Khu rừng nguyên sinh Pơ Mu trên đỉnh Zi’liêng được ví như “Vương quốc Pơ Mu” của Việt Nam. Nơi đây lưu giữ quần thể hàng nghìn cây cổ thụ, có cá thể được xác định tuổi đời lên đến gần 2.000 năm.
Khu rừng Pơ Mu nằm trên đỉnh núi Zi’liêng, ở độ cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển, thuộc địa phận xã Hùng Sơn (sáp nhập từ hai xã Tr’hy và A Xan cũ), thành phố Đà Nẵng. Đây là nơi sinh trưởng của hơn 1.200 cây Pơ Mu cổ thụ, trong đó có 725 cây có đường kính thân từ 1,5 m trở lên đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào năm 2015.
Đặc biệt, các chuyên gia đã xác định một số cây có tuổi đời lên đến gần 2.000 năm, cao trên 40 m, đường kính hơn 3m.
Cây lớn nhất có tên “Mẹ Pơ Mu” (do người Cơ Tu đặt), gốc cây phủ đầy rêu xanh, vỏ dày, dáng đứng thẳng vươn lên trời, tạo nên cảnh tượng hùng vĩ và linh thiêng giữa rừng sâu.

Cây Pơ Mu trong quần thể 725 cây được công nhận Cây di sản (ảnh nguồn: Internet).
Giá trị sinh thái và đa dạng sinh học vượt trội
Không chỉ là “bảo tàng sống” của loài cây quý hiếm, rừng Pơ Mu còn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái vùng Trường Sơn. Với bộ rễ ăn sâu vào sườn núi, cây giúp giữ đất, chống xói mòn và duy trì độ ẩm cho đất rừng. Tán lá dày góp phần hút sương mù, điều hòa khí hậu, bổ sung nguồn nước tự nhiên cho hệ sinh thái núi cao quanh năm mát mẻ.
Khu rừng Pơ Mu cũng là nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như khỉ, cầy, sóc bay, chim rừng và nhiều loại côn trùng. Các hốc cây và lớp vỏ dày tạo điều kiện lý tưởng cho sinh vật nhỏ sinh sống, làm tăng độ đa dạng sinh học của khu vực.
Loài cây sống hàng thiên niên kỷ
Theo các nhà thực vật học, Pơ Mu (Fokienia hodginsii) thuộc họ Thông (Cupressaceae), là cây gỗ quý hiếm có tuổi thọ rất cao nhờ đặc điểm sinh học đặc biệt: gỗ giàu tinh dầu thơm, có khả năng kháng khuẩn và mối mọt tự nhiên; thân cây chắc, vỏ dày, sinh trưởng chậm nhưng ổn định. Những yếu tố này giúp Pơ Mu duy trì cấu trúc bền vững qua hàng thế kỷ.
Loài cây này thường mọc ở vùng núi cao từ 1.000–2.000 m, nơi có khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao và đất rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn. Chính môi trường sống lý tưởng, kết hợp với gen di truyền tiến hóa lâu đời, đã giúp Pơ Mu trở thành loài cây sống lâu bậc nhất trong các loài thực vật bản địa.
Tại Việt Nam, Pơ Mu được xếp vào nhóm nguy cấp (VU) trong Sách đỏ Việt Nam từ năm 1996 và thuộc danh mục CITES IIA, cấm khai thác và buôn bán quốc tế.
Bảo vệ di sản rừng gắn với văn hóa bản địa
Với người dân tộc Cơ Tu sinh sống quanh khu rừng, Pơ Mu không chỉ là cây rừng mà còn mang ý nghĩa linh thiêng. Họ gọi cây là “của trời”, tin rằng đây là nơi trú ngụ của thần linh. Trong nhiều thế hệ, người dân không đụng chạm đến Pơ Mu – nhờ đó, rừng được bảo tồn gần như nguyên vẹn.
Sau khi các cây được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, huyện Tây Giang cũ (này là xã Hùng Sơn) đã đầu tư xây dựng các căn nhà truyền thống (gươl) ngay trong lõi rừng, mở ra hướng đi mới cho du lịch sinh thái gắn với bảo tồn.
Nhiều cây trong rừng được người dân đặt tên theo hình dáng độc đáo như “Chùa Cầu”, “Ngũ Hổ”, “Cặp tình nhân”,... tạo thành điểm nhấn cho hành trình khám phá.
Chính quyền địa phương hy vọng, với danh hiệu Cây Di sản, "Vương quốc Pơ Mu" sẽ không chỉ là biểu tượng thiên nhiên kỳ vĩ của vùng cao Đà Nẵng mà còn là mô hình tiêu biểu của bảo tồn rừng gắn với phát triển cộng đồng và văn hóa bản địa.
Hoặc