Thiên tài vật lý 17 tuổi được tung hô hết mực, 13 năm sau trắng tay: Ai là người có lỗi?

Admin

22/05/2025 12:02

Bi kịch đau lòng của một thiên tài trẻ tuổi.

Trong xã hội hiện đại, mấy chuyện "thần đồng" không còn hiếm: mới vài tuổi đã đọc sách vanh vách, giải toán siêu khó hay đàn piano như nghệ sĩ. Truyền thông thì không tiếc lời tung hô, người lớn trầm trồ, bố mẹ đặt bao kỳ vọng. Nhưng ít ai để ý, đằng sau ánh đèn sân khấu lấp lánh ấy, đôi khi là một góc khuất buồn tênh, khi tài năng trở thành áp lực, và những giấc mơ rực rỡ bị mài mòn bởi chính tình yêu thương... quá mức.

Một trong những ví dụ rõ nét và đau lòng nhất cho bi kịch ấy chính là Ngụy Vĩnh Khang – thần đồng vật lý từng khiến cả Trung Quốc ngỡ ngàng khi vào đại học năm 13 tuổi và được nhận vào Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc lúc mới 17. Nhưng cuộc đời cậu lại không đi hết con đường vinh quang. Tài năng của cậu, thay vì chắp cánh, lại bị bó buộc bởi kỳ vọng quá lớn và tình thương mang màu sắc kiểm soát, để rồi biến thành một hành trình lạc lối không lối ra.

Thiên tài vật lý 17 tuổi được tung hô hết mực, 13 năm sau trắng tay: Ai là người có lỗi?- Ảnh 1.

Bi kịch đau lòng của thần đồng vật lý.

Ngụy Vĩnh Khang sinh năm 1983 tại huyện Hoa Dung, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Gia đình cậu thuộc diện khó khăn: cha là cựu chiến binh bị liệt sau chiến tranh, mẹ làm công nhân tại một cửa hàng bách hóa. Trong hoàn cảnh ấy, bà mẹ đặt hết hy vọng vào con trai mình, không chỉ là kỳ vọng đổi đời, mà còn là khát khao vươn lên khỏi số phận.

Từ khi mới vài tháng tuổi, Ngụy Vĩnh Khang đã được mẹ ru ngủ bằng thơ Đường thay vì những bài hát thiếu nhi thông thường. Dù chưa biết nói, cậu bé lại tỏ ra nhạy bén bất ngờ với ngôn ngữ và ghi nhớ rất nhanh. Đến hai tuổi, Vĩnh Khang đã thuộc hơn 1.000 chữ Hán và đến năm 4 tuổi, cậu đã học xong chương trình trung học cơ sở, điều khiến không chỉ gia đình mà cả vùng quê xôn xao.

Năm 8 tuổi, Ngụy Vĩnh Khang chính thức bước vào một trường THCS trọng điểm. 13 tuổi, cậu gây chấn động cả nước khi thi đỗ vào ngành Vật lý của Đại học Tương Đàm. Chưa dừng lại ở đó, năm 17 tuổi, Ngụy Vĩnh Khang được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Vật lý năng lượng cao, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Báo chí gọi cậu là "thần đồng vật lý", học sinh cả nước xem cậu là hình mẫu.

Mọi thứ tưởng như quá hoàn hảo cho một cuộc đời hiển hách. Nhưng không ai ngờ rằng, thời điểm ấy cũng chính là khởi đầu cho cú trượt dài của một thiên tài.

Thiên tài vật lý 17 tuổi được tung hô hết mực, 13 năm sau trắng tay: Ai là người có lỗi?- Ảnh 2.

Mọi thứ tưởng chừng như quá hoàn hảo, nhưng lại là khởi đầu cho cú trượt dài của một thiên tài.

Ngụy Vĩnh Khang từ nhỏ đã không phải làm gì ngoài việc học. Từ việc ăn mặc, giặt giũ, đến sinh hoạt hàng ngày đều do mẹ cậu quán xuyến. Người mẹ đã yêu thương con bằng tất cả sự hy sinh, nhưng cũng vô tình tước đi khả năng tự lập của đứa trẻ. Ngụy Vĩnh Khang lớn lên trong vùng an toàn tuyệt đối, nơi chỉ có học tập, không có kỹ năng sống, không có tương tác xã hội.

Khi bắt đầu học nghiên cứu sinh và phải sống xa gia đình, những thiếu hụt ấy lộ rõ. Ngụy Vĩnh Khang không biết tự chăm sóc bản thân, sống bừa bộn, lười biếng, hay quên và thường xuyên đi học muộn. Khả năng giao tiếp xã hội gần như bằng không, khiến cậu bị cô lập trong môi trường học thuật vốn đề cao sự trao đổi.

Cuối cùng, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc buộc phải cho cậu nghỉ học, một quyết định gây sốc cho cả xã hội. Người từng là biểu tượng học tập bỗng trở thành đề tài mỉa mai. Từ thiên tài trở thành "đứa trẻ thất bại", từ hình mẫu trở thành minh chứng cho sai lầm giáo dục.

Cú sốc ấy kéo theo sự sụp đổ tinh thần của người mẹ. Bà từng tự hào bao nhiêu thì giờ lại tuyệt vọng bấy nhiêu. Trong một lần không kiềm chế được, bà buột miệng nói: "Con còn sống để làm gì nữa?" – câu nói như đinh đóng cột vào nỗi đau của một đứa trẻ chưa từng học cách đứng vững bằng đôi chân của mình.

Thiên tài vật lý 17 tuổi được tung hô hết mực, 13 năm sau trắng tay: Ai là người có lỗi?- Ảnh 3.

Người mẹ từng tự hào về cậu con trai bao nhiêu nay trở nên hoàn toàn tuyệt vọng.

Câu chuyện của Ngụy Vĩnh Khang là một hồi chuông cảnh tỉnh, không phải vì thiếu tình yêu thương, mà vì tình thương ấy đã đi sai hướng. Cha mẹ cậu không ghét bỏ con, ngược lại, họ đặt trọn niềm tin và kỳ vọng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: họ đã dồn mọi thứ vào một lối đi duy nhất mang tên "thành tích".

Ngụy Vĩnh Khang từng viết trong một bài chia sẻ rằng: "Tôi rời xa mẹ rồi, nhưng lại không biết cách sống như một con người bình thường". Một thiên tài trên giấy, nhưng là kẻ thất bại trong cuộc sống. Cậu không lười, không vô dụng, chỉ là chưa từng được dạy cách trưởng thành.

 Người mẹ vì quá yêu mà vô tình áp đặt? Xã hội khi cứ mãi tung hô "thần đồng"? Hay là nền giáo dục chỉ biết chăm chăm vào bảng điểm? Câu trả lời là: tất cả.

Giáo dục không thể chỉ dừng ở chuyện học giỏi. Mục tiêu cuối cùng không phải là tạo ra những cỗ máy đạt điểm tuyệt đối, mà là nuôi dưỡng những con người đủ bản lĩnh sống tốt, sống tử tế. Bố mẹ nào cũng muốn con mình giỏi giang, nhưng điều quan trọng hơn là con có được quyền vấp ngã, có cơ hội đứng lên và đi bằng chính đôi chân của mình. Thay vì chạy đua với trường điểm, thành tích, hãy để con trẻ học cách thất bại, tự lập và tự đứng dậy. Bởi vì, nếu không, những "thần đồng" hôm nay rất có thể sẽ trở thành bi kịch của ngày mai.

Theo Sohu