![]() |
Quy mô quán cà phê ở Trung Quốc tăng ròng 12.000 cửa hàng sau một năm. Ảnh: SCMP. |
Theo SCMP, thị trường cà phê Trung Quốc đang bùng nổ khi làn sóng mở rộng thần tốc, cạnh tranh giá khốc liệt và cả sự ủng hộ từ Chủ tịch Tập Cận Bình đưa thức uống này trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Khi văn hóa cà phê lan rộng khỏi các đô thị lớn và dần rũ bỏ hình ảnh “xa xỉ phẩm”, hàng loạt thương hiệu mới với mô hình kinh doanh và hương vị khác biệt đã đổ bộ, buộc các “ông lớn” cũ phải xoay trục chiến lược.
Hàng chục nghìn quán cà phê mới
Trong vòng một năm qua, có tổng cộng 66.920 quán cà phê mới mở trên khắp Trung Quốc, tương đương mức tăng ròng gần 12.000 cửa hàng nếu tính cả lượng đóng cửa.
Sự bùng nổ diễn ra song song với chiến dịch thúc đẩy hạt cà phê nội địa, đặc biệt là sau phát biểu hồi tháng 3 của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng cà phê từ tỉnh Vân Nam “đại diện cho Trung Quốc”.
Cả các chuỗi nội địa lẫn quốc tế đều đang chịu ảnh hưởng. Starbucks hiện chỉ còn chiếm 14% thị phần trong năm 2024, giảm mạnh từ mức 34% hồi năm 2019 theo dữ liệu Euromonitor International. Doanh số tại các cửa hàng hiện hữu của Starbucks ở Trung Quốc cũng giảm 8% trong năm tài chính 2024.
Đáng chú ý, phần lớn mức tăng trưởng của thị trường lại đến từ các thành phố hạng 2 hoặc nhóm “chớm hạng nhất” - tức các đô thị chưa toàn cầu hóa mạnh như Bắc Kinh hay Thượng Hải nhưng đang bùng nổ về dân số và sức mua.
Năm ngoái, riêng Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên) đã ghi nhận thêm 1.995 quán cà phê mới, xếp hạng 3 toàn quốc. Hàng Châu, trung tâm công nghệ ở miền Đông, theo sát với 1.725 cửa hàng mới mở.
![]() |
Các cửa hàng cà phê với không gian nhỏ gọn trở thành xu thế. Ảnh: Handout. |
Theo Guo Xingjun, nhà sáng lập kiêm CEO Nowwa Coffee (chuỗi cà phê với hơn 2.000 điểm bán), thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng, biến cà phê từ biểu tượng địa vị thành đồ uống “thiết thực” hơn. Sự lan tỏa ra ngoài nhóm dân văn phòng cũng đang tạo ra cơ hội tăng trưởng mới.
“Lấy Thượng Hải làm ví dụ. Thành phố phát triển nhất Trung Quốc có 24 triệu dân, nhưng chỉ khoảng 8 triệu người là dân văn phòng. Trong số còn lại, rất nhiều là các bạn trẻ làm phục vụ tại trung tâm thương mại, nhân viên bán hàng ở Chow Tai Fook hay tài xế giao hàng. Trước đây họ dùng nước tăng lực để tỉnh táo, giờ họ chọn uống cà phê”, ông Guo nói.
Nowwa đang tận dụng xu hướng này để mở rộng ra các đô thị hạng thấp với mục tiêu giành chỗ đứng vững chắc trong một thị trường đang cạnh tranh về giá ngày càng khốc liệt. Riêng trong tháng 3, ông Guo tiết lộ chuỗi này đã mở hàng trăm cửa hàng trên toàn quốc và doanh thu tháng tăng gấp đôi.
Đà mở rộng giúp Nowwa cạnh tranh trực diện với Manner - chuỗi cà phê giá rẻ nổi tiếng - và thậm chí vượt cả thương hiệu K Coffee do KFC phát triển nội bộ về số lượng cửa hàng.
Yếu tố cốt lõi trong chiến lược của Nowwa là mô hình cửa hàng nhỏ gọn và siêu tối ưu. Theo website của chuỗi, phần lớn cửa hàng của Nowwa nằm trong các địa điểm bán lẻ sẵn có như cửa hàng tiện lợi, tiệm internet hay khách sạn phổ thông. Diện tích trung bình mỗi cửa hàng chỉ 30-40 m2, nhỏ hơn rất nhiều so với mức 200 m2 của một cửa hàng Starbucks tiêu chuẩn.
Nhờ vậy, Nowwa có thể tận dụng được hạ tầng sẵn có của đối tác như điều hòa, lưu lượng khách, thậm chí cả chuỗi cung ứng.
Nguy cơ bão hòa
Theo báo cáo tháng 11 của hãng nghiên cứu iiMedia, ngành cà phê Trung Quốc hiện được định giá 624 tỷ nhân dân tệ (86 tỷ USD) và có thể chạm mốc 1.000 tỷ tệ ngay trong năm nay.
Tuy nhiên, khi thị trường phình to, áp lực cạnh tranh cũng leo thang khiến giá trung bình bị kéo xuống. Theo canyin88.com, giá một ly cà phê trung bình tại Trung Quốc đã giảm 14% trong năm qua xuống còn 28 tệ vào năm 2024.
“Thị trường cà phê Trung Quốc đang dần bão hòa. Các thương hiệu nội địa và thương hiệu mới mở rộng rất nhanh. Cuộc chiến giá và các chương trình khuyến mãi đang khiến nhiều chuỗi nhỏ không thể trụ nổi và phải đóng cửa”, Nathanael Lim, chuyên gia nghiên cứu ngành đồ uống châu Á - Thái Bình Dương của Euromonitor, nhận định.
Để thích nghi, các chuỗi cà phê buộc phải tiến hóa. Nhiều thương hiệu đã mở rộng danh mục sản phẩm sang trà, bánh nướng hoặc đồ uống theo chủ đề văn hóa. Một số khác chọn cách đặt cửa hàng tại các điểm du lịch nổi tiếng hoặc đền chùa cổ kính để thu hút khách và tạo hiệu ứng trên mạng xã hội.
Còn với các thương hiệu quốc tế, Lim cho rằng họ bắt buộc phải “nội địa hóa sâu hơn nữa” và tìm kiếm các đối tác địa phương nếu muốn giữ được sức cạnh tranh trong môi trường ngày càng khốc liệt này.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Hoặc