Khi năm học dần khép lại, cộng đồng học sinh và giáo viên tại Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Hà Nội) đã nhận được một tin vui đặc biệt: Đậu Trần Cao Minh, học sinh lớp 12 chuyên Hóa, chính thức nhận được học bổng từ 14 trường đại học tại Hoa Kỳ, trong đó có 10 trường thuộc top 50 của hệ thống Liberal Arts Colleges (LAC) và National Universities (NU).
Trong đó, Bucknell University – ngôi trường xếp hạng 31 theo U.S. News & World Report – trao cho em học bổng danh giá nhất, trị giá lên đến 6,7 tỷ đồng/năm.
Thành tích này không đến từ may mắn. Nó là kết tinh của một hành trình bền bỉ và đầy bản lĩnh – nơi một học sinh lớp 12 không chỉ học giỏi, mà còn tỏa sáng như một nhà hoạt động xã hội trẻ đầy trách nhiệm và đam mê cống hiến.

Nam sinh Đậu Trần Cao Minh
Thành tích học tập và hoạt động xã hội đáng nể của nam sinh 17 tuổi
Ngay từ năm lớp 10, Minh đã xác định rõ ràng mục tiêu đi du học và không ngừng trau dồi năng lực để vươn ra thế giới. Ở trên lớp, em học tập chăm chỉ, đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Hết giờ học, em lại say mê với những hoạt động cộng đồng và để lại nhiều dấu ấn ở độ tuổi 17.
Một số thành tích đáng nể của Minh:
GPA lớp 11 đạt 9.5; IELTS 7.0
Huy chương Đồng Olympic STEM Quốc tế 2024 (iSTEM)
Giải Nhì đồng đội Olympic Khoa học và Toán học châu Á 2023 (ASMOPSS) – tổ chức tại Indonesia
Huy chương Vàng tại AI-JAM US 2023 với đề tài: Chế tạo vật liệu Fe₂O₃ ứng dụng trong điều trị tăng thân nhiệt (hyperthermia)
Minh còn tham gia thực tập tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ Nano – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ tháng 6/2024. Tại đây, Minh được tiếp cận quy trình tổng hợp vật liệu tiên tiến bằng phương pháp sol-gel, học và vận dụng các kỹ thuật phân tích chuyên sâu như XRD, UV-Vis, SEM để nghiên cứu titanium dioxide pha tạp cobalt. Em đã chủ động đọc và tóm tắt hơn 120 bài báo khoa học với sự hỗ trợ của phần mềm EndNote, và có khả năng viết báo cáo nghiên cứu bằng tiếng Anh – một năng lực vượt trội ở độ tuổi của em.
Minh cũng tham gia đồng biên soạn cuốn sách: "Tuyển tập các bài Vật lý nâng cao dành cho Trung học phổ thông" – 231 trang, phát hành bởi Nhà xuất bản Đại học Bách khoa Hà Nội, ISBN: 978-604-488-750-0, cùng các tác giả giàu kinh nghiệm trong ngành giáo dục.
Với những hoạt động cộng đồng, Minh là: Chủ tịch và người sáng lập STEM for Children – chương trình giáo dục thực hành khoa học, tổ chức lớp học tương tác cho hơn 2.000 học sinh trong 2 năm; Người sáng lập English Propagandized for Children – cộng đồng học tiếng Anh online với hơn 500 học sinh nhỏ tuổi trên toàn quốc; Trưởng phòng Nhân sự tại SPOFY – tổ chức truyền bá khoa học dành cho thanh thiếu niên, hợp tác với Đại học ANU triển khai chương trình STEM quốc tế tại Việt Nam

