Sáng 22/7, phiên thảo luận tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - UPCoM: PGB) diễn ra nhanh chóng trong khoảng 10 phút. Chỉ một cổ đông tham gia đặt câu hỏi, và phần trả lời được lãnh đạo ngân hàng luân phiên thực hiện.
So với nhiều phiên đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng khác thường kéo dài ít nhất từ 30 phút trở lên, có nhiều câu hỏi đến từ nhiều cổ đông, những định hướng về chiến lược, tài chính hoặc nhân sự, thì phiên thảo luận của PGBank sáng 22/7 diễn ra ngắn gọn bất thường.
Tăng vốn tạo bộ đệm đầu tư lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm
Trả lời câu hỏi về chủ trương đầu tư vào công ty con hoặc công ty liên kết trong các lĩnh vực như chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ… bà Cao Thị Thúy Nga - Chủ tịch HĐQT PGBank muốn hướng một hệ sinh thái toàn diện để nâng cao trải nghiệm đa dạng của khách hàng về các loại sản phẩm tài chính.
Bà Nga cũng cho biết đây cũng là một chiến lược nhằm mở rộng nguồn thu từ hoạt động đầu tư của ngân hàng. Theo quy định, ngân hàng hiện nay không được phép trực tiếp đầu tư vào chứng khoán. Do đó, để gia tăng khả năng sinh lời, PGBank định hướng đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng hoặc công nghệ tài chính.

Bà Cao Thị Thúy Nga - Chủ tịch HĐQT PGBank phát biểu tại Đại hội.
"Tờ trình lần này mới chỉ là chủ trương. Chúng tôi sẽ thực hiện từng bước một: hoàn thiện nội lực, củng cố quản trị, đáp ứng đầy đủ điều kiện pháp lý, sau đó mới tiếp cận và nghiên cứu các đối tượng đầu tư tiềm năng theo định hướng đã đề ra", bà Nga cho hay.
Liên quan đến phương án tăng vốn điều lệ vốn điều lệ qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là thêm 4.500 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Hương – Tổng Giám đốc PGBank cho biết sau khi Đại hội đồng cổ đông thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng, trong đó có 5.500 tỷ từ phát hành cổ phiếu trả cổ tức và 4.500 tỷ từ chào bán cho cổ đông hiện hữu, PGBank sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết như xin chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Dựa trên kinh nghiệm triển khai đợt tăng vốn từ 4.200 tỷ lên 5.000 tỷ đồng vừa qua, ngân hàng nhận thấy khâu quan trọng nhất là việc chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, kỹ lưỡng và tuân thủ đúng quy định. Nếu công tác này được thực hiện tốt, khả năng hoàn tất việc tăng vốn trong năm 2025 là hoàn toàn khả thi.

Ban Chủ tọa PGBank.
Về các định hướng trong thời gian tới để đạt được mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, Tổng Giám đốc PGBank nêu, để đạt được mục tiêu lợi nhuận đã đặt ra, ngân hàng sẽ tập trung thực hiện một số định hướng lớn bao gồm tiếp tục đẩy mạnh các mảng có hiệu quả cao, đặc biệt là thu nhập ngoài lãi – hiện đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ và sẽ còn là động lực chính trong thời gian tới.
Thứ hai, khai thác hiệu quả tổng tài sản đang tăng mạnh, đặc biệt là thông qua cho vay hiệu quả, kiểm soát giá vốn đầu vào và tối ưu biên lãi ròng (NIM).
Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ quá hạn phát sinh bằng cách nâng cao thẩm định và quản lý sau giải ngân. Việc Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi về tổ chức tín dụng cũng hỗ trợ ngân hàng rất nhiều trong xử lý nợ xấu từ nay đến cuối năm.
Ông Hương cũng thông tin, ngân hàng chuẩn bị đưa hệ thống core banking mới vào vận hành (go-live dự kiến vào tháng 9), đồng thời triển khai các chương trình bán hàng trên toàn quốc – đây là những yếu tố sẽ giúp tăng quy mô, mở rộng khách hàng, và tạo ra động lực tăng trưởng mới.
15 cổ đông sở hữu gần 94% vốn tại PGBank
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Kết luận Thanh tra PGBank thông tin đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành có liên quan để làm rõ các thông tin về việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần của 15 cổ đông có tỉ lệ sở hữu trên 0,1% vốn điều lệ của PGBank trong thời kỳ thanh tra.
Kết luận cho biết Thanh tra NHNN đã tổng hợp được một số nội dung liên quan đến việc mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của 15 cổ đông trên và chuyển thông tin sang Cơ quan chức năng để xem xét theo quy định.
Về cơ cấu cổ đông tại PGBank, theo Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên 2025, Đại hội đã diễn ra với sự tham dự của 18 cổ đông nhưng đại diện cho đến hơn 347 triệu cổ phần, tương đương hơn 82,7% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đã bầu ra HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2025 – 2030.

