![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về cơ chế, chính sách quản lý hiệu quả thị trường vàng. Ảnh: TTXVN. |
Tại buổi làm việc, Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang khẳng định quan điểm quản lý thị trường vàng theo nguyên tắc của thị trường, có sự quản lý phù hợp của Nhà nước; xóa bỏ tư duy không quản được thì cấm; tôn trọng quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh; bảo đảm sự minh bạch trên thị trường.
Về cơ chế, chính sách cụ thể, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đề xuất 2 nhóm giải pháp, gồm các giải pháp cần ưu tiên thực hiện ngay và các giải pháp cần nghiên cứu để áp dụng hoặc thí điểm áp dụng.
Chuyển từ “siết để kiểm soát” sang “mở để quản trị”
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh cơ chế, chính sách quản lý thị trường vàng ở Việt Nam trong những năm qua đã có những điều chỉnh, hoàn thiện tích cực. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận các cơ chế, chính sách quản lý, điều tiết thị trường vàng chậm được đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường và đòi hỏi của thực tiễn.
Tổng Bí thư cho rằng thị trường vàng được quản lý kém linh hoạt, không phù hợp với diễn biến cung cầu chung trên thị trường thế giới, gây hệ lụy cho nền kinh tế, nhất là tình trạng buôn lậu vàng, chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài. Còn tồn tại tình trạng độc quyền trên thị trường, không kích thích cạnh tranh và thúc đẩy hoạt động kinh doanh vàng lành mạnh.
Thêm vào đó, cơ chế, chính sách quản lý chưa tạo được động lực để huy động các nguồn lực nhàn rỗi trong dân cho phát triển kinh tế - xã hội, người dân đầu tư nhiều vào vàng. Phương thức quản lý chủ yếu vẫn theo cách truyền thống, chậm được đổi mới, thiếu những hình thức kinh doanh hiện đại, bắt kịp xu hướng của thế giới.
Về quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới, Tổng Bí thư yêu cầu chuyển mạnh từ tư duy hành chính sang tư duy thị trường có kỷ cương, từ “siết để kiểm soát” sang “mở để quản trị”.
Trong đó, nhất định phải quán triệt, xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đồng thời phải đưa thị trường vàng vận động phù hợp với các nguyên tắc của thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; tránh can thiệp cứng nhắc, bó hẹp sự vận động và phát huy ưu điểm của thị trường, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, cần bảo đảm sự minh bạch trên thị trường; xác định việc lưu trữ vàng của người dân như một hình thức tiết kiệm và đầu tư, là nhu cầu chính đáng, cần tôn trọng và tiếp cận xây dựng cơ chế, chính sách quản lý một cách phù hợp trên cơ sở quan điểm này.
Nghiên cứu thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia
Về các nhiệm vụ, giải pháp, Tổng Bí thư yêu cầu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng thị trường hóa có lộ trình và có kiểm soát chặt chẽ; tạo sự kết nối hiệu quả hơn giữa thị trường vàng trong nước và thị trường quốc tế.
Xóa bỏ thế độc quyền Nhà nước về thương hiệu vàng miếng một cách có kiểm soát trên nguyên tắc Nhà nước vẫn quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng, nhưng có thể cấp phép cho nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia sản xuất vàng miếng nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, từ đó giúp đa dạng hóa nguồn cung và ổn định giá cả.
Tổng Bí thư đề nghị mở rộng quyền nhập khẩu có kiểm soát để tăng cung vàng, góp phần giảm chệnh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, đồng thời hạn chế tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới.
Song song, khuyến khích phát triển thị trường vàng trang sức trong nước để từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế tác, xuất khẩu vàng trang sức chất lượng cao, chuyển hóa vàng tích trữ thành sản phẩm có giá trị gia tăng.
Phát triển các kênh đầu tư thay thế hấp dẫn để huy động vàng từ trong dân cư vào nền kinh tế. Nâng cao hiệu quả quản lý và phối hợp liên ngành, nhất là trong phòng, chống buôn lậu vàng.
Phát huy vai trò của Hiệp hội kinh doanh vàng, làm cầu nối giữa doanh nghiệp vàng với cơ quan quản lý, kịp thời phản ánh khó khăn, kiến nghị và phối hợp thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường khi cần.
Tổng Bí thư nhấn mạnh duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và niềm tin vào đồng tiền Việt Nam, coi đây là giải pháp căn bản, lâu dài để chuyển hóa nguồn lực từ vàng vào phát triển kinh tế.
Sớm xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường vàng nhằm tăng tính công khai, minh bạch, để thu thuế, quản lý, đánh giá tác động đối với thị trường vàng ngoại hối, tỷ giá, các kênh đầu tư khác nhau.
Với giải pháp cần sớm áp dụng, Tổng Bí thư gợi mở việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất việc triển khai thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia; hoặc cho phép đưa vàng vào giao dịch trên Sở giao dịch hàng hóa; lập Sàn giao dịch vàng trong Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, áp dụng thuế đối với giao dịch mua bán vàng để nâng cao tính minh bạch thị trường, khả năng theo dõi thị trường của cơ quan quản lý và hạn chế mua bán vàng vì mục đích đầu cơ; nghiên cứu xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với vàng trang sức mỹ nghệ để khuyến khích phát triển sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức của Việt Nam.
Tổng Bí thư giao cho Đảng ủy Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương và các cơ quan liên quan báo cáo và có đề xuất cụ thể.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Hoặc