Bối cảnh đặc biệt
Ông Võ Hoàn Hải, Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa chia sẻ, địa phương tổ chức chấm thi từ ngày 28/6. Các khâu thực hiện theo đúng yêu cầu của quy chế. Từ ngày 1/7, Ninh Thuận sáp nhập với Khánh Hòa, ông Hải cho biết, khi đó Ban chỉ đạo chấm thi thay đổi, các ban chấm thi của Khánh Hòa, hay Ninh Thuận vẫn giữ nguyên như trước sáp nhập.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cũng cho biết, Sở đã triển khai chấm sau khi kết thúc kì thi. Từ hôm nay, Ban chỉ đạo chấm thi là Sở GD&ĐT Ninh Bình (tỉnh Nam Định, Hà Nam sáp nhập vào Ninh Bình). Tuy vậy, công tác chấm thi vẫn diễn ra bình thường theo quy chế.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2025 Ảnh: DUY PHẠM
Theo quy chế, cán bộ chấm thi tuyệt đối không được mang các phương tiện thu phát thông tin, sao chép tài liệu, giấy tờ riêng, bút xóa, bút chì và các loại bút không nằm trong quy định của ban chấm thi khi vào và ra khỏi khu vực chấm thi.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, sau kì thi tốt nghiệp THPT, một số lãnh đạo sở GD&ĐT của tỉnh sáp nhập chuyển vị trí công tác. Sự thay đổi này được khẳng định không ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả chấm thi nhưng vẫn khiến dư luận lo lắng, băn khoăn. Bởi thực tế, trách nhiệm giữ vững kỉ cương, kỉ luật, ổn định tâm thế, không gian lận thi cử đặt lên vai những giám thị, những người vốn ít trách nhiệm nhất trong hệ sinh thái chấm thi.
GS.TS Huỳnh Văn Chương , Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho hay, Bộ đã thành lập các đoàn kiểm tra từ Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và cử cán bộ đến giám sát trực tiếp tại tất cả các hội đồng thi trên cả nước. Các nội dung được kiểm tra, giám sát bao gồm: chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả, xử lí phúc khảo, xét công nhận tốt nghiệp và phục vụ tuyển sinh đại học. Ông Chương khẳng định, các đoàn công tác sẽ bám sát quá trình chấm thi, nhằm bảo đảm sự công bằng, khách quan và tránh xảy ra sai sót trong bất kì khâu nào.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về lo lắng chuyện sáp nhập địa giới hành chính có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chấm thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, Bộ GD&ĐT đã lường trước sẽ có những tâm tư nên các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ để địa phương lưu ý. Về nghiệp vụ, theo quy chế, năm nay, ở từng buổi chấm thi, Bộ yêu cầu phải có tổng hợp ngay để kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường (như điểm cao nhiều, điểm thấp nhiều,...).
Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc quy trình chấm thi theo đúng quy chế, đặc biệt chấm bài thi tự luận, trắc nghiệm và công tác phúc khảo. Về việc sáp nhập địa giới hành chính, ông Chương thông tin, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để chủ động phương án triển khai.
Quy trình chấm thi như thế nào?
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, khi các địa phương bắt đầu chấm thi, Bộ công bố đề thi, đáp án tất cả các môn. Thời điểm hiện tại, ban làm phách đang hoạt động, chấm thi sẽ bắt đầu trong tuần này. Bài thi tự luận Ngữ văn chấm thi theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD&ĐT với thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Mỗi bài thi được chấm hai vòng độc lập bởi hai cán bộ chấm thi của hai tổ chấm thi khác nhau. Sau hai lần chấm, nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm) trên 1,5 điểm thì sẽ phải chấm thi lần thứ ba trực tiếp vào bài của thí sinh để thống nhất mức điểm.
Khi hoàn tất chấm điểm, tổ nhập điểm thực hiện nhập điểm bài thi tự luận theo hai vòng độc lập, mỗi vòng do một nhóm khác nhau thực hiện trên phần mềm Hỗ trợ chấm thi. Sau đó, sẽ thực hiện hồi phách, tức ghép điểm bài thi vào thông tin thí sinh. Công tác này được thực hiện bằng phần mềm, tuy nhiên, có khoảng ít nhất 20% bài thi ngẫu nhiên được thực hiện hồi phách thủ công bằng tay. Và tổ chấm kiểm tra thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận đã được chấm trước đó.
Với bài thi trắc nghiệm, tất cả bài làm của thí sinh (phiếu trả lời trắc nghiệm) đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD&ĐT cung cấp, kể từ khi quét ảnh đến khi có kết quả của từng thí sinh. Trong quá trình đó, Tổ chấm thi thực hiện kiểm dò thông tin và sửa lỗi thông tin của thí sinh (số báo danh, mã đề thi…). Đồng thời, kiểm tra và sửa lỗi phần làm bài của thí sinh, cụ thể là sửa lỗi đáp án các câu phần mềm không nhận diện được lựa chọn của thí sinh. Việc sửa lỗi này phải được in biên bản và được những người liên quan kí xác nhận.
Sau khi quét phiếu hoàn tất, Tổ chấm trắc nghiệm nạp dữ liệu đáp án chấm thi trắc nghiệm vào phần mềm chấm thi trắc nghiệm và thực hiện chức năng chấm điểm trên phần mềm, xuất kết quả ra hai đĩa CD. Khi hoàn tất công tác chấm thi, dữ liệu điểm sẽ được lưu vào hai đĩa CD để gửi về Bộ GD&ĐT và lưu giữ ở Hội đồng thi để thực hiện nhập điểm và đối sánh, hoàn tất mới công bố kết quả điểm thi.
Hoặc