* Dưới đây là chia sẻ của cô Chu Thanh - giáo viên có 25 năm kinh nghiệm tại Trung Quốc. Quan điểm mang tính chiêm nghiệm cá nhân, không đại diện cho số đông.
Tôi dạy học đã 25 năm. Nhiều thế hệ học sinh đến rồi đi, từ những đứa trẻ lớp 1 còn líu ríu níu tay mẹ, đến chúng lớn lên và trở thành những cô cậu cấp 3 đầy mơ mộng và hoang mang trước ngưỡng cửa cuộc đời. Trong quãng đường ấy, tôi không đếm nổi đã từng dạy bao nhiêu em. Nhưng có một điều lạ, là tôi không cần đợi đến năm lớp 12, không cần kết quả học bạ, tôi chỉ cần lặng lẽ nhìn bóng lưng cha mẹ lúc đưa con đến trường, là có thể phần nào hình dung được tương lai của đứa trẻ ấy sẽ ra sao.
Sau 25 năm làm nghề, tôi tin vào những dấu hiệu thầm lặng, những chi tiết nhỏ bé mà nhiều người không để ý, nhưng lại chứa đựng cả một hệ sinh thái cảm xúc và văn hóa trong gia đình. Và bóng lưng của cha mẹ, cái cách họ rời đi sau khi đưa con tới cổng trường luôn là một kho dữ liệu thầm lặng nhưng rất thật.
Tôi từng có một học sinh rất thông minh, lanh lợi, nhưng thường xuyên không làm bài tập. Khi tôi mời phụ huynh đến, mẹ em bước vào phòng họp với dáng vẻ hối hả, điện thoại không rời tay, và trong suốt buổi nói chuyện, bà chỉ nói một câu: "Nó hư thì cô cứ phạt, tôi bận lắm".

Cha mẹ nên quan tâm con cái hơn nữa.
Khi bà đứng dậy ra về, tôi nhìn thấy bóng lưng của một người phụ nữ quá kiệt sức, quá căng thẳng, có lẽ là vì cuộc sống, vì công việc, vì chồng con… Nhưng trong ánh mắt đứa trẻ hôm đó, tôi cũng nhìn thấy một sự hụt hẫng âm thầm. Nó không nổi loạn, chỉ là dần dần, không còn muốn cố gắng nữa.
Ngược lại, có lần tôi gặp một ông bố quê mùa, đến trường trong bộ áo sơ mi sờn vai, tay cầm nón lá. Ông không nói được những lời bóng bẩy, chỉ gãi đầu bảo: "Cô dạy cháu được bao nhiêu, nhà tôi đội ơn bấy nhiêu".
Lúc ra về, ông không quay lưng vội. Ông chờ con ở cổng, đứng đó, lặng thinh, nheo mắt nhìn vào sân trường, như thể muốn nói: "Ba vẫn ở đây". Bóng lưng ấy rất gầy, nhưng lại rất vững. Và đứa trẻ ấy không giỏi giang vượt trội nhưng kiên cường, bền bỉ, năm nào cũng đều đặn tiến bộ.
Tôi kể ra không phải để kết luận ai đúng, ai sai. Tôi không nghĩ cha mẹ nào là hoàn hảo. Ai cũng đang vật lộn trong cuộc đời này, kể cả tôi. Tuy nhiên, sau ngần ấy năm, tôi nhận ra cách cha mẹ yêu con sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cách con đối diện với cuộc sống.
Một người mẹ hay so sánh con với "con nhà người ta" sẽ gieo vào đầu đứa trẻ một niềm tin độc hại rằng chúng luôn chưa đủ tốt. Một người bố hay la mắng, hay đập bàn, sẽ dạy con cách dùng giận dữ thay cho lý lẽ. Ngược lại, cha mẹ nào biết lắng nghe, biết kiên nhẫn dù con có sai, sẽ cho con một cảm giác an toàn để lớn lên. Tương lai của một đứa trẻ không nằm ở số tiền học thêm hay điểm GPA, mà nằm ở chính cái nền tảng cảm xúc mà chúng nhận được từ gia đình.

Đôi khi chỉ vì hành động nhỏ của cha mẹ cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến con cái.
Tôi từng bị một người hỏi: "Cô có con không mà nói như thật vậy?". Tôi cười: "Cô có một lớp học mỗi năm". Mỗi học sinh với tôi là một "đứa con thời vụ". Tôi không thể đi cùng các em suốt cuộc đời, nhưng tôi hy vọng mình đủ tỉnh táo để nhìn ra những vết nứt sớm nhất đôi khi không nằm ở học trò, mà nằm ở cha mẹ.
Thế nên, mỗi khi bước ra sân trường, tôi vẫn giữ một thói quen quan sát bóng lưng người lớn. Đó không phải là sự phán xét, mà là một dạng lặng lẽ của sự lắng nghe. Vì bóng lưng ấy vô thức thôi đang kể câu chuyện thật nhất về một mái nhà.
Và nếu bạn là cha mẹ, đừng chỉ hỏi con: "Hôm nay học gì?" , hãy hỏi chính mình: "Hôm nay, mình đã cho con cảm giác gì?". Tôi tin, tương lai của con không phụ thuộc vào sự hoàn hảo của cha mẹ, mà phụ thuộc vào cái cách cha mẹ yêu con mỗi ngày, âm thầm mà vững chãi như một bóng lưng không rời.
Hoặc