Theo một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Trung Quốc, việc đeo khẩu trang, mặc dù đã trở thành thói quen phổ biến trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và đến nay vẫn được nhiều người sử dụng để tránh khói bụi, chống nắng và tránh lây lan các bệnh truyền nhiễm, có thể khiến con người hít phải những sợi nhựa có hại.
Nguy cơ hít phải sợi vi nhựa từ khẩu trang
Nghiên cứu này cho thấy gần như tất cả các loại khẩu trang đều làm tăng số lượng sợi vi nhựa mà người dùng hấp thụ hàng ngày. Những sợi nhựa này có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe, tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng tác hại của việc đeo khẩu trang là rất nhỏ so với lợi ích mà nó mang lại trong việc ngăn ngừa lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài. Nhóm nghiên cứu từ Viện Thủy sinh học ở Vũ Hán cho biết: “Điều này không đáng kể so với việc bảo vệ con người khỏi COVID-19”.

Khẩu trang trở thành "vật bất ly" khi đi ra đường của nhiều người
Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện vi nhựa trong mô phổi của một số bệnh nhân ung thư phổi vào những năm 1990. Nhiều nghiên cứu sau đó đã chỉ ra nguy cơ do hạt vi nhựa gây ra. Nhựa phân hủy rất chậm, vì vậy khi đã vào phổi, chúng có xu hướng tích tụ lại. Một số nghiên cứu cho thấy hệ thống miễn dịch có thể tấn công các vật lạ này, gây ra tình trạng viêm kéo dài, có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng như ung thư.
Khẩu trang giúp ngăn ngừa sự lây truyền của virus trong không khí bằng cách sử dụng kết hợp các loại vải, may thành nhiều lớp như một "phễu lọc" giúp làm sạch không khí, cản mầm bệnh. Khẩu trang phẫu thuật thường có ba lớp vải dệt từ polypropylene. Một số người cũng sử dụng khẩu trang vải cotton tự sản xuất hoặc khẩu trang làm từ vải polyme hữu cơ, tuy ít đảm bảo hơn về tác dụng ngăn ngừa lây bệnh, nhưng lại thoải mái hơn khi sử dụng hàng ngày.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Thủy sinh học ở Vũ Hán đã đếm số sợi nhựa tách ra từ khẩu trang bằng thiết bị mô phỏng hơi thở của con người. Họ phát hiện rằng khẩu trang có chứa than hoạt tính tạo ra số lượng sợi vi nhựa cao nhất, lên tới gần 4.000. Tiếp theo là khẩu trang phẫu thuật, khẩu trang vải thông thường và khẩu trang N95. Đặc biệt, một số sợi nhựa phát tán từ khẩu trang dùng một lần có chiều dài vài mm, lớn hơn đáng kể so với các hạt điển hình trong không khí.

Vi nhựa đã xuất hiện tràn lan trong môi trường sống của con người
Vi nhựa đã xuất hiện tràn lan trong môi trường sống của con người. Khoảng 1/3 các hạt trôi nổi trong khí quyển được cho là nhựa, có nguồn gốc từ quần áo, nông nghiệp và nhiều nguồn khác. Các nghiên cứu gần đây cũng cảnh báo rằng khẩu trang đã qua sử dụng bị vứt bỏ bừa bãi có thể gây ô nhiễm môi trường nước, làm tăng khả năng hấp thụ vi nhựa của con người và động vật.
Khẩu trang có thể lọc các chất gây ô nhiễm không khí ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, ngoại trừ khẩu trang N95, tất cả các loại khẩu trang khác đều tạo ra nhiều sợi vi nhựa hơn so với khả năng lọc của chúng. Khẩu trang N95 chỉ giải phóng khoảng một nửa số lượng vi nhựa so với khẩu trang phẫu thuật và được thiết kế để lọc ít nhất 95% các hạt trong không khí. Mặc dù hiệu quả, việc đeo khẩu trang N95 trong thời gian dài có thể gây mệt mỏi do thiếu oxy, và thường chỉ được dành cho nhân viên y tế tuyến đầu.
Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ về tác động của khẩu trang đối với sức khỏe. Mặc dù nguy cơ hít phải vi nhựa là có thật, nhưng lợi ích của việc đeo khẩu trang trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch, vẫn là điều không thể phủ nhận.
Mỗi phút thế giới thải ra 3 triệu khẩu trang: "Bom tấn" gây ô nhiễm vi nhựa
Gần đây, các nghiên cứu ước tính, chúng ta sử dụng 129 tỷ chiếc khẩu trang trên toàn cầu mỗi tháng, tức là 3 triệu chiếc mỗi phút. Hầu hết chúng là khẩu trang dùng một lần được làm từ các sợi vi nhựa.

