Loài cây cực kỳ quý hiếm, tưởng đã tuyệt chủng hơn 70 năm bất ngờ xuất hiện khiến các chuyên gia vui mừng

Admin

20/05/2025 20:13

Việc phát hiện ra loài cây tưởng chừng đã tuyệt chủng trong tự nhiên hơn 70 năm này là tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Trung Quốc.

“Tái xuất” sau hơn 70 năm biến mất

Ngày 22/5/2023, trang web chính thức của Viện Thực vật học Quảng Tây (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc) thông báo, nhóm nghiên cứu đa dạng thực vật của viện đã phát hiện một loài thực vật cao lớn thuộc họ Asparagaceae tại khu vực lưu vực sông ngầm, thị trấn Địa Tô, huyện Đô An, Hà Trì, Quảng Tây, Trung Quốc.

Sau quá trình kiểm tra và đối chiếu, các nhà khoa học tại Viện Thực vật học Quảng Tây xác nhận đây chính là loài Aspidistra longilaba G.Z. Li, từng được công bố là loài mới vào năm 1988 nhưng đã biến mất khỏi tự nhiên trong hơn 70 năm.

Loài cây cực kỳ quý hiếm, tưởng đã tuyệt chủng hơn 70 năm bất ngờ xuất hiện khiến các chuyên gia vui mừng- Ảnh 1.

Thông tin về loài thực vật này vô cùng ít ỏi. Theo đó, nhân viên của viện đã từng đưa giống cây này từ phía tây nam Quảng Tây về trồng ở Vườn bách thảo Quế Lâm vào những năm 1950. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nguồn gốc cụ thể của loài cây không được ghi chép rõ ràng. Kể từ đó, không có thêm bất kỳ ghi nhận nào về mẫu vật hoang dã hay khu vực phân bố tự nhiên của loài. Điều này khiến giới khoa học Trung Quốc từng cho rằng nó đã tuyệt chủng trong tự nhiên.

Loài cây “kén chọn” môi trường sống

Aspidistra longilaba G.Z. Li được xem là một trong những loài có kích thước lớn nhất trong chi Aspidistra. Lá cây có thể dài trên 1 mét, còn hoa có cấu trúc đặc biệt với đường kính lên tới 15 cm. Hoa gồm nhiều thùy, có thể lên đến 12 thùy, xếp theo hướng xuyên tâm từ trung tâm hoa tỏa ra như pháo hoa rực rỡ. Hình dáng hoa vừa lạ mắt vừa mang vẻ huyền bí, được đánh giá là một trong những đại diện đặc trưng nhất cho các loài hoa lớn trong chi này.

Aspidistra longilaba G.Z. Li là loài ưa bóng râm và độ ẩm cao, thường sinh trưởng trong các môi trường đặc biệt như thung lũng rừng rậm, địa hình karst hoặc hố sụt – nơi có khí hậu ẩm ướt và ánh sáng tán xạ vừa đủ. Cây không chịu được ánh nắng trực tiếp và không thể phát triển ở nơi có ánh sáng mạnh hoặc khô hạn.

Loài cây cực kỳ quý hiếm, tưởng đã tuyệt chủng hơn 70 năm bất ngờ xuất hiện khiến các chuyên gia vui mừng- Ảnh 2.

Để phát triển, loài này cần nguồn nước ổn định nhưng không chịu được úng. Những khu vực có hệ thống thoát nước tự nhiên tốt, độ ẩm cao và giàu nguồn nước ngầm như địa hình karst – là nơi lý tưởng cho sự phát triển của loài cây này.

Aspidistra longilaba G.Z. Li chủ yếu hấp thụ dinh dưỡng từ lớp mùn giàu hữu cơ. Vi sinh vật trong đất phân giải mùn và giải phóng các chất cần thiết như nitơ, phốt pho, kali. Rễ cây phát triển sâu, cho phép hấp thụ tối đa nguồn dưỡng chất này.

Tuy nhiên, khả năng sinh sản của loài này lại khá hạn chế. Tỷ lệ nảy mầm trong tự nhiên thấp, cây con phát triển chậm và rất nhạy cảm với thay đổi môi trường. Việc sinh sản vô tính như tách cây cũng diễn ra chậm và phụ thuộc nhiều vào điều kiện sống. Khi gặp sâu bệnh hay môi trường bất lợi, khả năng phân chia của cây gần như bị đình trệ.

Giá trị nghiên cứu và bảo tồn sinh học

Việc tái phát hiện loài Aspidistra longilaba G.Z. Li trong tự nhiên không chỉ mang ý nghĩa khoa học lớn mà còn mở ra hy vọng bảo tồn các loài thực vật quý hiếm tại khu vực rừng đá vôi Quảng Tây, Trung Quốc – một trong những trung tâm đa dạng sinh học quan trọng của Trung Quốc.

Loài cây cực kỳ quý hiếm, tưởng đã tuyệt chủng hơn 70 năm bất ngờ xuất hiện khiến các chuyên gia vui mừng- Ảnh 3.

Nghiên cứu loài cây này không chỉ giúp hiểu rõ cơ chế sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt mà còn cung cấp dữ liệu quan trọng cho việc cải thiện đất karst và bảo tồn đa dạng sinh học. Đây cũng là cơ hội để tìm kiếm các giải pháp khôi phục môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững tại các vùng núi đá vôi của Trung Quốc.

Việc phát hiện lại loài này mang đến tín hiệu lạc quan, cho thấy nếu được bảo vệ kịp thời, những sinh vật quý hiếm vẫn có thể tiếp tục sinh trưởng và góp phần làm phong phú hệ sinh thái Trái Đất. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu, việc Aspidistra longilaba G.Z. Li xuất hiện trở lại cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm của con người trong việc gìn giữ thiên nhiên. 

(Theo Sohu; Iyingdi.com)