![]() |
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình trước Quốc hội sáng 9/5. Ảnh: Quochoi. |
Sáng 9/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, sau khi nghe nhiều góp ý từ các đại biểu Quốc hội, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã có ý kiến giải trình.
Đáng chú ý, trước nhiều góp ý của đại biểu Quốc hội về việc không nên đánh thuế TTĐB với xăng dầu, đại diện cơ quan soạn thảo vẫn kiên quyết phải đánh thuế với mặt hàng này.
Quyết "đánh" thuế TTĐB xăng dầu
Cụ thể, ông Thắng cho biết thuế TTĐB với xăng dầu đã được áp dụng từ năm 1998. Vừa qua, Thủ tướng cũng đã cam kết tại COP26 về việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây là cam kết rất khó khăn với Việt Nam trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, dù đã có các chương trình hành động nhưng cần cố gắng rất nhiều để đạt mục tiêu. Trong khi đó, các nước châu Âu đang triển khai quyết liệt.
"Xăng là mặt hàng không thể không đánh thuế TTĐB, ô nhiễm môi trường ngày càng lớn, trong khi phương tiện xăng tham gia giao thông ở Việt Nam rất lớn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói, đồng thời cho biết nếu muốn phát triển lĩnh vực xe điện, metro thì phải có giải pháp thuế phù hợp với xăng.
Hiện tại, có 2 loại thu với xăng dầu là thuế và phí. Trong đó, hầu hết nước lớn, nước phát triển, đều đánh cả thuế và phí với xăng dầu, chỉ có tên gọi là khác nhau. Ngoài thuế TTĐB, một số nước còn áp dụng phí CO2, hoặc thuế CO2. Trong đó, thuế TTĐB tập trung điều tiết hành vi tiêu dùng và tăng thu ngân sách, phí là để tạo các quỹ cho mục tiêu bảo vệ môi trường.
"Áp dụng cả thuế và phí với mặt hàng xăng dầu là phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại COP26, nhằm giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050", Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh cộng cả 2 loại thuế, phí này thì Việt Nam vẫn đang thu thấp hơn thế giới, nhất là các nước EU hiện áp thuế, phí lên tới 17.000-18.000 đồng/lít xăng.
![]() |
Cơ quan soạn thảo vẫn quyết tâm đánh thuế TTĐB với mặt hàng xăng dầu. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trước đó, góp ý về dự thảo Luật, nhiều đại biểu Quốc hội đã chia sẻ quan điểm xăng dầu không phải mặt hàng xa xỉ và đã chịu thuế bảo vệ môi trường, nên việc áp thuế TTĐB là không phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh bản chất của thuế TTĐB là đánh vào mặt hàng xa xỉ nhằm điều tiết sản xuất, tiêu dùng. Tuy nhiên, xăng là mặt hàng thiết yếu, đầu vào của nhiều ngành sản xuất, hiện đã chịu thuế bảo vệ môi trường, việc áp thuế TTĐB với xăng để bảo vệ môi trường là chưa thuyết phục.
Theo ông, nếu hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, cần tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, thay vì đưa hàng hóa này vào diện chịu thuế TTĐB.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cũng cho rằng việc áp thuế TTĐB với xăng tuy khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, tăng thu ngân sách, nhưng sẽ gây áp lực lên chi phí sinh hoạt và sản xuất, nhất là với người thu nhập thấp.
Còn đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) nêu quan điểm xăng là mặt hàng thiết yếu nên áp thuế TTĐB là chưa thỏa đáng, có thể gây ra gánh nặng chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Do đó, ông đề nghị bỏ thuế TTĐB đối với xăng và chỉ thu thuế bảo vệ môi trường, đồng thời khuyến khích sử dụng năng lượng xanh...
Giảm thuế suất, giãn lộ trình áp thuế với nước giải khát có đường
Cũng trong nội dung tiếp thu, giải trình trước Quốc hội, với mặt hàng nước giải khát có đường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo và thẩm tra nhận được 2 luồng ý kiến: Một là xem xét đã cần thiết đánh thuế hay chưa; hai là phải đánh thuế càng nhanh, càng nhiều càng tốt.
Theo ông, đã có những căn cứ rõ ràng để cân nhắc đánh thuế với nước giải khát có đường theo hàm lượng 5 g/100 ml. Trong đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo Việt Nam đang là một trong những nước tiêu thụ đường ngày càng lớn, dẫn đến nguy cơ béo phì.
"WHO khuyến nghị tất cả các nước, trong đó có Việt Nam, phải áp thuế TTĐB tối thiểu 20%", Bộ trưởng Thắng nói.
WHO cho biết trên thế giới đã có 107 nước đánh thuế TTĐB với mặt hàng này, trong khu vực ASEAN cũng có 7/11 nước đánh thuế (bao gồm cả Timor Leste).
"Từ thực tiễn thế giới và thực trạng của Việt Nam, đáng ra chúng ta phải đánh thuế với mặt hàng này sớm hơn. Không thể để thế hệ con em đến lúc béo phì mới đánh thuế", ông Thắng nhấn mạnh.
![]() |
Thuế TTĐB với mặt hàng nước giải khát có đường dự kiến ở mức 8% năm 2027 và tăng lên 10% từ năm 2028. Ảnh: Shutterstock. |
Tuy vậy, Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu theo hướng giãn thời hạn áp thuế và giảm tỷ lệ xuống 8% năm 2027 và 10% từ năm 2028.
Đồng thời, sẽ rà soát lại tất cả mặt hàng trong diện chịu thuế TTĐB để xem nhóm hàng nào áp dụng ngay từ 2026 và nhóm hàng nào lùi sang năm 2027 để vừa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, vừa tránh cú "sốc" với doanh nghiệp.
Trước lo ngại của người dân, doanh nghiệp về việc các sản phẩm nước trái cây tự nhiên như nước dừa có thể bị đánh đồng vào đối tượng chịu thuế TTĐB, Bộ trưởng Thắng cho biết hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã có khái niệm rõ ràng về nước giải khát có đường.
Theo khái niệm này, sữa, sản phẩm từ sữa; thực phẩm dạng lỏng; nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai; nước rau quả nguyên chất; sản phẩm từ cacao... sẽ không thuộc diện chịu thuế TTĐB. Do đó, nước dừa sẽ không thuộc diện chịu thuế TTĐB theo quy định này.
Giải trình mục đích đánh thuế với điều hòa nhiệt độ công suất 18.000-90.000 BTU, Bộ trưởng Tài chính cho biết ngoài mục tiêu tiết kiệm năng lượng còn liên quan tới chất làm lạnh có thể gây hại môi trường và tầng ozone.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo và thẩm tra cũng tiếp thu ý kiến của các đại biểu về việc nâng công suất chịu thuế lên 30.000-90.000 BTU.
Tương tự, với đề xuất đánh thuế TTĐB với túi ni lông và sản phẩm nhựa, Bộ trưởng Thắng nói sẽ tiếp thu và rà soát. Ông cho biết thêm sản phẩm này đang chịu thuế bảo vệ môi trường ở mức kịch khung là 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để xem có cần dùng các chế tài khác về thuế để hạn chế sản xuất, tiêu dùng sản phẩm này hay không.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
Hoặc