Bộ sưu tập những bức ảnh về khẩu trang bị vứt bỏ trong môi trường. Ảnh: Tiến sĩ Elvis Genbo Xu.
Trong một bài bình luận trên tạp chí khoa học Frontiers of Environmental Science & Engineering (Địa hạt Khoa học và Kỹ thuật môi trường), các nhà nghiên cứu cảnh báo: “Với việc ngày càng có nhiều báo cáo về vứt bỏ khẩu trang không đúng chỗ, cần phải nhận ra mối đe dọa môi trường tiềm ẩn này và ngăn chặn nó trở thành vấn nạn tiếp theo về ô nhiễm nhựa”.
Khẩu trang dùng một lần là các sản phẩm bằng nhựa, không thể phân hủy sinh học dễ dàng nhưng có thể phân mảnh thành các hạt nhựa nhỏ hơn, cụ thể là nhựa vi mô và nhựa nano phổ biến trong các hệ sinh thái. Việc sản xuất một số lượng khổng lồ khẩu trang dùng một lần trong đại dịch đang ở quy mô tương tự như sản xuất chai nhựa với ước tính khoảng 43 tỷ chiếc mỗi tháng.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, khác với chai nhựa vốn đang được tái chế với tỷ lệ khoảng 25%, thế giới hiện không có hướng dẫn chính thức về việc tái chế khẩu trang.
Nếu không được xử lý để tái chế, giống như các chất thải nhựa khác, khẩu trang dùng một lần có thể tồn tại trong môi trường, hệ thống nước ngọt và đại dương. Chúng sẽ bị phân hủy trong thời gian tương đối ngắn, chỉ tính bằng tuần và tạo ra một số lượng lớn các hạt có kích thước siêu nhỏ (nhỏ hơn 5 mm) rồi sau đó phân mảnh thành nhựa nano (nhỏ hơn 1 micromet).

Tình nguyện viên nhặt những chiếc khẩu trang bị vứt bỏ. Ảnh: Tiến sĩ Elvis Genbo Xu
“Mối quan tâm mới hơn và lớn hơn là khẩu trang được làm trực tiếp từ các sợi nhựa siêu nhỏ (độ dày khoảng từ 1 đến 10 micromet). Khi bị phân hủy trong môi trường, khẩu trang có thể giải phóng nhiều hạt nhựa có kích thước siêu nhỏ, dễ dàng và nhanh hơn so với các loại nhựa lớn như túi nilon”, các nhà nghiên cứu viết.
Họ tiếp tục cảnh báo: “Những tác động như vậy có thể trở nên tồi tệ hơn bởi khẩu trang thế hệ mới làm từ vật liệu nano, sử dụng trực tiếp các sợi nhựa có kích thước nano (với đường kính nhỏ hơn 1 micromet) và nó tạo thêm một nguồn ô nhiễm nhựa nano mới”.
Tiến sĩ Elvis Genbo Xu, nhà nghiên cứu về chất độc môi trường nói: “Chúng tôi biết rằng, giống như các mảnh vụn nhựa khác, khẩu trang dùng một lần cũng có thể tích tụ và giải phóng các chất hóa học và sinh học có hại, chẳng hạn như hợp chất BPA, kim loại nặng, cũng như các vi sinh vật gây bệnh”.
Những điều cần làm để hạn chế tác hại của khẩu trang
Tiến sĩ Elvis Genbo Xu và Giáo sư Zhiyong Jason Ren đưa ra đề xuất để giải quyết vấn đề như sau:
* Đặt thùng rác chỉ dành cho khẩu trang để thu gom và xử lý.
* Xem xét tiêu chuẩn hóa, hướng dẫn và thực hiện nghiêm ngặt việc quản lý chất thải đối với khẩu trang.
* Thay khẩu trang dùng một lần bằng khẩu trang tái sử dụng như khẩu trang bông.
* Xem xét phát triển các loại khẩu trang có thể phân hủy sinh học.
Hoặc