Cô gái 25 tuổi lương 15 triệu, tiết kiệm được 7 triệu/tháng
Lương chưa cao thì tiết kiệm như thế nào? - Đó hẳn là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ đặt ra sau khi đi làm. Đặc biệt nếu sống ở thành phố lớn thì lại càng phải chắt bóp hơn, cân đo đong đếm hay chọn cách từ bỏ những niềm vui mua sắm thì may ra mới dư ra được vài đồng.
Thảo Nguyên (SN 2000, quận 7) hiện đang làm công việc account trong một agency trong nước ở TP.HCM - cũng là một trong số đó. Cô nàng có mức lương 15 triệu đồng/tháng, nhưng đã cố gắng chỉ tiêu 8 triệu đồng, và trong số đó còn biếu được thêm cho bố mẹ.

Ảnh minh hoạ.
Thảo Nguyên bắt đầu quan tâm đến quản lý tài chính từ năm 22 tuổi, khi vừa tốt nghiệp đại học và nhận mức lương khởi điểm 10 triệu đồng/tháng. Hiện tại, với mức lương 15 triệu đồng/tháng, Nguyên phân bổ thu nhập một cách khá chặt chẽ. Cô bạn dành 8 triệu đồng cho chi tiêu thiết yếu, trong đó 2-3 triệu đồng là khoản biếu bố mẹ để hỗ trợ các chi phí sinh hoạt gia đình.
Vì sống cùng bố mẹ tại TP.HCM, Nguyên được miễn phần lớn chi phí ăn uống, giúp cô tiết kiệm đáng kể. Khoản chi tiêu còn lại, khoảng 5 triệu đồng, bao gồm: Quần áo và skincare (1 triệu), ăn uống ngoài và giao lưu (1,5 triệu), đi lại (500k), du lịch (1 triệu), phát sinh (1 triệu).
Khoản 3 triệu đồng biếu bố mẹ là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch tài chính của Nguyên. Cô tâm sự thêm: "Bố mẹ mình đã lớn tuổi, có lương hưu và cũng được anh chị mình biếu thêm 3-5 triệu/tháng. Mình gửi bố mẹ 3 triệu cũng vừa là biếu, vừa nhờ bố mẹ mua đồ ăn thức uống luôn”.
Phần còn lại, 7 triệu đồng, được Nguyên dành cho tiết kiệm và đầu tư. Trong đó, 4 triệu đồng được gửi vào tài khoản tiết kiệm ngân hàng với lãi suất 5%, và 3 triệu còn lại thì Nguyên tích cóp, cứ 3-4 tháng sẽ mua thêm chỉ vàng.

Ảnh minh hoạ.
Để duy trì kế hoạch này, Nguyên sử dụng một ứng dụng ghi chép chi tiêu trên điện thoại, để ghi lại mọi khoản chi, dù nhỏ như tiền gửi xe 5.000 đồng. Cuối mỗi tuần, Nguyên xem xét các khoản chi để đánh giá tính hợp lý hay không.
Duy trì kế hoạch tài chính ở TP.HCM không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt khi Thảo Nguyên đang trong độ tuổi cần chi tiêu và mua sắm nhiều.
Thảo Nguyên thừa nhận có những tháng cô phải đối mặt với chi phí đột xuất, như sửa điện thoại hoặc mua thuốc. Trong những trường hợp này, cô ưu tiên giữ nguyên khoản biếu bố mẹ và tiết kiệm, sau đó cắt giảm chi tiêu cá nhân, như hạn chế ăn ngoài hoặc hoãn mua sắm.
"Vì sống cùng bố mẹ nên mìnhi tiết kiệm được nhiều chi phí ăn uống, nên dễ điều chỉnh hơn. Có những tháng, mình cũng xin bố mẹ không biếu tiền và bố mẹ cũng khá thoải mái. Bản thân mình vốn sống tối giản, không chạy theo xu hướng đồ hiệu hay điện thoại mới, nên không gặp nhiều áp lực," cô nói.
Song chính Thảo Nguyên cũng tâm sự, cô chỉ như đang duy trì cuộc sống ở mức cơ bản nhất. "Thực tế mình không đi du lịch quá nhiều. Nên trong thời gian tới cần học thêm, hoặc cần đi chơi xa, thì số tiền này không thể để dành được nhiều như vậy vào mỗi tháng" - cô chia sẻ.
Những tips tiết kiệm đơn giản
Bên cạnh việc phân bổ thu nhập hợp lý, Thảo Nguyên còn có những thói quen tiết kiệm mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng.
Đầu tiên là Thảo Nguyên rất chăm kiểm soát chi tiêu. Cô bạn sử dụng ứng dụng trên điện thoại để theo dõi từng khoản chi ngay sau khi thực hiện, từ cốc cà phê đến tiền đổ xăng. "Mình ghi lại mọi thứ để không bỏ sót. Cuối tháng, tôi phân tích để biết mình đã chi tiêu hợp lý hay chưa. Ví dụ, có tháng tôi tốn 2 triệu cho ăn ngoài, trong khi vẫn nhờ bố mẹ chuẩn bị sẵn đồ ăn. Nên tháng sau mình cắt giảm và ưu tiên ăn tối ở nhà cùng bố mẹ hơn" cô giải thích.

Ảnh minh hoạ.
Thứ hai, Nguyên tiết kiệm đáng kể nhờ sống cùng bố mẹ , giúp cô nàng giảm chi phí ăn uống. “Một tuần, mình chỉ ăn ngoài 1-2 lần, thường là cơm tiệm giá 30-40k/suất gần công ty. Mình nhờ bố mẹ chuẩn bị cho suất ăn sáng và trưa, tối về ăn với gia đình. Mình nghĩ số tiền này chỉ có thể tiết kiệm được khi mình có lợi thế có gia đình ở TP.HCM, và bố mẹ chăm sóc cho" - cô chia sẻ.
Thứ ba, Nguyên áp dụng lối sống tối giản để hạn chế mua sắm không cần thiết. Cô nàng đặt nguyên tắc chỉ mua món đồ mới khi món cũ không còn sử dụng được và phải cân nhắc ít nhất 3 ngày trước khi quyết định.
"Mình có thói quen nhỏ là mỗi khi mua món đồ nào có giá trên 1 triệu, mình sẽ để ở giỏ hàng trong 3 ngày. Nếu sau 3 ngày, mình thấy nó vẫn cần thiết và vẫn muốn mua thì mới chốt. Điều này giúp mình hạn chế chi tiêu lung tung, rồi thấy tiếc tiền” - cô chia sẻ thêm.
Câu chuyện của Thảo Nguyên cho thấy quản lý tài chính không phụ thuộc vào mức thu nhập, mà nằm ở cách sử dụng số tiền đó. Với lương 15 triệu đồng/tháng, cô bạn không chỉ đáp ứng nhu cầu cá nhân, hỗ trợ gia đình mà còn xây dựng khoản tiết kiệm đáng kể, mở ra cơ hội cho tương lai ổn định hơn.
Hoặc