"Mẹ ơi, con ăn một quả nho nhé?": Người mẹ trả lời, tự cho mình thông minh, không ngờ ảnh hưởng cả đời con

Admin

21/05/2025 12:13

Người mẹ nghĩ mình thông minh, nhưng không ngờ rằng, lời nói làm lệch hướng cả nhận thức của đứa trẻ.

"Mẹ ơi, con ăn một quả được không? Chỉ một quả thôi mà". Tại quầy trái cây trong siêu thị, một bé trai chừng 3–4 tuổi chăm chăm nhìn vào những quả nho tròn trĩnh. Ánh mắt em tràn đầy háo hức và mong chờ.

Người mẹ cúi xuống xem giá, rõ ràng là sững lại một chút. Đây là loại nho nhập khẩu đắt tiền, một chùm cả triệu đồng, cũng không thể tách ra 1 quả để mua cho con.

Chị quay sang con, mỉm cười và nói: "Cái này không ăn được đâu, là ớt xanh đấy, ăn vào bỏng miệng đấy con ạ, trẻ con không ăn được". Cậu bé nhìn trái cây rồi lại nhìn mẹ, ánh mắt đang lấp lánh dần tắt đi: "Ồ, không ăn được à".

Người mẹ thở phào. Một câu nói là giải quyết xong, khỏi giải thích dài dòng. Thật tiết kiệm công sức! Chị nghĩ mình thông minh, nhưng không ngờ rằng, lời nói dối "thiện ý" ấy, chẳng phải đang dạy con, mà là đang làm lệch hướng cả nhận thức của đứa trẻ.

"Mẹ ơi, con ăn một quả nho nhé?": Người mẹ trả lời, tự cho mình thông minh, không ngờ ảnh hưởng cả đời con- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

1. Cái gọi là "thông minh không nói thật" thật ra là đang làm cha mẹ một cách dễ dãi

Sau khi làm mẹ, có lẽ chúng ta từng nói những lời như thế này: Con đòi ăn kẹo, ta bảo: "Ăn vào là sâu răng rụng hết". Con không chịu ngủ, ta dọa: "Không ngủ là bị ông kẹ đến bắt đấy". Con đòi chơi nước, ta nói: "Chơi là bị mẩn ngứa, nổi bọng nước, đau không chịu nổi". Con mè nheo đòi đồ chơi, ta gằn giọng: "Cảnh sát bắt hết những đứa trẻ không nghe lời, đòi hỏi lung tung".

Chúng ta không thực sự muốn lừa con. Nhưng ta sợ con mè nheo, sợ con khóc, sợ bị làm ầm giữa nơi đông người. Nói thẳng "không" thì sợ con tổn thương, thế là phản xạ "hù một cái", vừa được yên thân, vừa đỡ phiền.

Lúc ấy, ta thậm chí còn thấy mình "cao tay": Dạy con đâu có khó, vài câu là xong, vừa nhanh vừa gọn, chẳng nước mắt, chẳng cãi vã.

Nhưng bạn có biết không? Khi ta liên tục dùng lời nói dối để ngăn cản sự tò mò và nhu cầu của con, ta không đang dạy con đâu, mà đang đưa con bước vào một thế giới nhận thức hỗn loạn và méo mó.

2. "Chỉ nói dối một chút", con không khóc nữa, liệu có thực sự vô hại?

Đứa trẻ nhỏ nhất, tin ai nhiều nhất? Là cô giáo? Không. Là bạn bè? Cũng không. Là ba mẹ. Bộ não của trẻ giống như tờ giấy trắng, mọi hiểu biết về thế giới đều nhờ người lớn "vẽ" từng nét một.

Bạn bảo: Đây là quả táo, bé sẽ ghi nhớ hình dáng táo là như vậy. Bạn dặn: Không được ăn nhiều kẹo, bé sẽ học cách tiết chế. Nhưng nếu bạn nói: "Đây là ớt, ăn bỏng miệng", bé cũng tin. Rồi một ngày, bé được ăn thử trái nho ở nhà người khác, thấy chẳng cay chút nào. Trong lòng bỗng lóe lên một nghi hoặc đầu tiên: "Thì ra mẹ nói không phải lúc nào cũng đúng".

Bạn nghĩ bé chỉ thấy buồn cười sao? Không. Trong lòng bé đang lung lay một điều quan trọng hơn: "Vậy sau này, lời mẹ nói... có đáng tin không?"