Minh từng là nam sinh tự ti với chất giọng địa phương của mình
Từ mặc cảm giọng địa phương nặng đến "tiếng nói" toả sáng trong bài luận du học
Cao Minh sinh ra và lớn ở Nghệ An, tại một vùng quê với giọng nói địa phương đậm đặc. Thời mới lên Hà Nội học tập, Minh rất tự ti vì giọng nói của mình. Nhưng chính giọng quê – điều từng khiến em lặng im – lại trở thành chất liệu chính trong bài luận du học lay động 14 trường đại học của Mỹ
Minh viết về hành trình tìm kiếm và chấp nhận tiếng nói của bản thân – cả nghĩa đen và nghĩa bóng, từ tự ti đến hãnh diện vì chất giọng quê hương. Trên chặng đường đó, có 2 yếu tố "đồng hành" cùng em.
Trên Minh có một người anh trai học rất giỏi, tên Nhất Long. Long là học sinh chuyên Tin, từng giành được học bổng trị giá 4 tỷ đồng tại trường Đại học Texas Christian. Ngoài ra, cậu còn có học bổng tại 5 trường Đại học khác, gồm: Michigan State University, Knox College, Union College, DePauw University, Denison University.
Có anh trai tài giỏi khiến Minh gặp áp lực không nhỏ. Khác với định hướng của gia đình, cũng như hướng đi của anh trai, Minh quyết định học chuyên ngành Hóa học - một môn em thật sự yêu thích và có thế mạnh.
"Lúc đó em cảm thấy mình đã tự vẽ ra một con đường riêng để đi chứ không phải phụ thuộc vào ai", Minh tâm sự. Từ đó, em như đắm chìm trong thế giới của các nguyên tố. Minh may mắn khi tìm được những người bạn có chung sở thích với môn Hoá.
Mỗi lần học nhóm, em cảm thấy được kết nối, được trò chuyện,... Chính điều đó khiến nam sinh dần tự tin, mạnh dạn hơn.
Cao Minh cũng tìm được tiếng nói qua âm nhạc, cụ thể là rap."Em bắt đầu nghe từ anh trai, rồi tự viết lời, rap để thể hiện suy nghĩ của mình. Dần dần, em không còn sợ sân khấu, không còn ngại giọng quê nữa", nam sinh nhớ lại.
Tất cả những trải nghiệm ấy, được Minh gói gọn lại trong bài luận gửi các trường đại học của Mỹ. Cậu thiếu niên viết: "My accent, once a barrier, no longer makes me an outsider. It is, in fact, something unique, something that truly draws people closer—a signature representing where I came from". (Tạm dịch: Giọng của tôi, từng là rào cản, giờ không còn khiến tôi trở thành người ngoài cuộc nữa. Trên thực tế, đó là một điều gì đó độc đáo, một điều thực sự thu hút mọi người lại gần nhau hơn—một chữ ký đại diện cho nơi tôi đến).
Nhìn lại bài luận du học của mình, Minh cho rằng, những gì viết ra nên thể hiện rõ mình là ai, mình đã vượt qua điều gì và giá trị mà mình sẽ mang đến nếu được nhận học.

Học giỏi nhưng Minh không phải "mọt sách"
Muốn giỏi STEM: Đừng sợ SAI và ĐỪNG học một mình
Nhìn những huy chương, giải thưởng mà Minh giành được ở các sân chơi STEM quốc tế, nhiều người tò mò muốn biết bí quyết học tập của em là gì.
Nam sinh bật mí, nhưng không nói về trí thông minh mà nhấn mạnh đến sự tò mò và kiên trì. Theo Minh, để học tốt STEM, không cần phải giỏi ngay từ đầu. Quan trọng là phải tò mò – muốn tìm hiểu vì sao mọi thứ hoạt động như vậy.
Với Minh, sai lầm chính là cách học tốt nhất: "Mỗi khi sai, em học được nhiều hơn". Để việc học thật hứng thú, Minh thường kết nối kiến thức STEM với đời sống thực tế. Và đặc biệt, Minh không học một mình!
"Hãy tìm nhóm bạn cùng chí hướng, cùng học, cùng thảo luận. Một góc nhìn khác có thể giúp bạn nhận ra những điều mà một mình không thấy được", nam sinh Nghệ An đưa ra lời khuyên.
Học giỏi nhưng Minh không phải "mọt sách", minh chứng rõ nhất là những hoạt động ngoại khóa nổi trội đã nêu ở trên của nam sinh này.
"Em luôn lựa chọn những hoạt động có ý nghĩa thực sự với bản thân. Khi học Hóa hay làm thiện nguyện, em không thấy đó là gánh nặng, mà là cơ hội để học hỏi và trưởng thành", Minh chia sẻ.
Minh áp dụng cách quản lý thời gian cụ thể: lên kế hoạch theo tuần, chia nhỏ đầu việc, và quan trọng hơn cả là chấp nhận không thể làm mọi thứ một cách hoàn hảo. Nam sinh nhấn mạnh: "Em học cách ưu tiên theo từng giai đoạn, và quan trọng là không bao giờ làm điều gì chỉ vì ‘cần cho hồ sơ’ – mà luôn xuất phát từ việc em thực sự muốn làm điều đó".
Ước mơ phía trước: Kết hợp khoa học và phục vụ cộng đồng
Dù chưa tốt nghiệp THPT, Minh đã xác định rõ ràng con đường tương lai, đó là theo học ngành kỹ sư Hóa học, trở thành một nhà nghiên cứu hoặc giảng viên trong lĩnh vực này. Đam mê Hóa học của Minh không chỉ đến từ sách vở, mà được nuôi dưỡng qua các hoạt động ngoại khóa thực tế và các trải nghiệm học tập tại đại học.
"Em mong muốn có thể lan tỏa niềm đam mê khoa học tới nhiều người hơn, đặc biệt là các bạn học sinh vùng sâu vùng xa, nơi các em ít có điều kiện tiếp cận với tri thức. Khoa học không nên là đặc quyền, mà phải là điều ai cũng có thể chạm tới", Minh cho hay.
Hoặc