Tăng trưởng GDP cao nhất trong vòng 2 thập kỷ
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2025 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2025. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%, đóng góp 5,19% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,97%, đóng góp 43,63%; khu vực dịch vụ tăng 8,46%, đóng góp 51,18%.
GDP sáu tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của sáu tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, đóng góp 5,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,20%; khu vực dịch vụ tăng 8,14%, đóng góp 52,21%.
"Đây là mức tăng trưởng nửa đầu năm cao nhất trong gần 20 năm qua", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh trong phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây.

Tăng trưởng khu vực dịch vụ cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2025
Trong khu vực dịch vụ, hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch tăng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ sáu tháng đầu năm 2025 tăng 8,14% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2025.
Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,03% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,76 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 9,82%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,53%, đóng góp 0,38 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 10,46%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm.
Cùng với đó, một số ngành dịch vụ công cũng có mức tăng khá cao để thực hiện nhiều nhiệm vụ đột phá phục vụ cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của đất nước: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 14,58%; hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội bắt buộc tăng 13,09%.

Sản xuất công nghiệp trong quý II/2025 tiếp tục tăng trưởng tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,3%.
Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, IIP ước tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,0%), là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,1% (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,9%), đóng góp 9,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,5% (cùng kỳ năm 2024 tăng 12,8%), đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,3% (cùng kỳ năm 2024 tăng 6,4%), đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 3,0% (cùng kỳ năm 2024 giảm 6,0%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao kỷ lục
Trong tháng 6, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cao kỷ lục, đạt 24,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, gấp hơn 2 lần giai đoạn 2021-2024, với số vốn đăng ký gần 176,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 137,2 nghìn lao động, tăng 61,4% về số doanh nghiệp, tăng 12,8% về số vốn đăng ký và tăng 39,8% về số lao động so với tháng 5/2025. So với cùng kỳ năm trước, tăng 60,5% về số doanh nghiệp, tăng 21,2% về số vốn đăng ký và tăng 49,9% về số lao động.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 7,2 tỷ đồng, giảm 30,1% so với tháng trước và giảm 24,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 14,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 79,5% so với tháng trước và tăng 91,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, cả nước có 91,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 820,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 591,1 nghìn lao động, tăng 11,8% về số doanh nghiệp, tăng 9,9% về số vốn đăng ký và tăng 13,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong sáu tháng đầu năm 2025 đạt 9,0 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong sáu tháng đầu năm 2025 là hơn 2.778,0 nghìn tỷ đồng, tăng 89,0% so với cùng kỳ năm 2024.
Bên cạnh đó, cả nước có hơn 61,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2024), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong sáu tháng đầu năm lên hơn 152,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân một tháng có gần 25,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm trở lại đây
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam sáu tháng đầu năm 2025 ước đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của sáu tháng trong 5 năm qua. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,56 tỷ USD, chiếm 81,6% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 932,2 triệu USD, chiếm 8,0%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 444,7 triệu USD, chiếm 3,8%.

Hoặc