Lý do Techcombank không nhận sáp nhập ngân hàng yếu kém

20/04/2024 16:30

Nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém giúp ngân hàng có được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo Techcombank cho biết không có chủ trương này.

Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh (trái) và Tổng giám đốc Jens Lotter (phải) của Techcombank tại phiên họp cổ đông 2024. Ảnh: TCB.

Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra sáng nay (20/4), ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, đã có những chia sẻ liên quan việc một loạt ngân hàng đối thủ có kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém.

“Techcombank không tham gia vào việc mua lại ngân hàng yếu kém”, vị CEO nói và cho biết việc tham gia nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém hay không sẽ là câu hỏi đặt ra với ban lãnh đạo, HĐQT của từng ngân hàng.

Không nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng

Khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thông qua nhận chuyển giao bắt buộc, ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được nhà quản lý “’nới” hạn mức tăng trưởng tín dụng để bù đắp phần chi phí hỗ trợ ngân hàng yếu kém.

Ông Jens Lottner cho biết ban lãnh đạo, HĐQT Techcombank cũng đã thảo luận nhiều về vấn đề này, tuy nhiên, quyết định sau cùng vẫn là không tham gia.

“Hiện tại, Techcombank chỉ đang hỗ trợ tái cơ cấu các khoản vay của doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp sử dụng, tiếp cận vốn dễ dàng hơn”, ông nói.

Thực tế, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có quy mô tương đương với Techcombank như MB, VPBank, đều đã công bố kế hoạch tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thông qua nhận chuyển giao bắt buộc.

Lãnh đạo MB cho biết đây là cơ hội giúp ngân hàng chớp thời cơ, nâng cao năng lực quản trị. Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, ngân hàng sẽ có một số không gian mở ra, đặc biệt là room tín dụng để phát triển trong giai đoạn 5 năm tới.

Tuy vậy, CEO Techcombank cho rằng dù không tham gia vào quá trình này để đổi lại cơ chế “room” tín dụng thoáng hơn, ngân hàng cũng sẽ không bị bỏ lại so với các đối thủ về mặt tăng trưởng. Thực tế các chỉ số về tài sản, chất lượng cho vay, hiệu quả kinh doanh của Techcombank vẫn đang thuộc nhóm cao so với toàn ngành.

tehccombank anh 1

Ông Jens Lotter, Tổng giám đốc Techcombank. Ảnh: TCB.

Liên quan tới vấn đề room tín dụng, các cổ đông Techcombank đã đặt câu hỏi về kế hoạch tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đang khá thấp, nhất là khi có đối thủ ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 30%/năm.

Ông Lottner cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay được đưa ra dựa trên hạn mức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao. Hạn mức này được nhà điều hành đưa ra dựa trên hiệu quả hoạt động năm trước đó và kỳ vọng phát triển trong tương lai của từng ngân hàng. Đồng thời, hạn mức giao cho từng ngân hàng cũng thích hợp với định hướng tăng trưởng chung toàn ngành khoảng 13-14%/năm.

“Thực tế, Techcombank vẫn thường xuyên được NHNN cấp room tín dụng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn ngành”, ông Lotter chia sẻ.

Theo vị lãnh đạo, những năm trước Techcombank đã duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 20-25%/năm. Từ thực tế này, NHNN đã áp dụng phương pháp thận trọng khi giao room tín dụng cho ngân hàng.

Theo ông, mức tăng trưởng 20-25%/năm là phù hợp với Techcombank. “Có những ngân hàng tăng trưởng nhanh hơn, Techcombank cũng có thể tăng nhanh như vậy. Nhưng tăng nhanh sẽ phải trả một cái giá nào đó”, vị CEO nói và cho biết ngân hàng không muốn đánh đổi tăng trưởng tín dụng với chất lượng tài sản đang nắm giữ.

Thực tế, nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng nhanh nhưng nợ xấu cũng tăng mạnh theo.

Kiên định mục tiêu 20 tỷ USD vốn hóa năm 2025

Đánh giá về năm 2024, Tổng giám đốc Techcombank cho biết mục tiêu của ngân hàng vẫn không thay đổi so với các năm trước, bám sát định hướng chiến lược 5 năm giai đoạn 2020-2025 với một số chỉ tiêu cơ bản như tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) đạt 55%, vốn hóa thị trường đạt 20 tỷ USD... vào năm 2025.

Để làm được điều này, ông cho biết ngân hàng đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, triển khai các dự án đầu tư mới và hiện những dự án này đang cho thấy hiệu quả đáng kể. Hiện tại, Techcombank đã chuyển khoảng 30% khối lượng công việc lên công nghệ đám mây.

Cùng với đó, Techcombank cũng chuyển hướng đa dạng hóa danh mục tín dụng, không chỉ tập trung vào nhóm khách hàng lớn mà còn đẩy mạnh cả mảng bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Năm ngoái, chúng tôi đã tập trung vào những lĩnh vực ngoài bất động sản và xây dựng, dù đây vốn là thế mạnh của mình. Điều này nằm trong chiến lược đa dạng hóa danh mục cho vay để tạo động lực tăng trưởng mới”, ông Jens Lottner nói.

Mức 20 tỷ USD vốn hóa vào năm 2025 là con số khả thi và ban lãnh đạo tin tưởng vào giá trị hiện tại Techcombank đang theo đuổi

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank

Với mục tiêu tỷ lệ CASA 55%, vị CEO cho biết hiện chỉ số này tại ngân hàng là 40% và với những tính năng mới như tự động sinh lời, giải pháp thanh toán..., tỷ lệ 55% CASA ngân hàng đưa ra có thể đạt được trong năm nay hoặc năm sau.

Trong khi đó, trả lời cổ đông về kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, cho biết ngân hàng hiện vẫn giữ room ngoại ở mức 22%. Điều này đồng nghĩa với việc nhà băng này có thể phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược đâu đó khoảng 10% vốn hiện tại (sau phát hành tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược giảm xuống 8% - PV).

“Hiện tại, ban lãnh đạo đang xem xét tìm kiếm đối tác để phát hành. Cổ phiếu phát hành cho cổ đông chiến lược sẽ có giá cao hơn thị trường để mang lại lợi ích cho cổ đông. Việc còn room ngoại sẽ là lợi thế của ngân hàng”, Chủ tịch Techcombank nhấn mạnh.

Ông Hùng Anh dẫn chứng năm ngoái VPBank đã phát hành thành công cho cổ đông chiến lược Nhật Bản và thu về khoản thặng dư vốn lớn. Hiện Techcombank cũng đang tìm kiếm cơ hội tương tự và khi thị trường quay trở lại, việc tìm kiếm đối tác sẽ tốt hơn.

Về mục tiêu vốn hóa 20 tỷ USD vào năm 2025, ông Hùng Anh cho rằng đây là con số khá thực tế. Việc tăng trưởng vốn hóa sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng phát triển của tổ chức, thị trường...

Tuy nhiên, giai đoạn 2017, vốn hóa của Techcombank mới chỉ đạt 500 triệu USD, đến năm 2018 khi thực hiện IPO đã được định giá trên 5 tỷ USD.

“Vì vậy, mức 20 tỷ USD vốn hóa vào năm 2025 là khả thi và ban lãnh đạo tin tưởng vào giá trị hiện tại Techcombank đang theo đuổi”, ông Hồ Hùng Anh nhấn mạnh.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bạn đang đọc bài viết "Lý do Techcombank không nhận sáp nhập ngân hàng yếu kém" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.