Mang 14,7 tỷ đồng tiền đền bù đất đi gửi tiết kiệm, 1 năm sau đến rút thì ngân hàng thông báo: Chúng tôi đã giúp ông đầu tư bảo hiểm

Admin

15/05/2025 20:30

Người đàn ông Trung Quốc ngỡ ngàng khi số tiền khổng lồ gửi vào ngân hàng lại bị đầu tư hết vào gói bảo hiểm mà bản thân không hề hay biết.

Năm 2023, người đàn ông họ Chu ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, nhận được khoản tiền đền bù giải tỏa nhà lên đến 4,1 triệu NDT (khoảng 14,7 tỷ đồng). Mong số tiền khổng lồ được an toàn và có lãi ổn định, ông Chu đã quyết định gửi toàn bộ vào ngân hàng. Thế nhưng, chỉ 1 năm sau, khi quay lại ngân hàng dự định rút một phần ra để mua nhà, ông Chu kinh hoàng phát hiện số dư chỉ còn vỏn vẹn 180.000 NDT (hơn 640 triệu đồng). 

Ban đầu, ông Chu tưởng đây chỉ là lỗi kỹ thuật và đã yêu cầu ngân hàng tra soát. Tuy nhiên, sau khi làm việc với nhân viên, ông mới biết toàn bộ khoản tiền 4,1 triệu NDT đã được “đầu tư” vào một sản phẩm bảo hiểm mà ông không hề hay biết, và con số 180.000 NDT thực chất chỉ là phần lãi tạm ứng của năm trước. Ngoài ra, ngân hàng khẳng định đây là giao dịch hợp pháp. Họ cho biết việc đầu tư vào sản phẩm bảo hiểm này là ngân hàng hỗ trợ dựa trên nguyện vọng của chính khách hàng và vẫn lưu giữ bộ hợp đồng có đầy đủ chữ ký và dấu vân tay của ông Chu.

Ông nhớ rằng vào thời điểm đem tiền đến gửi, nhân viên ngân hàng đã giới thiệu cho ông nhiều hình thức gửi khác nhau và nhấn mạnh một mức lãi suất hấp dẫn là 4,1%. Với suy nghĩ đơn giản rằng đây chỉ là một dạng gửi tiết kiệm có kỳ hạn với lãi suất cao, ông đã ký một số giấy tờ mà không đọc kỹ.

Ông khẳng định không hề được thông báo rằng trong số đó có hợp đồng liên quan đến bảo hiểm sinh lời, loại hình mà ông chưa có ý định tham gia. Sau khi khoản tiền gửi đáo hạn, ngân hàng tiếp tục tái đầu tư số tiền đó vào sản phẩm bảo hiểm nói trên mà không có bất kỳ cuộc gọi hay thông báo nào cho ông.

Mang 14,7 tỷ đồng tiền đền bù đất đi gửi tiết kiệm, 1 năm sau đến rút thì ngân hàng thông báo: Chúng tôi đã giúp ông đầu tư bảo hiểm- Ảnh 1.

Ông Chu bất ngờ khi gửi tiền tiết kiệm nhưng lại thành mua gói bảo hiểm đầu tư

Tuy nhiên, phía ngân hàng đã cung cấp đầy đủ hợp đồng có chữ ký để khẳng định khách hàng đã “tự nguyện lựa chọn”. Thậm chí, ngân hàng còn yêu cầu ông Chu nếu muốn rút tiền sớm thì phải tự liên hệ với công ty công ty bảo hiểm.

Khi ông Chu tìm đến công ty này, phía công ty lại cho biết hợp đồng là do ngân hàng ký kết với khách hàng, bản thân họ chỉ tiếp nhận tiền và thực hiện theo thỏa thuận, không có quyền tự hoàn tiền cho khách hàng. Cả hai bên liên tục đùn đẩy trách nhiệm, khiến ông Chu lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Cuối cùng, ông quyết định khởi kiện cả ngân hàng và công ty bảo hiểm ra tòa nhằm đòi lại số tiền thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình.

Dưới góc độ pháp lý, tòa án cho biết việc nhân viên không nói rõ về gói đầu tư với khách hàng hoặc gây hiểu nhầm có thể được xem là vi phạm quy định về minh bạch hợp đồng và nguyên tắc phù hợp khi cung cấp sản phẩm tài chính cho khách hàng.

Theo Bộ luật Dân sự Trung Quốc, nếu một bên trong quá trình ký hợp đồng cố tình che giấu thông tin trọng yếu, dẫn đến tổn thất cho bên kia, thì bên vi phạm có trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp này, ông Chu không được giải thích rõ ràng về bản chất sản phẩm tài chính, cũng không được cảnh báo rủi ro, nên hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng đầu tư vô hiệu do bị ký kết trong điều kiện hiểu lầm nghiêm trọng.

Hơn nữa, theo quy định quản lý rủi ro trong hoạt động tài chính cá nhân do Ngân hàng Trung Quốc ban hành, ngân hàng có nghĩa vụ đánh giá năng lực hiểu biết và chấp nhận rủi ro của khách hàng trước khi bán sản phẩm tài chính hay sản phẩm bảo hiểm. Việc nhân viên ngân hàng cố tình mập mờ giữa sản phẩm tiết kiệm và đầu tư là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp và luật định, gây hậu quả nghiêm trọng cho khách hàng.

Tuy nhiên, hợp đồng mà ngân hàng cung cấp được xác nhận là thật, chứng minh ông Chu tự nguyện ký vào hợp đồng. Là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, bản thân ông Chu cũng có trách nhiệm khi không đọc kỹ hợp đồng và phân biệt giữa sản phẩm tiết kiệm và sản phẩm bảo hiểm. Do đó, thẩm phán cho rằng ngân hàng không phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong sự việc.

Cuối cùng, thông qua việc trưng cầu ý kiến của 2 bên, tòa án Chiết Giang tiến hành hòa giải và đưa ra phán quyết ngân hàng phải hỗ trợ ông Chu chấm dứt hợp đồng với phía công ty bảo hiểm mà không phải bồi thường. Đồng thời, tòa án cũng nhắc nhở người gửi tiền cần hết sức tỉnh táo khi thực hiện các giao dịch tương tự, mỗi chữ ký đều có thể mang theo rủi ro nếu không hiểu rõ mình đang tham gia vào điều gì.

Theo Baijiahao