5 kiểu tiêu tiền vô lý hết chỗ nói nhưng không trừ một ai

Admin

11/07/2025 12:30

Đôi khi chính những khoản chi vặt vãnh, quen tay, vô thức mới là thủ phạm khiến bạn mãi không dư nổi đồng nào.

Dù có đang trong giai đoạn "thắt lưng buộc bụng" hay sống thoải mái với ví tiền rủng rỉnh, nhiều người vẫn đều đặn chi tiền cho những việc làm nghe thì ngớ ngẩn nhưng thực tế lại phổ biến đến mức quen mặt.

Dưới đây là 5 khoản chi tưởng chừng nhỏ, chẳng đáng kể, nhưng nếu cộng dồn lại có thể tạo thành cả một khoản ngân sách đủ để du lịch, mua bảo hiểm hay đầu tư cho bản thân.

1. Chi tiền để "đỡ tội lỗi" sau một ngày stress

Sau một ngày đi làm mệt nhoài hay học hành căng thẳng, rất nhiều người tự thưởng cho bản thân một bữa ăn sang, một món đồ đẹp, hay ít nhất là một ly trà sữa size L full topping. Họ gọi đó là mua vui, mua niềm an ủi, mua sự xoa dịu. Và thế là, dù trong đầu vẫn lờ mờ biết rằng việc này đang khiến mình chi quá tay, vẫn mạnh dạn cà thẻ với lý do "mình xứng đáng".

5 kiểu tiêu tiền vô lý hết chỗ nói nhưng không trừ một ai- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Lý do nghe rất hợp tình hợp lý, nhưng nếu hành động này trở thành thói quen mỗi lần cảm xúc tụt mood, ví tiền sẽ tụt nhanh không kém. Chi tiền để cảm thấy đỡ tội lỗi, thực ra chỉ là cách trì hoãn đối diện với vấn đề chính, và đáng tiếc là nó đắt đỏ hơn ta tưởng.

2. Mua đồ "rẻ" để tiết kiệm

Một trong những sai lầm tài chính phổ biến nhất là cố gắng tiết kiệm bằng cách chọn mua những món "giá hời" mà bỏ qua yếu tố chất lượng. Mua áo 99k, nồi chiên không dầu sale còn 400k, hay tai nghe không dây chỉ 1/5 giá thị trường - tất cả đều mang lại cảm giác "lời to" ở thời điểm ban đầu. Nhưng khi áo bị phai, nồi nhanh hỏng, tai nghe sụp nguồn sau vài tuần, người ta lại phải mua món mới.

Về lâu dài, cách chi tiêu này không những không tiết kiệm mà còn khiến tổng chi phí đội lên nhiều lần. Mua đồ rẻ nhưng kém chất lượng là kiểu chi tiêu tưởng thông minh, nhưng thực tế lại là một trong những nguyên nhân khiến tiền bay không kiểm soát.

3. Đăng ký dịch vụ vì FOMO

Chuyện mua gói học online cả năm nhưng chỉ học được vài buổi rồi quên béng, hay đăng ký app thể thao, nền tảng phim, nghe nhạc, đọc sách rồi để tự động gia hạn hàng tháng,… không còn xa lạ. Nhiều người thậm chí còn không nhớ mình đã từng đăng ký những gì cho đến khi kiểm tra lại sao kê ngân hàng.

5 kiểu tiêu tiền vô lý hết chỗ nói nhưng không trừ một ai- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

FOMO (Fear Of Missing Out - nỗi sợ bị bỏ lỡ) khiến nhiều người đăng ký dịch vụ chỉ vì thấy "ai cũng dùng", "đang có khuyến mãi", "biết đâu cần dùng". Nhưng khi nhu cầu không rõ ràng, động lực không đủ mạnh, khoản tiền đó trở thành chi cho vui, mà chỉ vui đúng lúc mua, sau đó thì thành phí.

4. Mua vì sợ hết, nhưng cuối cùng là hết hạn

Tâm lý "giá tốt không mua là phí" khiến nhiều người gom hàng khi có đợt sale lớn. Họ mua đồ dùng sinh hoạt số lượng lớn, mỹ phẩm đủ xài vài năm, đồ ăn vặt chất đầy tủ lạnh. Nhưng không phải lúc nào mua nhiều cũng là tiết kiệm, nhất là khi hàng hóa có hạn sử dụng, hoặc thay đổi nhu cầu theo thời gian.

Hậu quả là nhiều món bị lãng quên trong góc tủ, hết hạn mà chưa kịp xài, hay không còn phù hợp với thói quen sinh hoạt. Việc mua sắm vượt quá nhu cầu thực tế là một kiểu chi tưởng khôn ngoan nhưng lại ngốn ví vô cùng.

5. Chi tiền vì… lỡ rồi

Đây là một dạng sunk cost fallacy - ngụy biện về chi phí chìm. Bạn đã lỡ mua vé xem phim nhưng đến ngày lại không có hứng đi, vẫn cố đi cho đỡ phí. Hoặc đã đặt hàng online rồi phát hiện ra không cần, nhưng vẫn nhận vì lỡ chuyển khoản rồi.

5 kiểu tiêu tiền vô lý hết chỗ nói nhưng không trừ một ai- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ.

Nghe qua thì giống kiểu "biết trân trọng đồng tiền", nhưng thực chất lại đang kéo dài sự lãng phí. Việc cố gắng tận dụng cho bằng hết những khoản chi không hiệu quả thường khiến ta tiếp tục mất thêm thời gian, công sức, trong khi điều cần thiết hơn là biết dừng đúng lúc.

Chi tiêu là chuyện cá nhân, nhưng có những cái bẫy thì ai cũng từng bước vào. Quan trọng là nhận ra và điều chỉnh. Đôi khi, chỉ cần hỏi lại bản thân trước mỗi lần móc ví: "Mình thực sự cần cái này, hay chỉ đang bị cảm xúc và thói quen dẫn dắt?" là đã cứu được kha khá tiền rồi đấy.