Nhiều người lắc đầu nguây nguẩy từ chối học ngành này vì cho rằng tốn cả thời gian lẫn tiền bạc: Sự thật như gáo nước lạnh!

Admin

11/05/2025 12:30

Theo bạn, học ngành này có lãng phí?

Ngành Quản trị Kinh doanh từng là lựa chọn "quốc dân" của rất nhiều bạn học sinh THPT khi đứng trước ngưỡng cửa đại học. Nghe tên ngành thôi đã thấy "xịn xò": nào là "quản trị", nào là "kinh doanh" - hai cụm từ đầy quyền lực và cơ hội. Nhưng vài năm trở lại đây, không ít người bắt đầu hoài nghi: "Học ngành này có đang phí tiền, phí thời gian không?", v ì thấy người học quá nhiều, đầu ra bão hoà, kiến thức lại chung chung. Vậy đâu là sự thật phía sau những lời nhận xét ấy?

1. Khi "quốc dân" hóa thành… đại trà?

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo những năm gần đây cho thấy, Quản trị Kinh doanh luôn nằm trong top 5 ngành có số lượng thí sinh đăng ký nhiều nhất mỗi kỳ tuyển sinh đại học. Sự phổ biến này vừa là ưu điểm vì chứng tỏ ngành có sức hút và cơ hội nghề nghiệp phong phú nhưng đồng thời cũng là điểm trừ khiến nhiều người cảm thấy "ngán ngẩm" vì… người người học, nhà nhà học.

"Lớp cấp ba của mình có 40 đứa thì hết 15 đứa đăng ký Quản trị Kinh doanh. Có cảm giác như ai không biết học gì thì chọn ngành này" , bạn L.A (ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ. Câu nói tuy có phần hài hước nhưng phản ánh một thực trạng: vì tên ngành "nghe sang", nội dung học không quá đặc thù như Y, Dược hay Kỹ thuật nên nhiều bạn chọn Quản trị Kinh doanh như một phương án an toàn. Và hệ quả là ngành bị đánh đồng rằng "cái gì cũng học nhưng chẳng sâu cái gì".

2. Kiến thức "đa zi năng" là ưu hay nhược?

Không thể phủ nhận, chương trình Quản trị Kinh doanh cung cấp cho sinh viên một cái nhìn tổng quan về cách vận hành của một doanh nghiệp: từ marketing, tài chính, nhân sự, vận hành, chiến lược đến quản trị dự án. Chính sự đa dạng này khiến nhiều sinh viên cảm thấy… hoang mang. Học cái gì cũng một chút, nhưng không có chuyên môn "đinh".

Tuy nhiên, thực tế chứng minh sự đa ngành này chính là điểm mạnh lớn khi đi làm. Trong thời đại mà kỹ năng tư duy tổng thể, khả năng kết nối các bộ phận và tầm nhìn chiến lược được đề cao, sinh viên Quản trị Kinh doanh có thể linh hoạt đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau. Quan trọng là mỗi người có biết bắt lấy một mảng mình thực sự thích để đào sâu hay không.

Anh Hưng, cựu sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh (FTU), hiện là Giám đốc Phát triển sản phẩm của một công ty fintech chia sẻ: "Nhờ được học nhiều mảng nên mình có thể nhìn tổng thể khi phát triển sản phẩm. Sau đó, mình mới chọn tập trung vào khối công nghệ tài chính, rồi học thêm chuyên sâu ngoài trường. Không có ngành học nào tự nhiên đem lại chuyên môn sâu, người học mới là yếu tố quyết định".

Nhiều người lắc đầu nguây nguẩy từ chối học ngành này vì cho rằng tốn cả thời gian lẫn tiền bạc: Sự thật như gáo nước lạnh!- Ảnh 1.

3. Có phải học xong là làm sếp?

Một hiểu lầm phổ biến là: học Quản trị Kinh doanh ra trường sẽ "tự động" làm quản lý, làm sếp. Trong khi thực tế, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp phải bắt đầu từ những công việc rất cơ bản: sales, chăm sóc khách hàng, hỗ trợ hành chính… Thậm chí, nhiều bạn còn cảm thấy hụt hẫng vì vị trí đầu tiên chẳng liên quan mấy đến "quản trị" mà chỉ xoay quanh KPI và kỹ năng mềm.

Tuy nhiên, Quản trị Kinh doanh là ngành của sự tích luỹ. Việc hiểu về vận hành doanh nghiệp từ nhiều góc độ giúp người học có tiềm năng thăng tiến nhanh hơn nếu biết học hỏi và phát triển bản thân đúng hướng. Một số người còn chọn học tiếp MBA hoặc du học để nâng cấp kiến thức, từ đó có vị trí cao hơn trong tổ chức.

4. Phí tiền khi bạn không rõ mình đang học để làm gì

Nhiều lời chê trách ngành Quản trị Kinh doanh đến từ chính sự mơ hồ của người học. Khi bước vào đại học mà không có định hướng rõ ràng, học theo "trend", học vì bạn bè, học để có bằng… thì bất kể ngành nào cũng có thể trở thành "lãng phí". Câu hỏi thực sự là: bạn có hiểu rõ mình đang học để làm gì, muốn phát triển ở lĩnh vực nào, và đã chuẩn bị những gì ngoài việc nghe giảng ở trường?

Một sinh viên ngành này, nếu biết chọn lọc mảng yêu thích (ví dụ: marketing kỹ thuật số, phân tích dữ liệu kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…), kết hợp thực tập và dự án cá nhân, hoàn toàn có thể nổi bật giữa biển người.

5. Không có ngành nào "phí", chỉ có cách học phí

Vậy rốt cuộc, học ngành Quản trị Kinh doanh có phí tiền, phí thời gian không? Câu trả lời là: phụ thuộc vào bạn .

Nếu coi đại học là nơi "ngủ đông" thêm 4 năm, học ngành gì cũng sẽ vô nghĩa. Nhưng nếu chủ động khám phá bản thân, kết hợp kiến thức trong trường với kinh nghiệm ngoài thực tế, thì Quản trị Kinh doanh vẫn là một trong những ngành có biên độ cơ hội nghề nghiệp rộng nhất hiện nay.

Trong thời đại mà mọi thứ đang chuyển dịch mạnh mẽ vì công nghệ, AI và đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần không chỉ người giỏi chuyên môn mà còn người có tư duy tổng thể, hiểu cách phối hợp các phòng ban, nhìn được hướng phát triển toàn cục, mà đó chính là năng lực cốt lõi của một sinh viên Quản trị Kinh doanh trưởng thành.