Lãnh đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc: Doanh nghiệp càng áp lực, càng phải nỗ lực

12/02/2024 16:15

(Chinhphu.vn) - Có thể nói, năm 2023 là năm biến động lớn nhất trong ngành lúa gạo toàn cầu với sự kiện Ấn Độ đột ngột dừng xuất khẩu gạo trắng. Thời điểm đó, giá lúa gạo tăng tác động vào người tiêu dùng trong nước và tác động tiêu cực đến doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, trong áp lực, ngành lúa gạo Việt Nam đã nỗ lực, nắm bắt cơ hội để đạt giá trị xuất khẩu lớn cho Việt Nam.

Trong áp lực, có cơ hội lớn

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng Công ty Lương thực miền Bắc cho biết, năm 2023 thực sự đã đánh dấu một năm thành công toàn diện của ngành nông nghiệp Việt Nam với việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây là 3,83%, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng hơn 5% của nền kinh tế.

Trong các mặt hàng nông nghiệp, phải kể đến mặt hàng lúa gạo. Cụ thể, sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, đã đáp ứng đủ tiêu dùng trong nước và đạt được thành tích xuất khẩu gạo kỷ lục về sản lượng là 8,3 triệu tấn, thu về được 4,5 tỷ USD.

Năm 2023, Ấn Độ là một trong những quốc gia lớn về sản xuất gạo, đã đột ngột dừng xuất khẩu gạo trắng. "Cú sốc này làm thay đổi hoàn toàn diễn biến cung cầu thế giới dẫn tới giá cả tăng vọt khoảng 30-40% trong vòng vài tuần tháng 7/2023. Thời điểm đó, các nước nhập khẩu lớn lo thiếu gạo lại càng tăng nhập, các nước xuất khẩu đã ký hợp đồng tiêu thụ giá trước đó giờ phải mua với giá cao đã dẫn đến tình hình hỗn loạn trên cả thị trường thế giới và trong nước", bà Tâm nói.

Theo lãnh đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, về mặt tích cực thì việc giá gạo nguyên liệu liên tục tăng và biên độ tăng lớn đã có lợi cho người sản xuất. Một số nước cấm xuất khẩu gạo đã mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, mặt khác, giá lúa gạo tăng lại tác động vào người tiêu dùng trong nước và tác động tiêu cực đến doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp càng chốt hợp đồng với số lượng lớn thì càng khó khăn đáp ứng nguồn hàng.

Trước tình hình trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn bạc, tìm cách giải quyết tình hình. Về phía các doanh nghiệp, trong đó có Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, đã áp dụng các biện pháp linh hoạt là giãn, hoãn, đàm phán lại và tập trung cao độ để thu mua bằng được nguồn hàng để đáp ứng các đơn hàng theo yêu cầu.

"Thời điểm đó, áp lực đối với chúng tôi rất lớn, nhưng trong áp lực, chúng tôi xác định càng phải nỗ lực, bởi cơ hội xuất khẩu gạo cho Việt Nam là rất lớn, cần phải tranh thủ thời cơ", bà Tâm chia sẻ.

Thực hiện quyết tâm và đồng bộ nên kết quả kinh doanh của Tổng Công ty năm 2023 đạt kết quả vượt mong đợi. Tổng lượng xuất đạt 1 triệu tấn gạo, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc là nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Tổng cục Dự trữ Quốc gia (kể cả thời điểm giá cao, cũng tính toán sẽ có thiệt hại) nhưng vẫn bảo đảm giao đủ hàng. Tổng Công ty tiếp tục giữ vững được khách hàng truyền thống. Đến 31/12/2023, Tổng Công ty đã đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu của cơ quan chủ quản là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước giao, trong đó các chỉ tiêu về sản lượng và kim ngạch đạt 141% và 174%.

