằng mỗi trường hợp là khác nhau, và chứng rối loạn tiền bạc có thể xuất hiện theo những cách bất thường, khó đoán. Vì vậy, danh sách dấu hiệu trên không có nghĩa là đầy đủ.

Hội chứng "RỐI LOẠN TIỀN BẠC": Điều ám ảnh giới trẻ hơn cả "rối loạn tiền đình"- Ảnh 2.

Người trẻ chịu ảnh hưởng nhiều hơn

Rối loạn tiền bạc có thể phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau và mỗi trường hợp đều khác biệt. Tuy nhiên, nhìn chung các vấn đề về bất ổn kinh tế, văn hóa so sánh, hối hả gia tăng, chấn thương trong quá khứ và các khuynh hướng cá nhân đều có thể góp phần phát triển chứng rối loạn tiền bạc.

Lindsay Bryan-Podvin, nhà trị liệu tài chính của Cash App, cho rằng chủ nghĩa hoàn hảo, trầm cảm, lo âu, lòng tự trọng thấp có thể dẫn đến rối loạn tiền bạc. Bà cũng chỉ ra rằng hiện nay mọi người biết nhiều hơn về cuộc sống của người khác qua mạng xã hội, với những hình ảnh bữa tối đắt tiền trên Instagram, kỳ nghỉ xa hoa trên TikTok và xe xa xỉ trên Facebook, làm cho chúng ta cảm thấy "tụt hậu" khi so sánh.

Các thế hệ trẻ có khả năng mắc chứng rối loạn tiền bạc cao hơn so với các thế hệ trước. Một nghiên cứu năm 2024 của Credit Karma cho thấy 43% Gen Z (sinh năm 1997-2012) và 41% Millennials (sinh năm 1981-1996) mắc chứng rối loạn tiền bạc.

Theo Tiến sĩ Jenny Woo, Tổng giám đốc điều hành của Mind Brain Emotion, vấn đề này do giới trẻ dành nhiều thời gian trên mạng xã hội. Một khảo sát năm 2023 của Edelman Financial Engines cho thấy những người dành hơn 3 giờ/ngày trên mạng xã hội có khả năng đưa ra quyết định tài chính phi lý hơn.

Nhà tâm lý học Joshi nói thêm rằng Gen Z và thế hệ Millennials cũng phải đối mặt với những áp lực tài chính riêng biệt như các khoản vay sinh viên, thị trường việc làm không ổn định, chi phí sinh hoạt cao và áp lực xã hội phải chi tiêu nhiều hơn để hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa.

Hội chứng "RỐI LOẠN TIỀN BẠC": Điều ám ảnh giới trẻ hơn cả "rối loạn tiền đình"- Ảnh 3.

Cuộc sống lung linh trên mạng xã hội là nguyên nhân đáng kể gây hội chứng rối loạn tiền bạc ở giới trẻ Việt

Theo thống kê, thời lượng sử dụng mạng xã hội trung bình mỗi ngày của giới trẻ Việt Nam là 7 giờ. Đây là con số đáng báo động, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh so sánh với khu vực và thế giới. Việc tiếp xúc thường xuyên với mạng xã hội, nếu không được kiểm soát tốt, có thể làm gia tăng nguy cơ rối loạn tiền bạc. 

Những cuộc sống lung linh trên màn hình đang âm thầm ảnh hưởng đến hành vi chi tiêu và lối sống của chúng ta theo những cách bạn không ngờ tới. Hãy cùng nhìn vào thực tế: Mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh, video về cuộc sống sang chảnh, du lịch khắp nơi, mua sắm hàng hiệu không tiếc tay. “Thế giới lý tưởng hóa” này khiến nhiều bạn trẻ khao khát và nỗ lực sao chép, bất chấp khả năng tài chính thực tế của mình. Áp lực “bắt trend”, “sống ảo” trở nên quá lớn, khiến việc chi tiêu vượt quá khả năng trở nên thường xuyên hơn.

Đặc biệt, gần đây, mạng xã hội Threads đã trở thành một nơi để nhiều bạn flex về độ giàu có của bản thân với số lương khủng ngay khi còn ở độ tuổi 22. Nhưng khi tìm hiểu kỹ, thì những thông tin đó 90% là bịa đặt. Thế nhưng, có rất nhiều bạn trẻ khi nhìn vào những con số lương của mọi người thì lại thấy tự ti cũng như thất vọng và chán nản về bản thân. 

Chưa kể đến việc các công ty, nhãn hàng liên tục “bắn phá” quảng cáo, khuyến mãi trên mạng xã hội, kích thích ham muốn mua sắm. Các influencer cũng góp phần không nhỏ khi liên tục review sản phẩm, chia sẻ mã giảm giá, khiến người xem khó lòng cưỡng lại sức hút của việc mua sắm.

Hội chứng "RỐI LOẠN TIỀN BẠC": Điều ám ảnh giới trẻ hơn cả "rối loạn tiền đình"- Ảnh 4.

