Những phân khúc bất động sản thu hút nhà đầu tư nước ngoài

27/03/2024 12:15

Bất động sản của Việt Nam vẫn duy trì là điểm đến đầu tư đáng chú ý của các nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản nước ngoài.

Theo VTV, theo các chuyên gia, mỗi phân khúc bất động sản của thị trường Việt Nam trong năm 2024 đều có những điểm nhấn đầu tư riêng thu hút nhà đầu tư ngoại.

Thông tin từ Dân Việt, theo báo cáo CBRE Việt Nam, từ năm 2015, Chính phủ đã bắt đầu tháo gỡ các rào cản để người nước ngoài có thể sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Kể từ khi chính sách sở hữu nhà cho người nước ngoài được nới lỏng, khách hàng đến từ châu Á, bao gồm Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc) trở thành những nhóm nhà đầu tư lớn trên thị trường nhà ở Việt Nam. Trong đó, phân khúc bất động sản căn hộ chung cư được ưa chuộng.

Cụ thể, về loại hình sản phẩm, CBRE cho biết 10 khách hàng thì có đến 9 người nước ngoài lựa chọn mua căn hộ chung cư, đặc biệt là phân khúc chung cư cao cấp tại TP.HCM và Hà Nội. Các dự án có vị trí đẹp và mức giá phù hợp, có tiềm năng tăng giá mạnh mẽ trong tương lai cũng là sở thích đầu tư của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Bất động sản - Những phân khúc bất động sản thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Mỗi phân khúc bất động sản của thị trường Việt Nam trong năm 2024 đều có những điểm nhấn đầu tư riêng thu hút nhà đầu tư ngoại. Ảnh minh họa từ internet

"Thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam đang có tiềm năng tăng giá mạnh mẽ hơn so với các quốc gia trong khu vực. Đây cũng là thời điểm mà thị trường nhà ở của Việt Nam tăng giá tương tự các quốc gia khác trước đây. Do đó, lý do 60% khách hàng nước ngoài mua bất động sản Việt Nam đều có mục đích đầu tư, chờ tăng giá tài sản kiếm lời. Số ít sẽ cho thuê căn hộ của mình như một giải pháp tạm thời trong khi chờ mức giá bán tăng. Không thật sự nhiều người nước ngoài, chủ yếu là những người có kế hoạch sinh sống lâu dài ở Việt Nam sẽ mua nhà với mục đích để sử dụng cho bản thân mình", CBRE cho biết.

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, đã có hơn 3.000 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam tính đến hết quý III/2023, trong đó 90% mua các sản phẩm chung cư. Lượng khách hàng nước ngoài chủ yếu đến từ các nước như: Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc. Đây là nhóm nhà đầu tư lớn trên thị trường nhà ở Việt Nam, một phần nhờ khoảng cách địa lý của các nước này tới Việt Nam. Trong đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu và mua nhà ở Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội (1.765), TP. HCM (850), Bắc Ninh (110), Bình Dương (210), Bà Rịa - Vũng Tàu (50)...

Theo quy định hiện hành, dù không hạn chế về số lượng nhà mà một người có thể mua nhưng luật cũng quy định rõ về số lượng người nước ngoài được sở hữu tối đa trong phạm vi một dự án, cụ thể là ở mức 30% trên tổng số căn hộ đối với dự án căn hộ và không quá 250 căn nhà liền thổ trong một đơn vị hành chính cấp phường.

Thời gian thuê nhà dài hạn được quy định là 50 năm và có thể gia hạn tùy theo luật hiện hành nhưng không vượt quá 49 năm hoặc có thể chuyển sang sở hữu lâu dài nếu người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam.

Theo VTV, phân khúc bất động sản văn phòng cũng nhận được nhiều sự chú ý. Thị trường chứng kiến tăng trưởng nguồn cầu từ khối doanh nghiệp năng lượng, sản xuất và tư vấn, góp phần duy trì tỷ lệ lấp đầy ổn định.

Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, xu hướng thị trường văn phòng mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư nước ngoài có năng lực đầu tư và định vị sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh như các chứng chỉ LEED, WELL, BREEAM...

Riêng với thị trường Hà Nội, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu mở rộng phạm vi đầu tư tại những khu vực đang phát triển của thành phố thay vì tập trung tại các quận trung tâm. Đây cũng chính là động thái nhằm đón bắt xu hướng dịch chuyển của nhóm văn phòng cơ quan hành chính công tư, sự phát triển của hạ tầng giao thông thành phố và xu hướng tập trung dân cư tại một số dự án đại đô thị bao quanh thành phố.

