Mã Siêu đầu hàng Lưu Bị
Cuối thời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, khắp nơi cát cứ, quần hùng nổi dậy. Giữa thời loạn lạc này, vô số anh hùng xuất hiện, tạo nên con đường riêng cho mình và cuối cùng được ghi danh sử sách.
Nhiều vị tướng thời Tam Quốc nổi danh phần lớn là nhờ phò tá những người có tầm nhìn xa trông rộng và tài lãnh đạo. Ví dụ như Hoàng Trung, Trương Liêu, sau khi đầu hàng đã theo phò tá minh chủ có tầm nhìn chiến lược, được trọng dụng và cuối cùng lập nên những chiến công hiển hách.

Mã Siêu là một vị tướng từng có nhiều chiến công lừng lẫy nhưng lại dần phai mờ sau khi về dưới trướng quân chủ. (Ảnh: Sohu)
Tuy nhiên, có một nhân vật từng có nhiều chiến công lừng lẫy nhưng lại dần phai mờ sau khi về dưới trướng quân chủ. Đó chính là Mã Siêu. Ông ta từng vang danh thiên hạ, nhưng sau khi đầu hàng Lưu Bị lại ngày càng đi xuống.
Mã Siêu là hậu duệ của Phục Ba tướng quân Mã Viện, còn trẻ đã kế thừa binh quyền của cha. Sau khi Mã Siêu tiếp quản binh quyền, Bàng Đức luôn trung thành phò tá. Khi ấy, Tào Tháo tấn công Hán Trung, đi qua vùng Lương Châu do Mã Siêu quản lý, Mã Siêu liền liên kết với Hàn Toại chống lại Tào Tháo. Mặc dù kháng cự được một thời gian, nhưng cuối cùng họ vẫn bại trận.
Sau khi thua trận, Mã Siêu phải đầu hàng Trương Lỗ ở Hán Trung. Trương Lỗ rất trọng dụng ông, thậm chí còn muốn phong quan tiến tước cho Mã Siêu và gả con gái cho ông. Tuy nhiên, Mã Siêu cho rằng Trương Lỗ không có khả năng thống nhất thiên hạ, cũng không đủ năng lực để trở thành một vị minh chủ vĩ đại nên không có ý định lâu dài phò tá.

Mã Siêu quyết định rời bỏ Trương Lỗ và gặp Lưu Bị trên đường và cuối cùng ông trở thành thuộc hạ của Lưu Bị. (Ảnh: Sohu)
Trương Lỗ sau đó thay đổi thái độ không trọng dụng nữa, Mã Siêu thậm chí còn bị đồng liêu ganh ghét. Các thuộc hạ của Trương Lỗ như Dương Bạch từng có ý định hãm hại ông. Cuối cùng, Mã Siêu quyết định rời bỏ Trương Lỗ và gặp Lưu Bị trên đường. Lưu Bị đã thuyết phục Mã Siêu đầu hàng và cuối cùng ông trở thành thuộc hạ của Lưu Bị.
Vị tướng thà chết không đầu hàng Lưu Bị
Tuy nhiên, điều đáng nói là Bàng Đức, một vị tướng trung thành, đã không đi theo Mã Siêu đầu hàng Lưu Bị. Bàng Đức từ đầu đến cuối một lòng trung thành với Mã Siêu. Nhưng khi chứng kiến Mã Siêu đầu hàng nhưng Bàng Đức thà chết không chịu khuất phục, vì sao lại như vậy? Theo Sohu, câu trả lời có lẽ nằm ở những lời Bàng Đức nói với Quan Vũ trước lúc lâm chung.
Bàng Đức vốn không phải là nhân vật nổi bật trong lịch sử Tam Quốc, nhưng sau khi đầu hàng Ngụy, ông theo phò tá Tào Tháo, cuối cùng đã thể hiện được tài năng, nổi danh nhờ trận chiến sinh tử với Quan Vũ, lập nên chiến công hiển hách, khiến hậu thế phải kính phục.
Sau khi trở thành tướng đầu hàng, cuộc sống của Bàng Đức không hề dễ dàng. Ông thường xuyên bị nghi kỵ trong hàng ngũ của Tào Tháo. Mặc dù vậy, Bàng Đức vẫn giữ vững khí tiết và lòng trung thành kiên định. Trong trận Tương Phàn, Bàng Đức đã chủ động xin ra trận và nói với Tào Tháo: "Trận này tôi đi, nếu không phải tôi giết Quan Vũ thì chính là Quan Vũ giết tôi!". Bàng Đức biết rõ Tào Tháo luôn nghi ngờ mình, nhưng ông không biện minh, quyết tâm dùng trận chiến này để chứng minh lòng trung thành của mình với Tào Tháo, sẵn sàng xả thân vì nước, giữ vững khí tiết. Cuối cùng, trong trận Tương Phàn, Bàng Đức dũng mãnh nghênh chiến Quan Vũ, không màng sống chết.

