Sau sáp nhập, Thanh Hóa có "siêu phường" đông dân nhất tỉnh, gấp 4 huyện miền núi

Admin

05/05/2025 12:30

Với dân số 197.142 người, phường Hạc Thành sau sáp nhập sẽ có dân số đông nhất tỉnh Thanh Hóa, đông hơn cả 4 huyện miền núi hiện tại của tỉnh cộng lại.

Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa năm 2025. Theo Nghị quyết được thông qua, tỉnh Thanh Hóa sẽ thành lập 166 xã, phường trên cơ sở sáp nhập 547 xã, phường, thị trấn tại 26 đơn vị hành chính cấp huyện.

Sau sáp nhập, Thanh Hóa có "siêu phường" đông dân nhất tỉnh, gấp 4 huyện miền núi- Ảnh 1.

Phường Hạc Thành (số 1) nằm ở trung tâm TP Thanh Hóa hiện nay, sau khi sáp nhập sẽ là một trong những phường có đông dân số nhất Việt Nam, gần 200 ngàn người

Trong đó, TP Thanh Hóa sắp xếp 47 xã, phường hiện nay (riêng 1 phần diện tích, dân số của phường Quảng Cát thực hiện sắp xếp về TP Sầm Sơn) và 2 xã Thiệu Giao, Tân Châu (huyện Thiệu Hóa) để thành 7 phường, gồm: Hạc Thành, Quảng Phú, Đông Sơn, Đông Quang, Nguyệt Viên, Đông Tiến, Hàm Rồng.

Sau khi sáp nhập, phường Hạc Thành có dân số 197.142 ngàn người, diện tích khoảng 24,63 km2. Phường này được thành lập trên cơ sở nhập nguyên trạng 10 phường của trung tâm TP Thanh Hóa hiện nay, gồm: Trường Thi, Phú Sơn, Điện Biên, Lam Sơn, Ba Đình, Ngọc Trạo, Đông Sơn, Đông Hương, Đông Hải, Phú Sơn và một phần diện tích, dân số từ hai phường Đông Thọ, Đông Vệ.

Trụ sở của phường sau sáp nhập sẽ đặt tại trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa hiện nay (số 35, đại lộ Lê Lợi), trong khi trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ chuyển ra trụ sở làm việc của Thành ủy, HĐND, UBND TP Thanh Hóa hiện nay, sau khi đơn vị hành chính cấp huyện giải thể.

Đáng chú ý, sau khi được hình thành, phương Hạc Thành sẽ trở thành đơn vị hành chính cấp phường có đông dân số nhất tỉnh Thanh Hóa. Thậm chí, Hạc Thành còn vượt qua các "siêu phường" có dân số đông ở nước ta, như: phường Trấn Biên (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) sau sáp nhập có 197.060 người (ít hơn phường Hạc Thành 82 nhân khẩu); phường Hiệp Bình (TP Thủ Đức, TP HCM) khoảng 191.000 người; xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP HCM) có khoảng 192.000 nhân khẩu…

Sau sáp nhập, Thanh Hóa có "siêu phường" đông dân nhất tỉnh, gấp 4 huyện miền núi- Ảnh 2.

Một góc trung tâm TP Thanh Hóa hiện nay, sau này sẽ là phường Hạc Thành

Không những thế, phường Hạc Thành sau khi thành lập, dân số còn đông hơn rất nhiều đơn vị hành chính cấp huyện ở Thanh Hóa hiện tại. Đặc biệt, 11 huyện miền núi hiện tại của Thanh Hóa, không có huyện nào có dân số đông hơn phường Hạc Thành. Thậm chí, 4 huyện miền núi có diện tích rất lớn như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Lang Chánh (dân số 4 huyện này cộng lại hiện trên 190 ngàn người) cũng thấp hơn phường Hạc Thành.

Được biết, sau sáp nhập phường Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) được cho là phường có dân số đông nhất Việt Nam, trên 331 ngàn người. Phường Buôn Ma Thuột được thành lập trên cơ sở sáp nhập 13 phường, xã hiện hữu, gồm: Tân An, Tân Hòa, Tân Lập, Tân Lợi, Tân Thành, Tân Tiến, Thành Công, Thành Nhất, Ea Tam, Khánh Xuân, Tự An, Hòa Xuân và Cư Êbur. Phường này dự kiến có diện tích 168 km2 và dân số khoảng 331.006 người.

