Liên tiếp các vụ người dân phát hiện “cá uống Sting”, “bún tươi chuyển đỏ”: Diễn biến mới nhất thế nào?

Admin

11/07/2025 08:30

Thời gian qua, các vụ việc thực phẩm bất ngờ đổi màu kỳ lạ đã khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang.

Sợi bún tươi bất ngờ đổi sang màu đỏ

Sự việc bắt đầu vào ngày 6/7, bà V.T.L (trú tại phường Hòa Xuân) phản ánh rằng chồng bà đến chợ Hòa Châu mua 15.000 đồng bún tươi từ một người bán lẻ là bà N.T.P về ăn. Cả nhà bà ăn một phần và để lại một phần cho con. Phần bún này được đặt trong rổ nhựa, cất ở nơi khô thoáng.

Đến khoảng 21h cùng ngày, nhà bà L. phát hiện nhiều sợi bún đã chuyển từ màu trắng sang màu đỏ, sợi bún mềm. Thấy bất thường, bà L. để lại số bún trên qua đêm để theo dõi.

Đến sáng nay (7/7), toàn bộ các sợi bún còn lại đã đổi màu hoàn toàn. Đặc biệt, khi đem bún thả trong nước lọc, nước cũng chuyển sang màu đỏ. Bà L. đã mang số bún chuyển màu này đến phản ánh với người bán tại chợ Hòa Châu.

Chiều 7/7, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho hay đã đề nghị các đơn vị chức năng kiểm tra, xác minh thông tin số bún do người dân mua ở chợ về chuyển sang màu đỏ.

Liên tiếp các vụ người dân phát hiện “cá uống Sting”, “bún tươi chuyển đỏ”: Diễn biến mới nhất thế nào?- Ảnh 1.
Liên tiếp các vụ người dân phát hiện “cá uống Sting”, “bún tươi chuyển đỏ”: Diễn biến mới nhất thế nào?- Ảnh 2.

Sợi bún tươi chuyển sang màu đỏ gây hoang mang

Đến ngày 8/7, sau khi nhận được phản ánh của người dân vệ sự việc nói trên, UBND phường Hòa Xuân (TP Đà Nẵng) đã chỉ đạo các bộ phận liên quan xác minh, kiểm tra. Qua buổi làm việc với người bán bún là bà N.T.P., tổ công tác xác định được nguồn cung cấp bún là hộ kinh doanh của ông Đ.Q.H (cũng trú tại phường Hòa Xuân).  Sau khi kiểm tra đột xuất tại cơ sở của ông H., đoàn công tác ghi nhận số bún mà bà P. bán ra ngày 6/7 đúng là do cơ sở này cung cấp.

Về giấy tờ pháp lý, cơ sở của ông H. có Giấy chứng nhận hộ kinh doanh và Giấy khám sức khỏe. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hạn từ ngày 25/1.

Theo thông tin mới nhất, lực lượng chức năng đã lấy mẫu bún có màu đỏ theo phản ánh gửi đi kiểm nghiệm. Đồng thời, yêu cầu cơ sở kinh doanh của ông H. tạm dừng sản xuất bún cho đến khi có kết quả kiểm nghiệm và cho phép của cơ quan chức năng.

Cá “nhuộm phẩm” bằng nước ngọt có màu?

Cũng trong ngày 6/7, mạng xã hội xuất hiện bài đăng phản ánh việc cá biển có màu bất thường ở chợ Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Theo đó, một người dùng MXH đăng tải bài viết cho biết mình vừa mua 2 con cá kè ở chợ Cẩm Lệ vào lúc 10h sáng, nhưng khi về rửa cá, người này phát hiện nước có màu đỏ như phẩm nhuộm.

Đến 11 giờ 20 cùng ngày, khi người đăng bài quay lại chợ thì vẫn thấy 2 mẹt cá không thay đổi màu sắc, dù đang để dưới trời nắng nóng. Khi được hỏi, người đàn ông bán cá cho biết đây là "cá lưới".

Theo tìm hiểu của báo Người lao động , tiểu thương tên V. - người bán cá được cho là liên quan phản ánh nêu trên đã quả quyết không có chuyện sử dụng phẩm nhuộm độc hại.

Liên tiếp các vụ người dân phát hiện “cá uống Sting”, “bún tươi chuyển đỏ”: Diễn biến mới nhất thế nào?- Ảnh 3.

Cá có màu lạ bày bán tại vỉa hè chợ Cẩm Lệ do người dân chụp lại

Người này cho hay, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, cá bã trầu và cá kè thường bị bạc màu, trông kém tươi, khiến người mua e ngại. Do đó, một số tiểu thương đã sử dụng nước ngọt có màu, cụ thể là loại nước dâu đỏ của nhãn hiệu Sting, để rửa qua nhằm giúp cá có màu sắc bắt mắt hơn.

Trước phản ánh cá biển có màu bất thường bán gần chợ Cẩm Lệ (Đà Nẵng), ông Đoàn Văn Hòa, đại diện Ban Quản lý chợ cho biết, sự việc xảy ra ở các điểm bán hàng tự phát bên ngoài chợ, không thuộc khuôn viên chợ chính thức. Các quầy sạp bên trong đều được giám sát chặt về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những người bán hàng tự phát không thuộc tiểu thương chính thức, thường xuyên di chuyển khi bị kiểm tra. Chính quyền phường từng nhiều lần xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường.

Về nghi vấn "tẩm nước ngọt" khiến cá đổi màu, ông Hòa khẳng định chưa từng ghi nhận trong chợ chính thức và cần kiểm nghiệm mẫu thay vì đánh giá bằng mắt thường.

Ông nhấn mạnh việc xử lý các điểm bán hàng bên ngoài thuộc thẩm quyền địa phương, song BQL vẫn phối hợp, vận động người bán quay lại hoạt động hợp pháp. BQL đề xuất bố trí khu vực bán hàng lưu động riêng nếu có chủ trương từ cấp trên.