Kết quả là nhiều bạn trẻ rơi vào vòng xoáy mua sắm mất kiểm soát, lạm dụng thẻ tín dụng, vay nợ để thỏa mãn nhu cầu “sống ảo”. Hệ quả là gánh nặng tài chính đè lên vai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai. Theo Metric, người Việt chi trung bình 1 tỷ USD/tháng trên các sàn TMĐT. Rõ ràng, mạng xã hội đang len lỏi và định hình hành vi tiêu dùng của chúng ta một cách mạnh mẽ. 

Tuy nhiên, không phải mọi thứ trên mạng xã hội đều tiêu cực. Nếu biết cách sử dụng thông minh, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng mạng xã hội để học hỏi kiến thức tài chính, đặt mục tiêu chi tiêu hợp lý.

Cách đối phó với chứng rối loạn tiền bạc

Bạn cần có cái nhìn trung thực về tài chính, đặt mục tiêu rõ ràng, lập kế hoạch và quan trọng nhất là luôn để mắt tới tài chính:

Xem tiền là công cụ

Trước tiên, chúng ta cần xem tiền như một công cụ chứ không phải là thước đo giá trị bản thân hay một khía cạnh cố định trong tính cách. Tiến sĩ Woo cho hay thay đổi tư duy khan hiếm tiền bạc là cần thiết để giảm bớt gánh nặng từ những lo lắng, ám ảnh về tài chính. Như vậy, mọi người có thể thoát khỏi những kỳ vọng và so sánh không thực tế góp phần gây ra chứng rối loạn tiền bạc.

Xác định nguồn cơn lo lắng

Cảm giác lo lắng về tiền bạc là điều thường gặp. Tuy nhiên, cách mỗi người phản ứng với những suy nghĩ này có thể thay đổi cách chúng tác động đến họ. Nhà tâm lý học Joshi cho hay: "Nhận thức được những suy nghĩ lo lắng về tiền bạc mà không phản ứng ngay lập tức với chúng có thể giúp bạn kiểm soát được tình hình trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Bên cạnh đó, thực hành chánh niệm có thể giúp bạn chuyển sang một góc nhìn lành mạnh hơn".

Hội chứng "RỐI LOẠN TIỀN BẠC": Điều ám ảnh giới trẻ hơn cả "rối loạn tiền đình"- Ảnh 5.

Thay đổi góc nhìn

Mọi người đừng ngần ngại đặt câu hỏi về những niềm tin tiêu cực về tiền bạc. Nếu chúng ta nghĩ "Tôi sẽ không bao giờ hiểu được tiền bạc, nên tại sao phải bận tâm?", hãy dành một chút thời gian để khám phá xem quan điểm đó đến từ đâu và liệu nó có thực sự đúng không, Bryan-Podvin nói.

Ví dụ, chỉ vì thanh toán hóa đơn thẻ tín dụng trễ không có nghĩa là chúng ta sẽ luôn phải vật lộn với tiền bạc. Khi kiểm soát được góc nhìn và câu chuyện tài chính của bản thân, mọi người sẽ cảm thấy có đủ sức mạnh để định hình tương lai tài chính của mình.

Cẩn thận với mạng xã hội

Nhà tâm lý học Joshi cho hay mọi người cần nhớ rằng mạng xã hội thường chỉ phô bày những khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc sống. Mọi người hiếm khi đăng về các hóa đơn mình phải trả hoặc các khoản nợ của họ.

Thay vào đó, họ chia sẻ những gì khiến bản thân hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta không nhất thiết phải so sánh bản thân với những gì hào nhoáng trên mạng xã hội.

Đánh giá thực trạng tài chính cá nhân

Bryan-Podvin gợi ý lên lịch thường xuyên để xem xét tình hình tài chính của bản thân, dù là hàng tuần hay hàng tháng. Đối mặt với thực tế tài chính cá nhân là điều quan trọng để giải quyết chứng rối loạn tiền bạc. Để có thêm hỗ trợ về mặt tinh thần, chúng ta có thể làm điều này với một ai đó như bạn cùng phòng, người yêu hoặc nhà trị liệu.

Nhà tâm lý học Joshi khuyến khích chúng ta nên lập ngân sách hoặc kế hoạch tiết kiệm để có cái nhìn rõ ràng về tình hình tiền bạc của bản thân. Điều này có thể giúp giảm bớt lo lắng đáng kể. Bà giải thích rằng biết tiền của mình được chi vào đâu cho phép chúng ta đưa ra quyết định thực tế hơn.

Học cách biết ơn

Một cách khác để khắc phục chứng rối loạn tiền bạc là thực hành lòng biết ơn đối với những gì bản thân đang có. Dù nghe có vẻ sáo rỗng, nghiên cứu cho thấy lòng biết ơn có thể cải thiện đáng kể sức khỏe tinh thần của mỗi người.

Tiến sĩ Woo khuyên rằng: "Thay vì tập trung vào những thách thức tài chính, hãy trân trọng những thành tựu tài chính của bạn, dù nhỏ đến đâu".

Vấn đề tiền bạc không xác định giá trị bản thân của chúng ta. Thực tế, ai cùng phải đối mặt với khó khăn tài chính và lo lắng kéo theo. Bình thường hóa các cuộc trò chuyện về tiền bạc là rất quan trọng. Nếu vẫn cảm thấy lo lắng, mọi người hãy cân nhắc tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia trị liệu hoặc cố vấn tài chính.