Như vậy, mặc dù năm năm 2023 có những biến động lớn từ thế giới nhưng ngành lúa gạo Việt Nam vẫn đạt được các mục tiêu lớn. Đó là đã bảo đảm ổn định tiêu thụ trong nước; xuất khẩu hết lượng hàng hóa của nông dân; chất lượng gạo Việt Nam (điển hình là ST 25) tiếp tục được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới; và đặc biệt là thu nhập người nông dân đạt cao nhất từ trước đến nay (năm 2022 lúa tươi ngoài đồng là 5.000-6.000 đồng/kg, thì 2023 là 9.000-10.000 đồng/kg).

Rút ra nhiều bài học kinh nghiệm

Thời gian qua, ngành lúa gạo được sự quan tâm lớn của Chính phủ và các bộ, ngành. Trước tình hình biến động trên phạm vi thế giới và trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã bình tĩnh tính toán để điều hành linh hoạt, chuẩn bị các kịch bản sao cho bảo đảm cao nhất an ninh lương thực trong nước, nhưng cũng không vội vã đưa ra những biện pháp đột ngột, gây sốc mà để các thành phần trong chuỗi tự thích ứng, điều chỉnh trong tình hình, tận dụng được cơ hội xuất khẩu, duy trì được hiệu quả lợi nhuận cho người nông dân, mang lại kim ngạch xuất khẩu kỷ lục.

Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, các doanh nghiệp qua sự kiện này đã rút nhiều bài học kinh nghiệm, đó là phải sâu sát, quyết liệt hơn nữa trong việc nắm bắt thời cơ, kịp thời ổn định và duy trì sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp càng áp lực thì càng phải nỗ lực, vì không đủ nỗ lực thì khó tồn tại và vượt qua được những thời điểm khó khăn này.

Tổng cục Thống kê dự báo, năm 2024, nhu cầu lúa gạo toàn cầu vẫn ở mức cao, giá khả năng duy trì trên 600 USD/tấn. Bên cạnh đó, các nước có nguồn gạo lớn dùng gạo là mặt hàng lợi thế để đàm phán với các nước nhập lớn.

Xác định giá gạo cao và nhu cầu của thế giới là lớn, nên ngành lúa gạo vẫn sẽ tiếp tục là thế mạnh của Việt Nam. Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ đã liên tục có các chỉ đạo về các biện pháp đẩy mạnh ký các hợp đồng lớn dài hạn. Đặc biệt, vấn đề thương mại gạo đã là nội dung lớn trong các cuộc đàm phán với các nước cụ thể như cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Tổng thống Indonesia và Philippines trong tháng 1 vừa qua (đây cũng là 2 nước nhập khẩu gạo Việt Nam lớn hiện nay). Ngay cuộc gặp, những ngày cuối tháng 1/2024, các doanh nghiệp Việt Nam đã thắng áp đảo khi giành được khoảng 350.000 tấn trong gói thầu 500.000 tấn gạo của Indonesia.

Để ngành lúa gạo tiếp tục phát triển, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, đưa mặt hàng gạo vào trong các cuộc hội đàm cấp cao. Thực tế cho thấy, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng đều mỗi năm và khá lớn, vì thế trong kế hoạch của mình, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nên chăng đầu tư thành lập mới hoặc củng cố các đơn vị hiện có thành các hãng tàu chuyên chở được container lớn, đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường để ngành lúa gạo có thể chủ động và giảm phụ thuộc vào vận chuyển của nước ngoài.

Lãnh đạo Tổng công ty cũng bày tỏ, Chính phủ và các bộ, ngành sớm hoàn thiện cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước theo hướng phân cấp, phân quyền sâu hơn cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp tăng tính chủ động, thích ứng ngay được với biến động của thị trường nhằm sản xuất - kinh doanh hiệu quả hơn. Vì trong ngành lương thực hiện nay đang có hơn 200 nhà xuất khẩu và số lượng doanh nghiệp lương thực nội địa rất lớn, nếu thủ tục kéo dài, nhiều tầng nấc, thì sẽ khiến các doanh nghiệp lỡ mất nhiều cơ hội xuất khẩu gạo ra bên ngoài.

Giang Oanh


Bạn đang đọc bài viết "Lãnh đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc: Doanh nghiệp càng áp lực, càng phải nỗ lực" tại chuyên mục Quản trị. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.