Tại Nhật Bản, hầu hết các em học sinh tiểu học đều có một chiếc balo đặc biệt mang tên randoseru. Ban đầu, loại balo này chỉ được thiết kế dành riêng cho học sinh nhỏ tuổi, nhưng với nhiều ưu điểm nổi bật về độ bền và thiết kế bảo vệ sức khỏe, ngày nay không ít người trưởng thành cũng lựa chọn sử dụng.
Chiếc balo có công dụng "đặc biệt"
Randoseru được thiết kế để đeo bằng hai quai, giúp cân bằng trọng lượng và phòng tránh tình trạng cong vẹo cột sống, được khuyến nghị cho học sinh tiểu học sử dụng trong suốt sáu năm đầu đời đến trường. Chúng thường được dùng để mang sách vở, dụng cụ học tập và các vật dụng cá nhân.
Theo truyền thống, màu sắc randoseru khá đơn giản: đen dành cho nam và đỏ cho nữ. Sau này, thị trường randoseru cũng trở nên đa dạng hơn với nhiều màu sắc như hồng, xanh lá, xanh dương đậm hay nâu. Một số thiết kế còn được trang trí thêm hình thú, nơ hay hoa văn dễ thương. Dù vậy, phần lớn phụ huynh Nhật vẫn ưa chuộng các tông màu truyền thống, vì cho rằng chúng phù hợp hơn với môi trường học đường nghiêm túc.

Chất liệu làm randoseru rất phong phú, từ da thật, da tổng hợp cho đến da ngựa. Kích thước chuẩn của một chiếc randoseru khoảng 30 cm cao, 23 cm rộng và 18 cm sâu, nặng xấp xỉ 1,2 kg. Để giảm áp lực lên lưng học sinh, kể từ năm 2004, phần lớn sản phẩm được sản xuất bằng một loại da nhân tạo nhẹ, bền, không thấm nước và dễ bảo quản. Một số mẫu còn được thiết kế lớn hơn để đựng vừa tài liệu khổ A4.
Điểm nổi bật của randoseru là cấu trúc nhiều ngăn tiện lợi, phần lưng được đệm dày giúp giảm lực tác động lên cột sống, dây đeo có thể điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển nhanh chóng về thể chất của trẻ em trong giai đoạn tiểu học.
Ngoài ra, thiết kế này cũng giúp các em đến trường mà không cần lo lắng về thời tiết quá nhiều, bởi chiếc randoseru có khả năng chống thấm nước vượt trội. Nhờ vậy, sách vở và tài liệu học tập bên trong luôn được giữ khô ráo, không bị ảnh hưởng.
Không chỉ có chức năng đựng đồ, randoseru còn được xem như một tấm đệm bảo vệ. Trong trường hợp trẻ bị trượt ngã và tiếp đất bằng lưng, chiếc balo giúp giảm lực va chạm, hạn chế tổn thương. Đặc biệt, trong tình huống xảy ra động đất, điều không hiếm tại Nhật, randoseru có thể trở thành “lá chắn” tạm thời, giúp học sinh tránh được phần nào nguy hiểm từ các vật thể rơi xuống.
Được sản xuất kỳ công, giá thành không hề rẻ
Một điều đặc biệt khiến nhiều người bất ngờ là randoseru được sản xuất hoàn toàn thủ công. Mỗi chiếc balo đòi hỏi hơn 100 bộ phận và trải qua ít nhất 10 công đoạn lắp ráp tinh xảo. Chính vì thế, giá thành của randoseru không hề rẻ.

Hiện nay, có thể tìm thấy loại balo này với mức giá từ khoảng 80 USD, nhưng phổ biến nhất là các mẫu có giá khoảng 300 USD. Với những sản phẩm cao cấp, giá có thể lên đến 800–900 USD.
Ở Nhật, randoseru thường được ông bà mua tặng cháu như một món quà ý nghĩa nhân dịp nhập học lớp 1, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong hành trình học tập của trẻ nhỏ.
Trong những năm gần đây, randoseru không còn là hình ảnh quen thuộc chỉ gắn liền với học sinh tiểu học Nhật Bản, mà đã vươn ra tầm quốc tế nhờ sự xuất hiện trong nhiều bộ anime, manga nổi tiếng. Đặc biệt, chiếc balo này nhận được sự chú ý rộng rãi hơn khi nữ diễn viên Mỹ Zooey Deschanel mang randoseru màu đỏ trên đường phố New York. Từ đó, tại phương Tây, randoseru đã trở thành một món phụ kiện thời trang độc đáo được nhiều người trưởng thành ưa chuộng.

Trong vòng một thập kỷ qua, kiểu dáng và màu sắc của randoseru đã có nhiều thay đổi. Các nhà sản xuất không chỉ tập trung vào đối tượng học sinh mà còn phát triển những mẫu dành riêng cho người lớn, với giá có thể lên tới gần 1.200 USD (tương đương khoảng 28,7 triệu đồng).
Một số phiên bản đặc biệt còn được chế tác từ các loại da quý hiếm như da rắn, da đà điểu, da lợn rừng, thậm chí có cả các chi tiết đính vàng hoặc bạch kim. Những chiếc balo xa xỉ này thường không dành cho học sinh thông thường, mà hướng đến giới thời trang hoặc đơn thuần là sản phẩm mang tính biểu tượng dùng để quảng bá thương hiệu.

Trọng lượng là điểm trừ
Tuy randoseru vốn được ca ngợi bởi độ bền và thiết kế bảo vệ sức khỏe học sinh, nhưng trong thời gian gần đây, chính các em nhỏ lại đang lên tiếng về điểm bất cập lớn nhất: trọng lượng. Nhiều em học sinh tiểu học cho biết việc mang chiếc balo này hàng ngày gây ra tình trạng đau vai và đau lưng.
Một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi công ty Footmark, đơn vị sản xuất đồ dùng học sinh có trụ sở tại Tokyo, đã phản ánh rõ mối lo ngại này. Hơn 90% trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 12 tham gia khảo sát cho biết randoseru quá nặng so với sức chịu đựng của mình.
Theo tờ Yomiuri Shimbun, khảo sát được tiến hành trên 1.200 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 và phụ huynh của các em. Kết quả cho thấy 93% học sinh và 90% cha mẹ đều đồng tình rằng chiếc balo này có trọng lượng vượt quá mức cần thiết.

Trung bình, một chiếc randoseru khi được nhét đầy sách vở và vật dụng học tập nặng khoảng 4,28 kg, tăng đáng kể so với mức 3,97 kg vào năm 2022. Thậm chí, một số em còn phải mang trên lưng balo nặng hơn 10 kg, điều không hề phù hợp với thể trạng của trẻ nhỏ.
Để giải quyết phần nào gánh nặng cho học sinh, một số trường học và cơ quan giáo dục địa phương tại Nhật đã cho phép các em để lại sách giáo khoa ở lớp. Nhưng cùng với đó, nhiều người lại lo ngại học sinh sẽ không thể hoàn thành bài tập về nhà nếu thiếu tài liệu học tập.
Tổng hợp/Ảnh: Internet)
Hoặc