Bảng chi tiêu trị giá 22 triệu đồng bị chê tơi tả

Admin

07/07/2025 00:07

Muốn tiết kiệm được thì bước đầu tiên là phải chi tiêu thật khéo, việc đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được.

Chi tiêu không hợp lý thì kiếm bao nhiêu tiền cũng khó mà tiết kiệm được. Chuyện này thì ai cũng biết, nhưng từ biết tới “làm được”, đôi khi cũng là hành trình không đơn giản. Tâm sự của cô vợ trong câu chuyện dưới đây chính là một trường hợp như vậy.

Thu nhập của 2 vợ chồng dao động trong khoảng 25-27 triệu/tháng, lại đang nuôi 2 con nhỏ nên cũng khó mà tiết kiệm được nhiều. Điều tưởng chừng rất đáng cảm thông này lại trở nên bất hợp lý khi soi kỹ vào bảng chi tiêu hàng tháng.

Bảng chi tiêu trị giá 22 triệu đồng bị chê tơi tả- Ảnh 1.

Các khoản chi do cô vợ chia sẻ

“Em ngoi lên xin ý kiến các bác để tiết kiệm hơn nữa ạ. Chứ thu nhập cả vợ chồng em được 25-27 triệu/tháng, ở tỉnh lẻ mà chi tiêu như thế này em thấy hơi nhiều nhưng cũng không biết cắt giảm vào đâu nữa. Bọn em có 2 bé, 1 bé học lớp 2, 1 bé học lớp 6 ạ” - Cô viết.

Nhìn lại một lượt bảng chi tiêu phía trên, nhiều người cho rằng có khá nhiều khoản chi đang chưa thực sự hợp lý, vì bản chất đó không phải các khoản cố định hàng tháng, có những khoản có thể gộp lại để cắt giảm thay vì tách ra riêng biệt.

“Đã hiếu hỷ 1 triệu, y tế 1 triệu rồi còn phát sinh 1 triệu nữa, thế là phát sinh cái gì mới được mom ơi? Riêng hiếu hỷ với phát sinh đã là 2 triệu, bằng 1 nửa tiền đi chợ của cả nhà rồi thì phải xem lại. Với cả tiền dầu gội sữa tắm 1 triệu ấy, tháng nào cũng chi thế thì quá nhiều. Nói chung bảng chi tiêu này nhìn qua thấy cũng bình thường nhưng xem kỹ thì chưa ổn đâu, do mom ghi chép chưa kỹ đấy chứ không thể như thế này được” - Một người phân tích.

“Mỗi tháng mua 1 triệu tiền quần áo, thêm 1 triệu tiền sách vở xem phim nữa, tốn quá không cần thiết” - Một người bày tỏ.

“Thức ăn, ăn sáng, ăn vặt, hoa quả, sữa tươi, sữa chua, vitamin là 8,6 triệu rồi. Nếu chị nấu ăn được, thì tự làm tại nhà sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền, riêng bổ sung vitamin thì cân nhắc vì các bé cũng lớn rồi với trái cây, ăn uống đủ thì cần gì bổ sung vitamin nữa. Nước giặt, dầu gội, sữa tắm không phải tháng nào cũng mua nên 1 triệu/tháng là rất phi lý. Quần áo thì mua ít thôi, mua theo mùa chứ không cần mua hàng tháng. Xem lại mấy khoản này là cũng tiết kiệm được khối đấy” - Một người chung quan điểm.

Làm sao để tiết kiệm tối đa mà không làm giảm chất lượng cuộc sống?

Nhắc tới chuyện "tiết kiệm tối đa", nhiều người sẽ mặc định đánh đồng với việc phải sống kham khổ, thắt lưng buộc bụng. Vì ngân sách giảm đi kiểu gì cũng tác động đến nhu cầu, mong muốn chi tiêu, thế mà bảo không làm giảm chất lượng cuộc sống thì sao mà được?

Tuy nhiên, đó vẫn là điều hoàn toàn có thể nếu làm được 3 việc dưới đây.

1 - Phân biệt rõ "nhu cầu" và "mong muốn"

Bước đầu tiên và quan trọng nhất để cắt giảm chi tiêu mà không ảnh hưởng đến chất lượng sống là phân biệt rạch ròi giữa "nhu cầu" và "mong muốn".

Bảng chi tiêu trị giá 22 triệu đồng bị chê tơi tả- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nhu cầu là những thứ cơ bản bạn cần để đảm bảo cuộc sống, ví dụ như thuê nhà, chi phí ăn uống, đi lại,...

Trong khi đó, mong muốn là những thứ làm cuộc sống của bạn thoải mái hơn, vui vẻ hơn, nhưng không phải là bắt buộc để duy trì sự sống, ví dụ như ăn hàng, du lịch xa xỉ, mua sắm đồ hiệu,...

Khi lập ngân sách, hãy phân bổ ưu tiên cho các khoản chi trong phần "nhu cầu" trước. Sau đó, với phần còn lại, bạn mới phân bổ cho các mong muốn. Việc này giúp bạn không bao giờ phải lo lắng về những khoản chi thiết yếu, đồng thời có thể kiểm soát các khoản chi "tùy chọn" một cách có ý thức.

2 - Tối ưu hóa chi tiêu cho niềm vui chứ không phải cắt bỏ

Nhiều người nghĩ rằng cắt giảm chi tiêu có nghĩa là phải từ bỏ tất cả các hoạt động giải trí hay sở thích. Điều này là sai lầm và dễ khiến bạn nản lòng. Thay vì cắt bỏ hoàn toàn, hãy tối ưu hóa chi tiêu cho các hoạt động mang lại niềm vui và nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn.

Hãy liệt kê 3-5 hoạt động giải trí hoặc sở thích mà bạn cảm thấy thực sự cần để tái tạo năng lượng và duy trì sự cân bằng trong cuộc sống. Sau đó, tìm cách thực hiện chúng một cách tiết kiệm hơn.

Bảng chi tiêu trị giá 22 triệu đồng bị chê tơi tả- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Mục tiêu là tìm ra những giải pháp thay thế thông minh, giúp bạn vẫn tận hưởng được những điều mình thích mà không làm thâm hụt ngân sách. Khi bạn vẫn được làm những điều bạn thích, bạn sẽ không cảm thấy mình đang thiếu thốn, mà thay vào đó là cảm giác chủ động và thông minh trong việc quản lý tài chính.

3 - Luôn nhớ quy tắc tối đa hóa giá trị

Thay vì chỉ nhìn vào giá cả, hãy xem xét giá trị mà món đồ hoặc dịch vụ đó mang lại so với số tiền bạn bỏ ra. Một món đồ đắt tiền nhưng bền, sử dụng được lâu dài và mang lại nhiều lợi ích có thể rẻ hơn một món đồ rẻ tiền nhưng nhanh hỏng, ít dùng đến.

Ví dụ thế này cho dễ hiểu: Một đôi giày thể thao chất lượng cao có thể đắt hơn, nhưng nó bảo vệ sức khỏe đôi chân của bạn và dùng được nhiều năm, trong khi một đôi giày rẻ tiền có thể nhanh hỏng và gây khó chịu. Hãy đầu tư vào chất lượng khi cần thiết, và tiết kiệm cho những món đồ không mang lại giá trị sử dụng lâu dài hoặc không có ý nghĩa quan trọng với bạn.