Bàng Đức từ đầu đến cuối một lòng trung thành với Mã Siêu. (Ảnh: Sohu)
Bàng Đức thể hiện rất xuất sắc trên chiến trường. Cách đánh liều lĩnh của ông khiến Quan Vũ chịu áp lực rất lớn, thậm chí còn bị trúng tên vào trán, suýt mất mạng. Bàng Đức cưỡi bạch mã, oai phong lẫm liệt, được binh sĩ gọi là "Bạch Mã tướng quân", khiến quân địch khiếp sợ. Tuy nhiên, trong trận chiến này, mặc dù Bàng Đức có lúc chiếm ưu thế, nhưng thiên thời địa lợi lại nghiêng về phía Quan Vũ. Trời mưa liên miên khiến nước sông Hán dâng cao, Quan Vũ liền lợi dụng dòng nước lũ để tấn công, cuối cùng đánh bại Bàng Đức. Quân đội của Bàng Đức bị mắc kẹt trong nước lũ, hết lương thực, và Bàng Đức bị Quan Vũ bắt sống.
Ngay cả khi bị bắt, Bàng Đức vẫn hiên ngang đứng thẳng, không chịu quỳ lạy. Quan Vũ thấy Bàng Đức kiên quyết như vậy, trong lòng nảy sinh sự kính trọng, bèn đích thân đến khuyên Bàng Đức đầu hàng: "Ngươi từng là đại tướng dưới trướng Mã Siêu, nay Mã Siêu cũng đã quy thuận Lưu Bị, tại sao ngươi không chịu hàng? Nể tình huynh trưởng của ngươi và Mã Siêu, hãy đầu hàng đi, chủ công sẽ không bạc đãi ngươi đâu".
Thế nhưng, Bàng Đức không hề khuất phục, ông giận dữ phản bác: "Tiểu tử, ngươi nói gì vậy! Ngụy vương trăm vạn hùng binh, uy chấn thiên hạ. Lưu Bị ngươi chỉ là kẻ tầm thường, làm sao có thể địch nổi! Ta thà làm quỷ nước nhà, chứ không làm tướng cướp!". Lời nói của Bàng Đức rõ ràng là đang chỉ trích sự phản bội của Mã Siêu, đồng thời bày tỏ sự khinh thường đối với Lưu Bị. Điều khiến Bàng Đức phẫn nộ là Mã Siêu phản bội cha mình, đầu hàng Tào Tháo rồi lại theo Lưu Bị, mà Lưu Bị vẫn trọng dụng kẻ bất trung bất hiếu như vậy. Trong mắt Bàng Đức, Lưu Bị không biết nhìn người, trọng dụng Mã Siêu thật sự là sai lầm.

Bàng Đức là một vị tướng trung thành, đã không đi theo Mã Siêu đầu hàng Lưu Bị. (Ảnh: Sohu)
Sự phẫn nộ và việc Bàng Đức từ chối đầu hàng xuất phát từ sự bất mãn sâu sắc của ông đối với những lần phản bội của Mã Siêu. Ông tin chắc rằng, nếu mình đầu hàng Lưu Bị, không chỉ bị Mã Siêu khinh thường mà còn trở thành đối tượng bị nghi ngờ trong quân Lưu Bị. Trong ván cờ lịch sử này, Bàng Đức đã chọn giữ vững lòng trung thành và khí tiết, thay vì đầu hàng. Ông dùng điều này để chứng minh mình không bị danh lợi cám dỗ, cuối cùng dù chết dưới tay Quan Vũ cũng không cúi đầu.
Tất cả những điều này chứng minh vị trí đặc biệt của Bàng Đức trong lịch sử. Lòng trung thành và sự dũng cảm của ông, dù ở trong hoàn cảnh nào, cũng không hề lay chuyển. Cái chết của ông đã trở thành một ký ức không thể phai mờ trong lịch sử Tam Quốc, khiến hậu thế phải kính phục khí phách anh hùng của Bàng Đức.
Tổng hợp
Hoặc