Có nghiên cứu chỉ ra rằng: Những đứa trẻ thường xuyên bị người lớn nói dối sẽ có xu hướng nghi ngờ, nhạy cảm, khó bộc lộ cảm xúc thật. Vì chúng dần học được rằng: có những điều không nên hỏi, có những lời không thể tin.

Tệ hơn nữa, trẻ bắt đầu học cách bắt chước.

Chúng phát hiện ra: "Hóa ra, nói dối một chút là thoát được rắc rối".

Bạn nói trái cây là ớt, bé sau này cũng có thể nói: "Con đau bụng, không đi học được".

Không phải trẻ sinh ra đã biết gian dối. Mà là cách ta phản ứng, chính là tấm gương cho con soi.

Bạn nói dối để né nước mắt. Con cũng học nói dối để tránh bị mắng.

Mỗi lời nói của người lớn, đều là mẫu hình hành vi cho trẻ.

Điều khiến người ta đau lòng nhất là: Sự đổ vỡ trong niềm tin ấy sẽ ảnh hưởng lâu dài đến mối quan hệ cha mẹ – con cái.

Khi con lớn, không còn tìm đến bạn để tâm sự, không phải vì con "dậy thì nổi loạn", mà là vì con không còn chắc chắn: bạn có lắng nghe thật không? Có phản hồi thành thật không?

Vậy nên, dù xuất phát điểm là thương con, vì muốn tốt cho con, thì mỗi lời nói dối "vô hại" cũng đang âm thầm định hình cách con nhìn thế giới, nhìn bạn, và nhìn chính bản thân mình.

Thay vì để con hiểu sai rằng thế giới đầy những điều "không được nói thật", hãy nói với con một cách chân thành:

"Trên đời này, có những điều không thể có ngay, nhưng chúng ta có thể cùng nhau học cách chờ đợi và đối diện".

Đó mới là giáo dục. Đó mới là tình yêu thực sự.

3. Vì sao ta lại dễ "buột miệng nói dối"?

Nhiều khi ta nói dối không phải để dạy con, mà là vì… ta quá mệt. Ta sợ xấu hổ khi con làm ầm giữa siêu thị. Ta không đủ tiền mua một món đồ không đáng giá. Ta không còn sức để giải thích dài dòng "tại sao không nên". Ta chỉ muốn yên tĩnh, để còn làm trăm công nghìn việc khác.

Một người mẹ hiện đại vừa đi làm, vừa lo nhà cửa, chăm con… thật sự là kiệt sức. Khi trẻ mè nheo, chỉ cần một câu nói dối, ta tưởng mình giải quyết được tất cả.

Nhưng nhìn đứa trẻ tròn mắt tin là thật, ta lại chạnh lòng: "Mình làm thế… ổn không?"

Thực tế là: Không ổn chút nào.

Bạn nói một câu dối, rồi đến một lúc nào đó lòi ra, bạn sẽ phải tìm trăm câu khác để che lấp.

4. Dám nói thật cũng là một dạng trí tuệ yêu thương

Có những lúc, bạn không thể chiều con và điều đó hoàn toàn bình thường. Nhưng điều quan trọng là hãy nói sự thật, rồi giúp con hiểu: muốn và được là hai chuyện khác nhau.

Ví dụ bạn có thể nói: "Mẹ thấy cái này đắt quá, không đáng tiền. Nếu con thật sự muốn ăn, thì tuần này mình sẽ không mua đồ ngọt khác, chỉ mua một ít cái này thôi, được không?".

Câu nói đó không phải để dập tắt mong muốn, mà để con hiểu: Mẹ đang nghiêm túc lắng nghe con; Mẹ đang chia sẻ thật cảm nhận của mình; Chúng ta có thể cùng đối diện và chọn lựa.

Trẻ không cần được thỏa mãn mọi yêu cầu. Trẻ cần biết rằng: khi bị từ chối, vẫn có người yêu con, lắng nghe con, và đồng hành cùng con vượt qua thất vọng.

Có một câu nói rất hay: "Từ chối không phải là tổn thương, mà là bài học". Vấn đề không nằm ở chỗ từ chối hay không, mà là bạn từ chối bằng cách nào. Là lừa gạt? Hay là một sự thấu hiểu và hướng dẫn chân thành?

Có khi, lời thật không dễ nói, nhưng nói ra được, ấy mới là tình yêu đủ trưởng thành.