Jeff Bezos 'tuyên chiến' với Elon Musk

Admin

01/05/2025 12:30

Amazon chính thức bước vào cuộc đua phủ sóng Internet toàn cầu từ không gian khi phóng lô vệ tinh Kuiper đầu tiên, đặt tham vọng đối đầu với mạng lưới Starlink của Elon Musk.

Một tên lửa Atlas V của Liên minh Phóng tàu Mỹ (United Launch Alliance) rời bệ phóng, mang theo các vệ tinh mạng internet thuộc Dự án Kuiper của Amazon từ Trạm Lực lượng Không gian Cape Canaveral, bang Florida, Mỹ, ngày 28/4. Ảnh: Reuters.

Ngày 28/4, tổng cộng 27 vệ tinh đã được đưa lên vũ trụ trên tên lửa Atlas V do liên danh United Launch Alliance chế tạo, cất cánh lúc 19h (giờ miền Đông Mỹ) từ Trạm Lực lượng Không gian Cape Canaveral, bang Florida.

Đây là bước khởi đầu cho Project Kuiper - kế hoạch đầy tham vọng của Amazon nhằm xây dựng một chòm vệ tinh khổng lồ phát internet từ không gian. Với dự án này, Amazon đặt mục tiêu đối đầu trực tiếp với Starlink, hệ thống vệ tinh đã có ít nhất 4,6 triệu người dùng trên toàn cầu của SpaceX.

Cả Starlink và Project Kuiper đều hướng tới mục tiêu thay đổi hạ tầng Internet toàn cầu, đặc biệt là mang kết nối tới các khu vực hẻo lánh, nơi mạng băng thông rộng truyền thống, vốn dựa vào cáp ngầm, không thể vươn tới.

Tuy nhiên, đây là một thách thức kỹ thuật cực kỳ phức tạp. Hàng nghìn vệ tinh bay sát Trái Đất với vận tốc hơn 27.000 km/h phải phối hợp nhịp nhàng để duy trì kết nối ổn định với thiết bị thu tín hiệu dưới mặt đất.

Trong khi SpaceX đã đạt được bước tiến lớn với Starlink, triển vọng tài chính vẫn là ẩn số do công ty chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Phía Amazon, dù bước đầu đạt tiến triển, vẫn khiến giới phân tích Phố Wall lo ngại về khả năng chen chân vào một thị trường đang bị SpaceX chiếm lĩnh áp đảo.

Amazon có đang quá trễ?

Hiện câu hỏi đặt ra là: Liệu Amazon có đang đến muộn trong cuộc đua không gian?

“Kuiper sẽ phải mất rất nhiều thời gian và nỗ lực mới có thể phục vụ một phần đáng kể thị trường”, Craig Moffett - Giám đốc cấp cao của hãng nghiên cứu MoffettNathanson - nhận định trên CNN. “Có khả năng rất cao rằng Amazon đã quá trễ để biến Kuiper thành một khoản đầu tư hấp dẫn”.

khong gian vu tru anh 1

Một thiết bị đầu cuối dành cho khách hàng của Dự án Kuiper - thiết bị mặt đất cần thiết để người dùng dân cư truy cập vào mạng lưới. Ảnh: Amazon.

Dự kiến, giai đoạn đầu tiên của Kuiper sẽ vận hành với khoảng 3.200 vệ tinh, bay ở độ cao khoảng 450 km trên bề mặt Trái Đất, thấp hơn một chút so với độ cao 550 km của các vệ tinh Starlink.

Cả hai hệ thống này đều hoạt động tại quỹ đạo Trái Đất tầm thấp - khu vực gần Trái Đất hơn nhiều so với vị trí của các vệ tinh liên lạc truyền thống.

Ví dụ, các công ty như Inmarsat (Anh) hay Viasat (Mỹ), chuyên cung cấp Wi-Fi ở vùng sâu vùng xa hoặc trên máy bay, hiện dùng vệ tinh ở quỹ đạo địa tĩnh, cách Trái Đất tới 35.786 km, khiến tốc độ truyền dữ liệu bị chậm đáng kể. Do đó, vệ tinh bay thấp như Kuiper hay Starlink có lợi thế rõ rệt về độ trễ tín hiệu.

Starlink đã nhanh chóng ứng dụng vào nhiều mục đích, từ cung cấp internet cho hộ gia đình ở vùng sâu vùng xa, đến kết nối cho máy bay, xe RV hay thậm chí là cho phi hành gia trên các tàu vũ trụ.

Tuy nhiên, theo ông Moffett, để Kuiper có thể bám đuổi kịp SpaceX là điều không dễ, nhất là trong giai đoạn đầu triển khai, khi Amazon phải bỏ ra rất nhiều thời gian và nguồn lực để mở rộng mạng lưới.

Theo báo cáo tháng 10 của công ty tài chính Raymond James, việc triển khai thế hệ đầu tiên của Kuiper gồm khoảng 3.200 vệ tinh có thể ngốn đến 17 tỷ USD ban đầu.