Danh sách tên 166 xã, phường ở Thanh Hóa sau sắp xếp

1. TP Thanh Hóa có 7 phường, gồm: Hạc Thành, Quảng Phú, Đông Sơn, Đông Quang, Nguyệt Viên, Đông Tiến, Hàm Rồng

2. TP Sầm Sơn có 2 phường, gồm: Sầm Sơn và Nam Sầm Sơn

3. Thị xã Bỉm Sơn có 2 phường, gồm: Bỉm Sơn và Quang Trun

4. Thị xã Nghi Sơn có 8 phường, 2 xã gồm: Ngọc Châu, Tân Dân, Hải Lĩnh, Tĩnh Gia, Đào Duy Từ, Hải Bình, Trúc Lâm, Nghi Sơn, Các Sơn, Trường Lâm

5. Huyện Hà Trung có 5 xã, gồm: Hà Long, Tống Sơn, Hà Trung, Lĩnh Toại, Hoạt Giang

6. Huyện Hậu Lộc có 5 xã, gồm: Triệu Lộc, Đông Thành, Hậu Lộc, Hoa Lộc và Vạn Lộc

7. Huyện Nga Sơn có 6 xã, gồm: Nga Sơn, Nga Thắng, Nga An, Hồ Vương, Tân Tiến, Ba Đình

8. Huyện Hoằng Hóa có 8 xã, gồm: Hoằng Hóa, Hoằng Tiến, Hoằng Thanh, Hoằng Lộc, Hoằng Châu, Hoằng Sơn, Hoằng Phú, Hoằng Giang

9. Huyện Quảng Xương có 7 xã, gồm: Lưu Vệ, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Yên, Quảng Chính, Quảng Ngọc và Tiên Trang

10. Huyện Nông Cống có 7 xã, gồm: Nông Cống, Thắng Lợi, Trung Chính, Trường Văn, Thăng Bình, Tượng Lĩnh, Công Chính

11. Huyện Thiệu Hóa có 5 xã, gồm: Thiệu Hóa, Thiệu Tiến, Thiệu Toán, Thiệu Trung, Thiệu Quang

12. Huyện Yên Định có 7 xã, gồm: Yên Định, Yên Trường, Yên Phú, Quý Lộc, Yên Ninh, Định Tân, Định Hòa.

13. Huyện Thọ Xuân có 8 xã, gồm: Thọ Xuân, Thọ Long, Xuân Hòa, Sao Vàng, Lam Sơn, Thọ Lập, Xuân Tín, Xuân Lập

14. Huyện Vĩnh Lộc có 3 xã, gồm: Tây Đô, Vĩnh Lộc, Biện Thượng

14. Huyện Triệu Sơn có 8 xã, gồm: Triệu Sơn, Thọ Bình, Thọ Ngọc, Thọ Phú, Hợp Tiến, An Nông, Tân Ninh, Đồng Tiến

16. Huyện Mường Lát có 8 xã, gồm: Mường Lát, Mường Lý, Mường Chanh, Tam Chung, Trung Lý, Quang Chiểu, Nhi Sơn, Pù Nhi

17. Huyện Quan Hóa có 8 xã, gồm: Phú Xuân, Trung Xuân, Hồi Xuân, Nam Xuân, Thiên Phủ, Hiền Kiệt, Phú Lệ, Trung Thành

18. Huyện Quan Sơn có 8 xã, gồm: Na Mèo, Sơn Thủy, Sơn Điện, Mường Mìn, Tam Thanh, Tam Lư, Quan Sơn, Trung Hạ

19. Huyện Lang Chánh có 6 xã, gồm: Yên Khương, Yên Thắng, Linh Sơn, Đồng Lương, Văn Phú, Giao An

20. Huyện Bá Thước có 8 xã, gồm: Bá Thước, Thiết Ống, Văn Nho, Điền Quang, Điền Lư, Quý Lương, Cổ Lũng, Pù Luông

21. Huyện Ngọc Lặc có 6 xã, gồm: Ngọc Lặc, Thạch Lập, Ngọc Liên, Minh Sơn, Nguyệt Ấn, Kiên Thọ

22. Huyện Cẩm Thủy có 5 xã, gồm: Cẩm Thạch, Cẩm Thủy, Cẩm Tú, Cẩm Tân, Cẩm Vân

23. Huyện Thạch Thành có 6 xã, gồm: Kim Tân, Vân Du, Ngọc Trạo, Thạch Bình, Thành Vinh, Thạch Quảng

24 Huyện Như Xuân có 6 xã, gồm: Như Xuân, Thượng Ninh, Hóa Quỳ, Xuân Bình, Thanh Phong, Thanh Quân

25. Huyện Như Thanh có 6 xã, gồm: Xuân Thái, Xuân Du, Mậu Lâm, Như Thanh, Yên Thọ, Thanh Kỳ.

26. Huyện Thường Xuân có 9 xã, gồm: Thường Xuân, Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Vạn Xuân, Luận Thành, Tân Thành, Thắng Lộc, Xuân Chinh.