Có 1,4 tỷ đồng bồi thường, người phụ nữ mang đi gửi tiết kiệm, 5 năm sau đến rút thì được thông báo: Không có quyền nhận số tiền này

Admin

16/05/2025 16:12

Không thể lấy được tiền tiết kiệm, cụ bà này kiện ngân hàng nhưng đã bị xử thua.

Theo 163, bà Điền (Trung Quốc), 70 tuổi, sống một mình sau khi chồng và con trai qua đời. Gần đây, do gặp vấn đề sức khỏe, bà quyết định rút 500.000 NDT từ sổ tiết kiệm để chi trả viện phí. Với hy vọng giải quyết nhanh chóng, bà mang sổ tiết kiệm đến ngân hàng. Tuy nhiên, nhân viên giao dịch từ chối yêu cầu của bà với lý do: “Số tiền này không phải của bà, nên bà không có quyền rút”.

Có 1,4 tỷ đồng bồi thường, người phụ nữ mang đi gửi tiết kiệm, 5 năm sau đến rút thì được thông báo: Không có quyền nhận số tiền này- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ do AI tạo

Bà Điền sửng sốt và lo lắng. Bà nhiều lần khẳng định đây là số tiền tiết kiệm cả đời của bà và chồng. “Đây là tiền của vợ chồng tôi, tại sao tôi không rút được?” bà hỏi, nhưng nhân viên chỉ lặp lại câu trả lời lạnh lùng mà không giải thích thêm.

Không chấp nhận sự thật, ngày nào, bà Điền cũng đến ngân hàng để tìm cách giải quyết, nhưng chỉ nhận được câu trả lời tương tự. 

Chia sẻ với 163, cụ bà này cho biết số tiền trong sổ tiết kiệm là cả một câu chuyện buồn. 100.000 NDT là khoản tiết kiệm mà bà và chồng tích góp từng chút một; 400.000 NDT (khoảng 1,4 tỷ đồng) còn lại là tiền bồi thường từ sự ra đi của con trai, người qua đời sau tai nạn xe hơi khi đi làm xa nhà. 

Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau, chồng bà cũng qua đời vì bệnh nặng, để lại bà Điền một mình. Người phụ nữ cho biết số tiền ấy không chỉ là tài sản, mà còn là sự đảm bảo cuối cùng để bà tiếp tục sống.

Tuy nhiên, sau 5 năm gửi, giờ đây khi cần dùng đến tiền để chữa bệnh, bà lại không thể rút được.

Không còn cách nào khác, bà Điền quyết định kiện ngân hàng, yêu cầu được rút số tiền thuộc về mình. Tòa án nhanh chóng vào cuộc, tiến hành điều tra và phát hiện nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.

Hóa ra, sổ tiết kiệm được đăng ký dưới tên chồng bà Điền. Sau khi con trai qua đời, tiền bồi thường được chuyển vào tài khoản này, và hai vợ chồng tiếp tục dùng nó để tiết kiệm. Khi chồng bà bệnh nặng, bà chỉ tập trung chăm sóc ông mà không đổi tên tài khoản. Sau khi ông qua đời, số tiền trở thành tài sản thừa kế. Theo quy định, bà Điền cần công chứng thừa kế tại văn phòng công chứng và mang giấy tờ liên quan đến ngân hàng để rút tiền.

Tuy nhiên, khi đến văn phòng công chứng, bà được thông báo phải trả phí 6.000 NDT (khoảng 21 triệu đồng) để hoàn tất thủ tục. Với một người không còn khả năng lao động cũng không có lương hưu, bà Điền cảm thấy bất công: “Số tiền này là do tôi và chồng đã tiết kiệm được. Thật là vô lý khi phải trả một khoản phí công chứng lớn như vậy.” Cảm thấy không nên tiêu số tiền này, bà Điền lại đến ngân hàng nhưng ngân hàng khăng khăng yêu cầu bà phải công chứng giấy tờ thừa kế thì mới được rút tiền.

Từ góc nhìn của bà Điền, số tiền là tài sản chung của bà và chồng, nên việc rút tiền là quyền hợp lý mà không cần trả thêm phí công chứng. Nhưng với ngân hàng, quy định rút tiền, đặc biệt với khoản tiền lớn, đòi hỏi thủ tục nghiêm ngặt. Tài khoản đứng tên chồng bà đã qua đời, nên ngân hàng chỉ có thể xử lý khi có đầy đủ giấy tờ pháp lý.

Mặc dù quy trình này phức tạp và gây khó khăn cho bà Điền, song toà án khẳng định nó được thiết lập để bảo vệ tài sản khách hàng. Nhiều quy định tương tự ra đời sau các vụ tranh chấp lớn, nhằm ngăn ngừa rủi ro trong tương lai. 

Sau khi xem xét, tòa án phán quyết bà Điền thua kiện, khẳng định tính hợp lý của quy trình ngân hàng.

Không còn cách nào khác, cuối cùng, bà Điền chấp nhận trả phí công chứng 6.000 NDT để lấy giấy chứng nhận thừa kế. Với giấy tờ hợp lệ, ngân hàng đã trả lại toàn bộ 500.000 NDT cùng khoản lãi tương ứng cho bà. 

Theo 163