Lôi bằng đại học cất trong tủ ra xem lại, chàng trai không tin nổi vào mắt mình: Thôi xong, "toang" 4 năm ăn học!

Admin

07/07/2025 00:10

Giờ chàng trai muốn chứng minh mình đã tốt nghiệp đại học cũng khó!

Một sự cố dở khóc dở cười đang gây xôn xao cộng đồng mạng Trung Quốc. Theo đó, vào ngày 3/7, một cư dân ở tỉnh Quảng Đông chia sẻ hình ảnh tấm bằng tốt nghiệp của mình – giờ đã biến thành… tờ giấy trắng. Không còn họ tên, không còn trường lớp, không còn niên khóa hay mộc đỏ. Tất cả những gì còn sót lại chỉ là một vài vệt mực mờ, như ký ức đang dần phai của những năm tháng đèn sách.

Chủ nhân của bài đăng cho biết, do đặc trưng khí hậu tại Quảng Đông là nồm ẩm quanh năm, cộng thêm việc bảo quản bằng tốt nghiệp không đúng cách, nên tấm bằng sau một thời gian đã bị hơi ẩm "ăn mòn" đến mức bay sạch mực in. Mở ra trong một ngày đẹp trời, người này không khỏi bàng hoàng khi thấy tờ giấy từng là niềm tự hào giờ chẳng khác gì giấy photo chưa dùng.

Lôi bằng đại học cất trong tủ ra xem lại, chàng trai không tin nổi vào mắt mình: Thôi xong, "toang" 4 năm ăn học!- Ảnh 1.

Bằng đại học bị bay hết chữ

Câu chuyện lập tức thu hút hàng nghìn lượt tương tác và bình luận. Nhiều người bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc, đồng thời hài hước ví von tình huống này giống hệt một phân đoạn nổi tiếng trong phim Tây Du Ký: sau khi bốn thầy trò trải qua trăm cay nghìn đắng thỉnh được chân kinh từ Tây Thiên trở về, mở ra lại phát hiện toàn bộ chỉ là giấy trắng. Một cư dân mạng châm biếm: “Tôi cũng học như đi thỉnh kinh, học ngày học đêm, vậy mà kết quả nhận lại là... kinh bản nháp!”

Một số ý kiến còn hài hước hơn: “Đây chắc là bằng tốt nghiệp phiên bản ‘truyền thuyết’ – ai tin là bạn từng học cũng chỉ có thể dựa vào lời kể!”, hay “Không cần đi tẩy bằng, vì bằng đã tự giác tẩy chính mình rồi.”

Tuy vậy, đằng sau những tiếng cười là một lời cảnh báo nghiêm túc: việc bảo quản các loại giấy tờ quan trọng trong môi trường có độ ẩm cao thực sự là vấn đề đáng lưu tâm. Tại nhiều địa phương khí hậu nồm ẩm như miền Nam Trung Quốc vào mùa xuân, hiện tượng giấy tờ bị ố mốc, bay mực xảy ra không hiếm.

Một số chuyên gia khuyến cáo nên cất giữ bằng tốt nghiệp và các loại giấy tờ quan trọng trong túi nilon chống ẩm chuyên dụng, bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng khí, tránh ánh nắng trực tiếp cũng như tránh để trong tủ gỗ lâu ngày bị nồm. Ngoài ra, việc số hóa bằng cấp – cung cấp bản điện tử có xác thực – cũng đang được nhiều trường đại học áp dụng để giảm thiểu rủi ro mất mát hoặc hư hại tài liệu giấy.

Còn với chủ nhân tấm bằng “trắng tinh khôi” kia, có lẽ đây sẽ là một kỷ niệm để đời. Vì đôi khi, học hành chăm chỉ chưa chắc đã là điều khó nhất – giữ cho tấm bằng còn nguyên vẹn đến ngày cần dùng, hóa ra cũng là cả một hành trình không kém gian nan.