Đối với lĩnh vực bán lẻ, sự gia nhập của các "ông lớn" về mảng bán lẻ đã chúng minh sự nổi bật và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Các nhà đầu tư lớn đang tích cực tìm kiếm quỹ đất để triển khai các dự án bất động sản thương mại dịch vụ hiện đại với quy mô lớn, tập trung vào trải nghiệm của người tiêu dùng.

Điển hình như vào đầu tháng 2/2024, "ông trùm" bất động sản bán lẻ Central Pattana – một thành viên của tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central Group đã rục rịch thành lập pháp nhân tại Việt Nam nhằm gia nhập thị trường bán lẻ sôi động này.

Hay trước đó, THISO (Tập đoàn thành viên của THACO) sau khi mở đại siêu thị Emart thứ 3 tại Tp. Hồ Chí Minh đã cho thấy chiến lược mở rộng đại siêu thị thứ 4 tại phía Bắc với việc mua lại quỹ đất rộng 2,4 ha tại Khu đô thị Tây Hồ Tây.

Phân khúc thị trường khách sạn cũng cho thấy đang trên đà phục hồi. Theo Báo cáo Thị trường của Savills Việt Nam công suất thuê và giá thuê khách sạn tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đều ghi nhận mức tăng. Cụ thể, công suất thuê tại Hà Nội tăng 21% theo năm với giá thuê trung bình theo đêm tăng 28% theo năm.

Tương tự, công suất thuê khách sạn tại Tp. Hồ Chí Minh tăng 18% theo năm với phân khúc 5 sao và đây cũng là phân khúc thể hiện sự cải thiện mạnh nhất, đạt 61% và giá phòng trung bình tăng 14% theo năm, đạt mức 2,9 triệu đồng/phòng/đêm.

Tình hình hoạt động của phân khúc khách sạn liên tục được cải thiện, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao khả năng phục hồi của phân khúc này và tin tưởng vào dư địa phát triển của thị trường khách sạn tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư ngoại cho rằng, đây cũng chính là thời điểm phù hợp để tham gia thị trường.

Với lợi thế từ yếu tố vĩ mô và sức hút trên hầu hết các phân khúc bất động sản, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn cho dòng tiền và nhà đầu tư ngoại. Nhất là khi các nhà đầu tư ngoại ngày càng cởi mở hình thức đầu tư hơn so với trước kia. 

Kỳ vọng vào các nhà đầu tư gốc Việt

Theo Kinh tế Sài Gòn, Luật Đất đai năm 2024 có điểm mới quan trọng là Việt kiều (người định cư ở nước ngoài, không có quốc tịch Việt Nam) mua nhà trong nước thuận lợi hơn, được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài.

Cụ thể, Điều 4 của Luật Đất đai 2024, quy định về người sử dụng đất được bổ sung thêm nhóm gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam. Nhóm này sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài (người còn quốc tịch Việt Nam).

Điều 28 của Luật này quy định cụ thể người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà.

Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng sự thay đổi này sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn cho nhóm người mua bất động sản Việt Kiều. Bởi theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến hết 2022 đạt trên 190 tỉ đô la, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ. Riêng năm 2022, nguồn kiều hối kỷ lục 19 tỉ đô la đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất từ nước ngoài.

Nhu cầu về kiều hối đối với lĩnh vực bất động sản đã được ghi nhận. Theo một thống kê từ 2016 của của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, khoảng 15-20% số tiền đó được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Nếu tính toán nhanh, chỉ riêng con số này có thể lên tới khoảng 10.000 căn hộ mỗi năm.

“Sự thay đổi về quy định luật tạo nên tiềm năng lớn cho thị trường nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Việt kiều. Trong quá khứ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại Việt Nam phải thông qua người thân hoặc họ hàng, vì thế đã dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. Luật mới sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư”, ông Troy Griffiths nói.

Một chuyên gia cho rằng nguồn cung nhà ở tại Việt Nam đang tập trung vào phân khúc giá cao, chiếm tỷ trọng lớn với căn hộ cao cấp – hạng sang. Nếu bất động sản rộng cửa đón Việt kiều, các phân khúc này sẽ được kích cầu mạnh mẽ, giải quyết bài toán cung đang vượt cầu. Cùng với các giải pháp tổng thể khác, thị trường bất động sản sẽ sớm cân bằng được nguồn cung giữa các dòng sản phẩm, thu hẹp quãng đường chạy đà đến chu kỳ phục hồi.

Đào Vũ (T/h)

Bạn đang đọc bài viết "Những phân khúc bất động sản thu hút nhà đầu tư nước ngoài" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.