Ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 20, mở ra một chương mới trong chiến lược phát triển giao thông bền vững tại Việt Nam. Theo đó, từ ngày 1/7/2026, toàn bộ xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ bị cấm lưu thông trong khu vực Vành đai 1 Hà Nội. Đến năm 2028, lệnh cấm mở rộng ra Vành đai 2 và tiếp tục áp dụng cho Vành đai 3 từ năm 2030, đồng thời hạn chế cả xe ô tô sử dụng xăng dầu.
Đây là bước tiến mạnh mẽ nhằm giảm ô nhiễm môi trường, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải carbon. Tuy nhiên, khi chính sách mang tính cách mạng này được công bố, một loạt mối lo ngại đã xuất hiện trong cộng đồng học sinh, sinh viên đang và sắp sửa theo học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô – một ngành vốn được xem là "xương sống" của đào tạo kỹ thuật trong suốt nhiều thập kỷ.

Ảnh minh hoạ
Tâm lý sinh viên: Học ô tô để rồi… thất nghiệp?
"Ngành này học tới 4 – 5 năm, tập trung vào động cơ đốt trong, hộp số, truyền động cơ khí – vậy nếu xe xăng bị loại bỏ thì liệu mình còn việc làm không?" – là câu hỏi được nhiều học sinh, sinh viên đặt ra trên các diễn đàn sinh viên kỹ thuật thời gian gần đây.
Nỗi lo này không phải không có cơ sở. Trong suốt thời gian dài, thị trường việc làm cho sinh viên kỹ thuật ô tô gắn liền với sửa chữa, bảo trì, thiết kế và chế tạo xe xăng – vốn chiếm tỷ trọng áp đảo trong hệ thống giao thông Việt Nam. Việc loại bỏ xe xăng khỏi các khu đô thị trọng điểm có thể khiến hàng ngàn gara, xưởng sửa chữa, trung tâm bảo trì... phải chuyển đổi hoặc đóng cửa.
Thêm vào đó, các hệ thống công nghệ mới như xe điện, xe hybrid, tự lái, điều khiển thông minh... đều đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về điện – điện tử, lập trình, pin năng lượng – những mảng kiến thức mà không phải sinh viên nào cũng được đào tạo đầy đủ hoặc cảm thấy tự tin.
Góc nhìn chuyên gia: Chuyển dịch không đồng nghĩa với đào thải
Trước làn sóng lo ngại này, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đào tạo kỹ thuật đã lên tiếng trấn an và làm rõ bản chất của sự thay đổi.
Trao đổi trên báo Người Lao Động, TS.Trần Thanh Thưởng, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên – Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, nhấn mạnh: Ngành công nghệ kỹ thuật ô tô không chỉ đào tạo về xe xăng, mà còn trang bị kiến thức sâu rộng về công nghệ, kỹ thuật thiết kế, điều khiển, lắp ráp, bảo trì và sửa chữa ô tô các loại – từ truyền thống đến hiện đại, từ cơ khí đến điện tử, từ động cơ đốt trong đến động cơ điện và hybrid.
Ông cũng cho biết, trong quá trình học, sinh viên được tiếp cận cả lý thuyết và thực hành trên các dòng xe điện, xe hybrid, hệ thống điều khiển tự động, lái thông minh – nhằm đảm bảo năng lực thích nghi với xu thế xanh hóa và tự động hóa.
"Xe xăng có thể hết thời, nhưng đào tạo ô tô thì vẫn là ngành học xu hướng" – TS Thưởng khẳng định trên báo Người Lao Động.
Cùng quan điểm, ThS Trương Quang Trị, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho biết: Chương trình đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật ô tô hiện nay được mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp giao thông bền vững. Ngoài thực hành với xe xăng, sinh viên còn được làm việc với mô hình xe điện thực tế, lập trình hệ thống hỗ trợ lái, động cơ điện và quản lý năng lượng.
Thị trường lao động: Nhu cầu nhân lực mới đang tăng nhanh
Thống kê từ các hãng ô tô lớn như VinFast, Toyota, Hyundai... cho thấy nhu cầu tuyển dụng kỹ sư ô tô có kiến thức về xe điện, điện tử ô tô, AI điều khiển, lập trình phần mềm ngày càng tăng. Các lĩnh vực liên quan như trạm sạc, pin năng lượng, tái chế vật liệu, thiết kế hệ thống hỗ trợ lái cũng trở thành điểm nóng tuyển dụng.
Ngoài ra, theo lộ trình chuyển đổi năng lượng của Chính phủ, từ năm 2030 trở đi, tỷ lệ xe điện trên tổng số phương tiện giao thông có thể vượt mốc 30–40%. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường sẽ cần một lượng lớn kỹ sư, chuyên gia hiểu rõ cả xe xăng và xe điện để thực hiện quá trình chuyển giao, đào tạo lại, xây dựng tiêu chuẩn và giám sát kỹ thuật.
Chỉ thị 20 là lời cảnh tỉnh cho ngành kỹ thuật ô tô truyền thống, nhưng không phải là dấu chấm hết. Trái lại, đây là cơ hội cho những người biết cập nhật công nghệ, linh hoạt chuyển hướng và đầu tư vào kỹ năng mới.
Ngành kỹ thuật ô tô không "chết" – mà đang "tiến hóa" để phù hợp với cuộc cách mạng xanh và thông minh trong giao thông. Việc làm sẽ không mất đi, mà chỉ chuyển dịch sang những phân khúc hiện đại và nhiều thách thức hơn.
Minh Châu
Hoặc