TP HCM làm 35km metro mỗi năm: Thách thức chưa có tiền lệ

Admin

28/05/2025 16:13

Theo chuyên gia, TP HCM cần gắn chặt quy hoạch từng tuyến metro với mô hình TOD, sử dụng hiệu quả tư vấn trong nước và quốc tế...

Sáng 28-5, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM tổ chức tọa đàm khoa học nhằm tham vấn phương thức triển khai Nghị quyết số 188/2025 của Quốc hội. 

Tọa đàm do ông Vũ Chí Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, điều phối, với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo các sở ban ngành và đại diện nhiều tổ chức quốc tế.

img

Việc triển khai 355 km metro tại TP HCM là một thách thức chưa từng có tiền lệ

Không bàn lùi

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, nhấn mạnh triển khai 355 km đường sắt đô thị tại TP HCM đến năm 2035 là một thách thức chưa từng có tiền lệ. 

Nghị quyết 188 trao cho TP HCM 5 nhóm cơ chế chính sách đặc thù, trong đó nhóm đầu tiên là phân quyền về huy động và phân bổ vốn đầu tư cơ bản. Trung ương dự kiến hỗ trợ khoảng 8 tỉ USD, phần còn lại thành phố phải tự huy động bằng mọi cách.

"Đây là vấn đề rất lớn, không thể làm theo cách cũ. Toàn bộ quy trình, thủ tục đầu tư phải thay đổi, rút ngắn theo mô hình TOD (phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng). Cơ chế phân quyền mạnh mẽ cho TP sẽ là đòn bẩy để làm điều này" - TS Trần Du Lịch nói.

Nghị quyết cũng quy định rõ TP HCM được quyền lựa chọn công nghệ, chính sách ưu đãi, tổ chức và phân công nhiệm vụ cho các cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư phát triển đường sắt đô thị. Nhóm chính sách thứ năm còn đề cập đến việc lựa chọn vật liệu xây dựng, xử lý chất thải là những vướng mắc tồn đọng lâu nay. Đặc biệt, Điều 9 cho phép toàn bộ tiền sử dụng đất từ các khu TOD được tái đầu tư vào dự án metro.

Theo TS Trần Du Lịch, để hoàn thành 355 km trong vòng 10 năm, mỗi năm TP HCM phải hoàn thành khoảng 35 km đường sắt đô thị. "Không bàn lùi. Nhưng phải nêu rõ khó khăn để tìm giải pháp. Ngoài cơ chế mới từ Nghị quyết 188, thành phố phải thay đổi về cách làm, phương pháp quản lý, tư duy thực hiện"- ông nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai là quy trình thủ tục. TP HCM cần gắn chặt quy hoạch từng tuyến metro với mô hình TOD, sử dụng hiệu quả tư vấn trong nước và quốc tế để rút ngắn thời gian. 

Vấn đề thứ ba là thực tiễn TOD. Mô hình này không phải nơi nào cũng có thể áp dụng, phải phụ thuộc điều kiện cụ thể từng khu vực. 

Bài toán công nghệ và nhân lực là vấn đề thứ tư. TS Trần Du Lịch đề xuất thành phố cần làm chủ công nghệ, phát triển công nghiệp đường sắt, đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ để vận hành hiệu quả. 

Vấn đề cuối cùng là tài chính, ông đặt vấn đề đầu tư công toàn bộ hay kết hợp tư nhân, cơ cấu tài chính thế nào khi Quốc hội cho phép TP giữ lại 20% ngân sách...

img

Sau khi sáp nhập, TP HCM sẽ có 20 tuyến đường sắt đô thị, bao gồm cả tuyến kéo dài sang Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương

TOD – mấu chốt để xoay trục quy hoạch, huy động vốn tư nhân

Ông Hồ Ngọc Nghĩa, Phó Trưởng phòng Quản lý đường sắt đô thị, Sở Xây dựng, cho biết TP HCM sẽ đồng bộ công nghệ metro với Hà Nội với khổ đường 1.435 mm, đường đôi, tốc độ thiết kế từ 80-160 km/ giờ, tải trọng trục từ 14-17 tấn/trục, điện khí hóa qua hệ thống cấp điện trên cao hoặc ray thứ ba, điều khiển tự động bằng hệ thống CBTC, tàu sử dụng động lực phân tán (EMU).

Sau khi sáp nhập, TP HCM sẽ có 20 tuyến đường sắt đô thị, bao gồm cả tuyến kéo dài sang Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương. Quốc hội đã phân bổ khoảng 4,34 tỉ USD vốn đầu tư cho thành phố. Hiện TP HCM đang hoàn thành giải phóng mặt bằng trước năm 2028 và sẽ khởi công đồng loạt vào năm 2029. Riêng tuyến metro số 2 sẽ khởi công trong năm 2025. Thành phố cũng sẽ nghiên cứu mô hình tập đoàn đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 68/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

TS Nguyễn Lâm, chuyên viên Phòng Tổng hợp và Ứng dụng công nghệ số, Sở Xây dựng, cho biết TOD sẽ chiếm khoảng 7.397 ha đất, đóng vai trò then chốt trong huy động vốn. Và theo GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), TOD cho phép huy động các nguồn tài chính linh hoạt, khai thác hiệu quả không gian đô thị, thương mại, logistics quanh các tuyến metro. Tuy nhiên, cần có hội đồng thẩm định để lựa chọn phương án đầu tư tối ưu, tránh làm tăng nợ công.

TS Trần Du Lịch nhận định nếu quản lý tốt TOD, các tuyến metro có thể hút đầu tư tư nhân. Chỉ cần 46 khu TOD, mỗi mét vuông đất thu 10 triệu đồng, tổng nguồn lực sẽ đạt khoảng 740.000 tỉ đồng – đủ để tái đầu tư đường sắt và quy hoạch lại toàn bộ đô thị TP HCM.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận xét Metro số 1 được thiết kế không theo TOD, nếu ga nằm ngay dưới Vinhomes như mô hình TOD thì sẽ khai thác được tối đa hiệu quả. Các tuyến metro còn lại cần rà soát lại theo định hướng TOD. Ông đề xuất quy hoạch metro và quy hoạch TOD phải được thực hiện đồng thời, nhất là khi TP HCM sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông – Vận tải, Trường ĐH Việt Đức, khẳng định TOD là điều bắt buộc nếu muốn phát triển đô thị bền vững. Ông đề nghị khi quy hoạch tuyến metro phải quy hoạch luôn đô thị xung quanh ga; đồng thời cần lập hội đồng thẩm định TOD liên ngành, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND TP làm chủ tịch hội đồng. Tái định cư cần thực hiện tại chỗ để tránh phản ứng xã hội.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, khẳng định Nghị quyết 188 tạo ra khung chính sách rất tiến bộ. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp tài chính và cách làm khoa học, TP HCM khó có thể đạt được mục tiêu 355 km đường sắt trong vòng 10 năm.

Bạn đang đọc bài viết "TP HCM làm 35km metro mỗi năm: Thách thức chưa có tiền lệ" tại chuyên mục Tin tức.