Sau sáp nhập, tỉnh này sẽ thay Bắc Ninh trở thành tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước

Admin

17/05/2025 20:13

Sau sáp nhập, tỉnh Hưng Yên (mới) sẽ là tỉnh nhỏ nhất cả nước, với diện tích khoảng 2.514,8 km2, quy mô dân số lên tới 3,5 triệu người.

Hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình sẽ hợp thành một tỉnh mới mang tên Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay. 

Phương án hợp nhất được xây dựng trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của hai tỉnh: Hưng Yên với diện tích 930,20km2 và dân số hơn 1,4 triệu người; Thái Bình với diện tích 1.584,61km2 và dân số hơn 2 triệu người.

Sau sáp nhập, tỉnh Hưng Yên (mới) sẽ là tỉnh nhỏ nhất cả nước, với diện tích khoảng 2.514,8 km2, quy mô dân số lên tới 3,5 triệu người.

Trong chiến lược phát triển mới, tỉnh sau sắp xếp sẽ hình thành một trung tâm kinh tế tổng hợp với sự kết hợp giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ - tận dụng tối đa lợi thế địa lý, kết nối giao thông, và tiềm năng đầu tư để vươn lên trở thành vùng phát triển trọng điểm ở đồng bằng Bắc Bộ.

Hưng Yên đang vươn mình trở thành một trung tâm công nghiệp năng động tại khu vực phía Bắc. Quý I/2025, GRDP của Hưng Yên đạt 8,96%, vượt so với kịch bản tăng trưởng kinh tế mà tỉnh đề ra là 8,52%. Tỉnh đứng thứ 9 vùng Đồng bằng sông Hồng; đứng thứ 17 cả nước.

Năm 2024, tỉnh này cũng ghi nhận mức thu hút đầu tư kỷ lục với gần 4 tỷ USD, bao gồm 180 dự án mới, trong đó có nhiều dự án lớn từ các tập đoàn đa quốc gia như Nitto, Molex và Arizon. Tính đến nay, tỉnh đã có tổng cộng 2.371 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 370.000 tỷ đồng và hơn 8,5 tỷ USD.

Hiện, tỉnh Hưng Yên có 12 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 3.123 ha, trong đó 10 khu đã đi vào hoạt động. Tỉnh phấn đấu trong năm 2025 có thêm 5 KCN hoàn thành hồ sơ chủ trương đầu tư, có tối thiểu 150 ha được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tiếp nhận dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đạt từ 1 tỷ USD trở lên.

Đáng chú ý, do nằm gần Thủ đô Hà Nội, Hưng Yên có lợi thế lớn về vị trí địa lý và kết nối thuận tiện với các cảng biển lớn như Hải Phòng, cảng hàng không quốc tế Nội Bài,… Hệ thống giao thông đường bộ đã và đang được đầu tư mạnh mẽ, như: đường nối 2 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với hệ thống đường gom 2 bên; Dự án đường Tân Phúc – Võng Phan; Đường liên kết, kết nối Hưng Yên – Hà Nội; Dự án đường di sản dọc sông Hồng;…

Sau sáp nhập, tỉnh này sẽ thay Bắc Ninh trở thành tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước- Ảnh 1.

Trong khi đó, tỉnh Thái Bình là tỉnh ven biển, thuộc Đồng bằng sông Hồng; có bờ biển trải dài 52km và 5 cửa sông lớn, tạo ra vùng bãi triều hơn 16.000ha, mở ra nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển. Thái Bình cũng sở hữu các tuyến quốc lộ 37, 37B, 39, tỉnh lộ 456 đi qua.

Kinh tế Thái Bình thời gian qua có sự bứt phá. GRDP quý I/2025 tăng 9,04%, cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2020-2025 và cao hơn mức tăng GDP cả nước (6,93%). Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm ước đạt 8,36%/năm, đưa quy mô GRDP năm 2025 lên hơn 151,2 nghìn tỷ, gấp 1,7 lần năm 2020. 

Theo quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định công nghiệp là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, Thái Bình đã thành lập 11 KCN với tổng diện tích khoảng 2.700 ha, sẵn sàng mặt bằng sạch để đón nhận các dự án đầu tư. Đặc biệt, Khu kinh tế Thái Bình đã thu hút tổng cộng 369 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 208.000 tỷ đồng. 

Tỉnh Thái Bình cũng đặt mục tiêu năm 2025 thu hút 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp 22% và giá trị xây dựng từ 15–17%.

Đáng chú ý, Thái Bình đã được Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế Thái Bình rộng hơn 30.000 ha… Đây là 1 trong 16 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia, được định hướng trở thành trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng, đô thị, dịch vụ và kinh tế biển. Khu công nghiệp Liên Hà Thái trong khu kinh tế Thái Bình hiện được coi là khu công nghiệp tiên phong trong thu hút đầu tư.

Ngoài ra, cả hai tỉnh đều có bề dày lịch sử và văn hóa phong phú. Hưng Yên nổi tiếng với Phố Hiến, một thương cảng sầm uất trong quá khứ, trong khi Thái Bình có nhiều làng nghề truyền thống và di tích lịch sử. Sự kết hợp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời phát triển du lịch văn hóa và sinh thái.

Việc hợp nhất tỉnh Thái Bình và Hưng Yên sẽ hình thành tỉnh mới có quy mô kinh tế lớn của vùng đồng bằng sông Hồng với sự kết hợp giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ và kinh tế ven biển, du lịch; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, quỹ đất phát triển gắn với lợi thế về kết nối liên vùng, giao thương nội địa và phát triển du lịch văn hoá, sinh thái, nông nghiệp.