Mua nhà 8,5 tỷ đồng, 7 năm sau mới “ngã ngửa” vì nhà mất giá hơn 1 tỷ: Người đàn ông đòi môi giới hoàn tiền vì "không ai nói tôi sống dưới… 2 chuồng bồ câu"

Admin

09/07/2025 00:10

Một người đàn ông Trung Quốc đòi môi giới mua lại nhà với giá gốc sau 7 năm sinh sống khiến dư luận tranh cãi nảy lửa.

Mua chung cư nhưng phải sống dưới chuồng bồ câu

Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), năm 2018 có 1 người đàn ông họ Lý đã chi 2,35 triệu NDT (khoảng 8,5 tỷ đồng) để mua 1 căn nhà.

Sau khi chuyển vào sống, gia đình ông Lý mới phát hiện trên mái có 2 chuồng nuôi bồ câu với hàng trăm con. Tiếng "gù gù" phát ra cả ngày lẫn đêm khiến cả gia đình không thể nghỉ ngơi yên ổn. Chưa dừng lại ở đó, lông chim và phân bồ câu bay khắp nơi, khiến môi trường sống vô cùng ô nhiễm và mất vệ sinh.

Sau 7-8 năm sinh sống, không thể chịu đựng tiếp môi trường sống thế này, ông Lý quyết định bán nhà chuyển đi nơi khác. Nhưng khi hỏi giá thị trường, ông mới phát hiện giá căn hộ đã bị giảm ít nhất 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ đồng) chỉ vì 2 chuồng bồ câu kia.

Cho rằng mình bị che giấu thông tin khi mua nhà, ông Lý quyết định tìm trung tâm môi giới để đòi lại công bằng. Ông khẳng định, nếu sớm biết có chuồng bồ câu trên mái, ông đã không mua căn hộ này. Vì vậy, ông yêu cầu trung tâm môi giới phải mua lại căn nhà với đúng giá gốc mà ông đã bỏ ra năm xưa.

Ông Lý cũng chia sẻ thêm, lúc mua nhà, phía môi giới từng đưa ra "cam kết an tâm" về chất lượng và môi trường sống xung quanh. Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Ngoài chuồng bồ câu, ông còn phát hiện ngay bên cạnh khu nhà là một nhà máy xử lý rác.

Mua nhà 8,5 tỷ đồng, 7 năm sau mới “ngã ngửa” vì nhà mất giá hơn 1 tỷ: Người đàn ông đòi môi giới hoàn tiền vì "không ai nói tôi sống dưới… 2 chuồng bồ câu"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Phương án giải quyết của công ty môi giới

Trước yêu cầu đòi hoàn tiền của ông Lý, đại diện công ty môi giới – ông Phó, cho biết: "Chúng tôi cũng không hề biết có chuồng bồ câu ở đó. Nếu không quen thuộc khu vực đó thì khó mà phát hiện."

Theo lời ông Phó, ngay cả chủ nhà trước cũng không biết việc có chuồng bồ câu trên mái vì sau khi mua nhà, người này chưa từng chuyển đến sinh sống.

Về việc gần nhà có trạm xử lý rác, ông Phó giải thích thêm, căn hộ của ông Lý ở tòa 24, còn trạm rác nằm ở tòa 20, giữa hai tòa có một toà nhà khác chắn ngang nên sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Nếu trạm rác nằm ngay dưới nhà, công ty chắc chắn sẽ thông báo cho khách hàng và bản thân ông Lý cũng có thể nhìn thấy khi đi xem nhà.

Tuy nhiên, ông Lý cho rằng đây chỉ là cách giải thích để trốn tránh trách nhiệm và ông không chấp nhận lời giải thích, kiên quyết yêu cầu phía môi giới phải mua lại căn hộ. Trước yêu cầu này, ông Phó cho hay mình không có thẩm quyền quyết định, đề nghị khách hàng làm việc trực tiếp với công ty.

Sau đó, phía công ty môi giới đã phản hồi rằng họ sẵn sàng hoàn trả toàn bộ phí môi giới hơn 50.000 NDT (khoảng 181 triệu đồng) cho ông Lý như một hình thức hỗ trợ.

Tuy nhiên, ông Lý cho biết ông cần thêm thời gian để suy nghĩ và chưa đồng ý với đề nghị này.

Mua nhà 8,5 tỷ đồng, 7 năm sau mới “ngã ngửa” vì nhà mất giá hơn 1 tỷ: Người đàn ông đòi môi giới hoàn tiền vì "không ai nói tôi sống dưới… 2 chuồng bồ câu"- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Ai phải chịu trách nhiệm?

Sự việc nhanh chóng trở thành tâm điểm bàn luận trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người cho rằng yêu cầu đòi lại tiền mua nhà với giá gốc sau 7-8 năm sinh sống là quá phi lý.

Một cư dân mạng bình luận: "Anh sống ngần ấy năm rồi, giờ phát hiện nhà mất giá thì bắt người ta mua lại nguyên giá? Mua nhà mà không nhìn mái nhà à? Bây giờ ở chán rồi, nhà mất giá thì lôi môi giới ra đòi lại tiền, tính toán như vậy thì quá thiệt cho bên kia."

Một người khác cũng đặt câu hỏi: "Nếu vì chuồng bồ câu mà nhà mất giá 300.000 NDT thì lúc anh mua nó có rẻ hơn 300.000 NDT so với các căn khác trong khu không?"

Theo Điều 577 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, khi một bên không thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng thì sẽ phải chịu trách nhiệm bao gồm tiếp tục thực hiện, khắc phục hậu quả hoặc bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trong các trường hợp dân sự thông thường, không có quy định buộc bên bán hoặc môi giới phải mua lại tài sản với giá gốc.

Nhưng công ty môi giới vẫn có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, trung thực và chính xác về tình trạng căn hộ cũng như môi trường xung quanh. Nếu ông Lý có thể chứng minh rằng vì hành vi che giấu hoặc không cung cấp thông tin của môi giới mà ông phải chịu tổn thất thực tế thì ông có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại vượt quá mức phí môi giới.

Ngoài ra, hành vi nuôi hàng trăm con bồ câu trên mái nhà, gây tiếng ồn, ô nhiễm do phân và lông chim bay khắp nơi, cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định, ông Lý – với tư cách là chủ sở hữu căn hộ bị ảnh hưởng, có quyền yêu cầu người nuôi chim phải dừng hành vi gây phiền toái, dỡ bỏ chuồng bồ câu và bồi thường thiệt hại nếu có.

Vụ việc vẫn đang tiếp tục gây tranh cãi trong dư luận. Dù phía công ty môi giới đã đưa ra phương án hỗ trợ nhất định, nhưng rõ ràng cần có thêm sự can thiệp từ cơ quan chức năng hoặc tòa án để phân xử rõ ràng trách nhiệm giữa các bên.

Đồng thời, đây cũng là lời cảnh tỉnh cho người mua nhà. Không chỉ nên xem xét nội thất, giấy tờ pháp lý mà còn cần chú ý đến môi trường xung quanh và các yếu tố tiềm ẩn.

Theo Toutiao