3 cổ đông lớn của PGBank đã giảm tỉ lệ sở hữu sau khi ngân hàng chào bán thêm 80 triệu cổ phiếu ra công chúng.
Đáng chú ý, 3 cổ đông tổ chức là cổ đông lớn sở hữu xấp xỉ 40% vốn điều lệ PGBank là CTCP Quốc tế Cường Phát (13,541%), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh (13,099%), CTCP Thương mại Vũ Anh Đức (13,36%).
Đến nay, theo công bố thông tin về kết quả chào bán thêm 80 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu của PGBank ngày 9/5, Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức đã giảm sở hữu từ 13,36% về 11,22%, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, CTCP Quốc tế Cường Phát cũng lần lượt giảm sở hữu về mức 11% và 11,375%.
Gia Linh, Cường Phát và Thương mại Vũ Anh Đức trở thành cổ đông lớn của PGBank từ năm 2023. Nhóm cổ đông này xuất hiện sau thời điểm Petrolimex thoái toàn bộ 40% vốn tại ngân hàng này.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, 2 trong 3 pháp nhân trên có liên quan đến Tập đoàn Thành Công (TC Group). Cụ thể, Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại Vũ Anh Đức cập nhật tới giữa năm 2022 là ông Vũ Văn Nhuân. Ông Nhuân thời điểm đó là Giám đốc Công ty TNHH TCHB - công ty con của CTCP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ TC Việt Hưng.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Quốc tế Cường Phát ông Nguyễn Văn Mạnh là cổ đông sáng lập của CTCP Quốc tế PL - pháp nhân thuộc sở hữu của gia đình doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn, trong đó ông Nguyễn Toàn Thắng - em trai ông Tuấn sở hữu 40%; bà Nguyễn Hồng Hạnh, phu nhân ông Thắng, sở hữu 50%.
Ngoài 3 cổ đông tổ chức lớn, các cổ đông sở hữu trên 1% vốn được công bố tại Biên bản ĐHĐCĐ thường niên 2025 của PGBank còn có các cá nhân là ông Văn Lê Hằng sở hữu 4,77% vốn ngân hàng;


Danh sách 15 cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ tại PGBank.
Ông Lê Quang Huy sở hữu hơn 4,91% vốn; bà Trần Thị Thu Ngà (4,79% vốn); ông Bùi Chính Hữu (4,86% vốn); ông Tạ Văn Mạnh (4,53% vốn); bà Đỗ Thị Nụ (4,93% vốn); ông Trịnh Quang Nghĩa (4,85% vốn); ông Bùi Việt Bảo (4,86% vốn); ông Trịnh Bình Long (4,88% vốn); bà Nguyễn Thị Thủy (4,63% vốn); bà Nguyễn Thị Thu Hà (4,94% vốn) và ông Đinh Thành Nghiệp (1,025% vốn).
Các vấn đề liên quan tỉ lệ sở hữu tại PGBank hay nội dung liên quan đến việc mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của 15 cổ đông được Thanh tra Ngân hàng Nhà nước chuyển sang cơ quan chức năng... chưa được đề cập tại phần thảo luận kéo dài 10 phút của ĐHĐCĐ bất thường diễn ra sáng 22/7 của PGBank.
Hoặc