Ngành ngân hàng phát động phong trào 'Bình dân học vụ số'

Admin

27/05/2025 12:30

Hưởng ứng Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Chính phủ, NHNN phát động phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số" và "Bình dân học vụ số".

Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: NHNN.

Sáng 27/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị phát động hai phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” ngành ngân hàng, gắn với triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

Tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh việc quán triệt nghiêm túc tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và nhất quán theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng.

Trước đó, NHNN đã ban hành Quyết định 1364 về Kế hoạch triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03 của Chính phủ. Đồng thời, Ban Thường vụ Đảng ủy và Ban lãnh đạo NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc chuyên trách, xây dựng các nhóm nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo nhất quán với kế hoạch phát triển của ngành và định hướng chung của Chính phủ.

Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm gồm nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy; hoàn thiện thể chế; tăng cường hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế.

Các nhiệm vụ này đã được phân công rõ ràng đến từng đơn vị trong toàn ngành để tổ chức triển khai.

Để các phong trào lan tỏa sâu rộng và mang lại kết quả thực chất, NHNN sẽ tập trung đẩy mạnh truyền thông, khuyến khích đề xuất sáng kiến có tính thực tiễn, nhân rộng các mô hình hiệu quả; đồng thời cập nhật, hoàn thiện khung pháp lý liên quan và nâng cấp hạ tầng số.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết đến nay, ngành ngân hàng đã đạt được rất nhiều thành tựu nổi bật trong chuyển đổi số với 7 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ và đã nhiều lần được biểu dương về tính tiên phong, chủ động trong công cuộc chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như 100% dịch vụ công toàn trình được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 99% hồ sơ công việc của NHNN và 87% hồ sơ của các tổ chức tín dụng được xử lý trên môi trường số; 66% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số...

Đến nay nhiều nghiệp vụ cơ bản của ngành ngân hàng đã được số hóa hoàn toàn như gửi tiết kiệm, mở tài khoản, chuyển tiền, cho vay, ví điện tử… Nhiều tổ chức tín dụng có tỷ lệ giao dịch qua kênh số vượt 90%. Hơn 87% người trưởng thành Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng; thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Thống kê cho thấy trong giai đoạn 2024-2025, các ngân hàng đã tích cực triển khai hàng trăm sáng kiến đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Một số đơn vị tiêu biểu gồm BIDV (299 sáng kiến số), TPBank (135), Agribank (120), VIB (101), VietinBank (100), Shinhan Bank Việt Nam (69), Vietcombank (98).

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số cũng được đẩy mạnh. Từ năm 2022 đến giữa tháng 5/2025, hàng chục nghìn lượt cán bộ đã tham gia học tập về công nghệ, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo. Tiêu biểu như VietinBank (90.825 lượt học), MB Bank (55.402), Techcombank (50.942), Agribank (47.148), BIDV (38.985), VIB (35.627).

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.