Tôi tên là Lâm Hân, năm nay 42 tuổi, hiện đang làm kế toán trưởng cho một công ty xây dựng ở Thượng Hải. Câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây không chỉ là về một hành trình dài 5000km, mà còn là hành trình mở ra một sự thật khiến tôi rơi nước mắt.
Chồng tôi, anh Triệu Lỗi mất cách đây hơn một năm do bệnh hiểm nghèo. Sau tang lễ, tôi từng nghĩ mình sẽ không thể nào vực dậy được nữa. Nhưng vì hai con còn nhỏ, tôi tự nhủ: Mình không được gục ngã. Một mình xoay xở giữa công việc, con cái, nhà cửa, nhiều lúc tôi tưởng như muốn buông xuôi. Cũng từ sau đám tang, tôi gần như mất liên lạc hoàn toàn với bố chồng - ông Triệu Quốc Thắng.
Lúc sinh thời, chồng tôi và bố anh ít khi nói chuyện, quan hệ giữa họ khá lạnh nhạt. Tôi cũng không hiểu vì sao chồng mình lại như vậy, chỉ biết là sau khi chồng lên thành phố học đại học, ông ở lại quê tận Tây Tạng, rồi ít khi liên lạc. Cũng chẳng mấy ai trong họ hàng nhắc đến ông. Mười mấy năm qua, chúng tôi sống gần như không có sự hiện diện của người đàn ông ấy. Chồng tôi chưa từng chủ động gọi điện hỏi thăm, và cũng chưa từng nhắc đến chuyện đón ông lên sống cùng.

Ảnh minh hoạ
Sau khi chồng mất, tôi bất chợt thấy trong hộp thư cũ của anh một loạt bưu thiếp từ Tây Tạng - đều là do một người ký tên “bố” gửi. Gần như năm nào ông cũng gửi, nhưng tất cả đều bị bỏ xó trong ngăn kéo. Có lẽ anh không đọc. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra giữa hai cha con, nhưng khi nhìn thấy nét chữ run run, lời lẽ đầy yêu thương của người cha già, tôi đã bật khóc.
Tôi quyết định: Mình phải đi tìm ông.
Vì ông không dùng điện thoại thông minh, tôi phải liên hệ qua người trong làng, xác định được địa chỉ rồi một mình lái xe vượt 5000km về quê nhà ông. Hai đứa con tôi được gửi cho ông bà ngoại chăm vài hôm.
Chuyến đi kéo dài gần một tuần, qua mưa gió, tuyết phủ và những đoạn đèo nguy hiểm. Nhưng tôi biết, đây không chỉ là một cuộc đoàn tụ, mà còn là cách để tôi tìm lại một phần ký ức và trách nhiệm gia đình mà chồng tôi chưa kịp hoàn thành.
Khi tôi đến nơi, ông đang ngồi trong căn nhà gỗ nhỏ, tự tay nhóm lửa nấu ăn. Ông nhìn tôi sững sờ, như không tin rằng con dâu từ Thượng Hải lại vượt nửa đất nước để tìm mình.
Tôi nói: “Bố ơi, con đến đón bố về ở với cháu. Nhà không thể thiếu bố mãi được.” Ông bật khóc.
Nhưng bất ngờ nhất là sau đó, ông lặng lẽ đưa cho tôi một chiếc hộp gỗ cũ kỹ. Mở ra là một cuốn sổ tiết kiệm và hàng chục bức thư ông từng viết cho chồng tôi nhưng chưa bao giờ được gửi đi.
Trong cuốn sổ tiết kiệm có hơn 800.000 tệ (~3 tỷ đồng).

Ảnh minh hoạ
“Bố làm thế để làm gì?”, tôi nghẹn ngào hỏi.
Ông đáp, giọng chậm rãi: “Bố biết lỗi của mình năm xưa, khi mẹ nó mất, bố quá đau buồn mà sa vào rượu chè, đánh mắng con. Nó bỏ đi lên thành phố, bố không trách. Nhưng từ đó về sau, bố đã cai rượu, làm đủ thứ nghề – nuôi ong, bán mật, cắt cỏ thuê,... để dành từng đồng gửi cho nó. Nhưng nó không nhận. Bố cũng không đủ can đảm lên tìm. Bố biết, bố đã đánh mất thằng con trai duy nhất.”
Ông nói, khoản tiền đó ban đầu là để sau này hỗ trợ vợ chồng tôi mua nhà hoặc nuôi cháu ăn học. Sau khi chồng tôi mất, ông định dùng để xây mộ phần tử tế cho anh, nhưng sau khi tôi xuất hiện, ông muốn để lại toàn bộ cho mẹ con tôi.
“Tôi đã sai một lần rồi, giờ tôi chỉ muốn được gần con dâu và các cháu, ngày nào còn sống là ngày đó còn có thể sửa sai”, ông nói.
Câu chuyện ông kể khiến tôi không thể không xúc động. Tôi nhớ những tháng ngày hai vợ chồng chật vật trả góp mua nhà, con tôi từng phải nghỉ học thêm vì thiếu tiền. Nếu tôi biết đến khoản tiền này sớm hơn, có lẽ mọi chuyện đã dễ thở hơn.
Nhưng hơn tất cả, tôi thấy ấm lòng vì người cha già ấy, dù lặng lẽ, nhưng vẫn luôn dõi theo chúng tôi từ xa. Có lẽ chồng tôi chưa sẵn sàng tha thứ, nhưng tôi nghĩ các con nên có cơ hội hiểu và yêu thương ông nội mình.
Tôi quyết định đưa ông về sống cùng ở Thượng Hải. Ngày xe rời làng, hàng xóm ra tiễn, ai cũng nói: “Ông cụ mười mấy năm nay chỉ quanh quẩn trong làng, ai cũng tưởng ông chẳng còn người thân nào.”
Về nhà, ông không sống một cách phụ thuộc. Ông vẫn quen dậy sớm nấu cháo, đưa đón cháu đi học, chiều chiều ra công viên gần nhà tập dưỡng sinh. Mỗi khi tôi đi làm về muộn, ông đều chuẩn bị sẵn bữa tối, ngồi đợi đến khi cả nhà đông đủ mới ăn.
Câu chuyện của bố chồng tôi cũng giống như rất nhiều người già ở quê – họ không biết nhiều về đầu tư, không chạy theo chứng khoán, vàng bạc. Họ chỉ biết tích cóp từng đồng bằng lao động chân tay – và chọn một hình thức duy nhất: tiết kiệm.
Thói quen tiết kiệm, dù nhỏ, nhưng duy trì đều đặn suốt nhiều năm sẽ tạo ra một con số không ngờ. Với mức thu nhập chỉ vài ngàn tệ mỗi tháng, ông vẫn có thể để dành gần 1 triệu tệ sau hơn chục năm. Tôi biết, không phải ai cũng có một người cha chồng như tôi. Nhưng tôi mong, nếu bạn còn cha mẹ, hãy thử hỏi xem họ đang sống thế nào, và liệu bạn có thể giúp họ sống tốt hơn không. Đừng đợi đến khi họ già yếu hoặc mất đi, chúng ta mới thấy ân hận vì chưa làm đủ.
Theo Toutiao
Hoặc