Ngay cả khi Amazon có thể thu hồi vốn bằng doanh thu sau khi cung cấp dịch vụ, theo chuyên gia Josh Beck của Raymond James, chi phí vận hành hàng năm của Kuiper vẫn có thể rơi vào khoảng 1 đến 2 tỷ USD.

khong gian vu tru anh 2

Dự án Kuiper sẽ cần tới hàng trăm trạm mặt đất, đóng vai trò là một phần quan trọng trong hạ tầng hỗ trợ toàn bộ hệ thống. Ảnh: Amazon.

Về phần mình, ông Moffett tỏ ra hoài nghi về tính khả thi trong tính toán của Amazon khi cạnh tranh với Starlink. Ông cho rằng Amazon có thể đã bỏ lỡ “làn sóng đầu tư hạ tầng internet” tại Mỹ, và Kuiper có thể chỉ mang lại cho Amazon những rủi ro của việc vận hành một chòm vệ tinh khổng lồ mà không gặt hái được nhiều lợi ích tương xứng.

Bezos - đối trọng ôn hòa với Musk?

Ngoài yếu tố kỹ thuật và tài chính, chiến lược cạnh tranh giữa Amazon và SpaceX còn mang màu sắc địa chính trị, đặc biệt trong bối cảnh Elon Musk ngày càng trở thành nhân vật gây tranh cãi với những phát ngôn và hoạt động liên quan đến các điểm nóng xung đột như Ukraine. Việc Starlink đóng vai trò trong các chiến sự khiến Musk vướng vào làn sóng chỉ trích quốc tế.

Trái lại, Jeff Bezos - người sáng lập Amazon - được xem là lựa chọn “an toàn” và dễ chấp nhận hơn trên trường quốc tế, nhất là khi Elon Musk ngày càng công khai ủng hộ đường lối cứng rắn và tham gia sâu vào chính quyền Trump.

Giới quan sát cho rằng NATO và Ukraine có thể “thầm mừng” khi có thêm một nhà cung cấp dịch vụ Internet không gian không mang màu sắc chính trị cực đoan như Musk.

“Tôi cho rằng NATO và Ukraine hẳn đang thầm vui mừng khi có một lựa chọn khác ngoài Elon Musk để cung cấp khả năng kết nối", ông Moffett bình luận.

khong gian vu tru anh 3

Phương tiện mang hệ thống Internet vệ tinh Starlink gần tiền tuyến của vùng Donetsk (Ukraine) ngày 27/2/2023. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, cuộc chơi không chỉ gói gọn trong Amazon và SpaceX. Các đối thủ khác như OneWeb (Anh) cũng đang ráo riết xây dựng hệ thống vệ tinh riêng. Một số quốc gia châu Âu thậm chí đang cân nhắc phát triển mạng lưới nội địa với lý do an ninh.

Một thế giới nhỏ bé, nhưng nhiều tiềm năng

Về lý thuyết, Project Kuiper có thể mang đến cơ hội mở rộng tệp khách hàng toàn cầu cho Amazon, đồng thời hỗ trợ các mảng kinh doanh chiến lược như Amazon Web Services (AWS) hay hệ thống logistics toàn cầu. Công ty dự kiến sẽ triển khai dịch vụ thương mại cho những khách hàng đầu tiên ngay trong năm nay.

Rajeev Badyal - Phó chủ tịch Project Kuiper - luôn giữ giọng điệu thận trọng khi nói về tiềm năng của dự án.

Trong tuyên bố sau vụ phóng hôm 28/4, ông nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi đưa thiết kế vệ tinh hoàn chỉnh lên vũ trụ và cũng là lần đầu tiên triển khai cùng lúc nhiều vệ tinh như vậy”.

“Bất kể nhiệm vụ này diễn ra thế nào, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Chúng tôi đã có trong tay mọi mảnh ghép cần thiết để học hỏi, điều chỉnh và sẵn sàng phóng tiếp trong nhiều năm tới”, Badyal nói.

Dù dự án được đánh giá rất tiềm năng nhưng hiện nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ: Amazon có thể cạnh tranh về giá với SpaceX hay không? Họ mất bao lâu để sản xuất hàng loạt vệ tinh và phủ sóng được các khu vực rộng lớn?

Amazon đã chính thức nhập cuộc. Nhưng để thu hẹp khoảng cách với Starlink, công ty của Jeff Bezos sẽ cần nhiều hơn một vụ phóng thành công: Đó là tốc độ, nguồn lực tài chính và cả thời gian.

Hiểu về vũ trụ qua những cuốn sách

Mục Thế giới giới thiệu các cuốn sách về vũ trụ như cuốn “Vũ trụ”, “Lược sử thời gian”, “Một đêm”. Đây là những cuốn sách cung cấp kiến thức về vũ trụ, khơi gợi cảm hứng khám phá khoảng không vô tận.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Bạn đang đọc bài viết "Jeff Bezos 'tuyên chiến' với Elon Musk" tại chuyên mục Tài chính.